Tranh thủ giờ nghỉ trưa lướt mạng xem tin tức, chị Linh, một nhân viên văn phòng đã có gia đình bỗng dừng lại trước 1 đoạn clip về thực phẩm bẩn. Chị hơi giật mình và nghĩ lại những thứ đồ ăn đã cho vào người và không biết, bao nhiêu trong số đó cũng có quy trình nuôi trồng và chăm sóc thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm như trong clip.
Chị nghĩ lại những lần vội vàng về đón con, tạt qua chợ mua 1 ít đồ để nấu bữa cơm tối mà chẳng rõ chất lượng như thế nào. Nhiều khi chợ đông, lại đèo con nhỏ, chị cũng không lách sâu vào trong chợ để mua của hàng quen mà mua ngay ngoài mặt đường. May mắn thay, nhà chị chưa có sự việc nào xảy ra.
Thế nhưng không phải ai cũng có được may mắn đó. Anh Mạnh, trưởng phòng kinh doanh của một doanh nghiệp xây dựng vì ngộ độc thực phẩm đã phải nằm viện mấy ngày, công việc không thể giải quyết và sức khỏe đi xuống rất nhiều; phải vài tuần sau khi xuất viện, cuộc sống của anh mới trở lại nhịp độ bình thường.
Chị Tâm, trưởng phòng xúc tiến thương mại tại một doanh nghiệp xuất khẩu may mặc cho biết: “Xem tivi báo đài, đọc tin tức thấy rất nhiều vụ ngộ độc cũng như quy trình thiếu vệ sinh nên rất lo. Trước đây chị thường mua đồ ăn cho gia đình tại khu chợ gần nhà nhưng sau đó chuyển dần sang mua tại siêu thị để đảm bảo. Mặc dù đường đi có xa hơn, vào siêu thị cũng tốn công đi lại nhưng chị vẫn lựa chọn để yên tâm hơn”.
Rõ ràng, nhu cầu nông sản sạch, thực phẩm sạch đang gia tăng và sẽ càng mạnh hơn trong những năm tới khi mức sống của người dân được cải thiện, từ đó nâng cao nhận thức chung. Tuy vậy, ngoài chuỗi siêu thị có tên tuổi, số lượng doanh nghiệp và hệ thống cửa hàng làm về nông sản sạch thực tế không nhiều.
Theo thông tin từ cuộc họp liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm cuối năm ngoái, cả nước ghi nhận 139 vụ ngộ độc thực phẩm với số người mắc gần 3.900 người, trong đó có 24 người tử vong, tăng gấp đôi so với năm 2016.
Thực trạng trên cùng với việc phát hiện hàng loạt cơ sở trồng trọt, chăn nuôi vi phạm về an toàn vệ sinh như chứa chất cấm hay dư thừa chất bảo vệ thực vật khiến không ít người dân hoang mang và đặt ra câu hỏi: “Thực phẩm sạch ở đâu?”.
Trên thực tế, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng lựa chọn các thực phẩm sạch, đặc biệt là tại những khu vực thành thị, thành phố và chủ yếu thực hiện mua sắm tại các chuỗi siêu thị “có tiếng”.
Bên lề “Diễn đàn chính sách nông nghiệp số 09: Làm gì để phát triển thị trường cho nông sản sạch”, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho biết, nông nghiệp sạch hiện mới chỉ chiếm 1%, đồng nghĩa 99% còn lại là tiềm năng vô cùng lớn với các doanh nghiệp.
“Về chất lượng, chúng ta không thể so được với các nước hiện đại như Nhật Bản khi họ vừa là thị trường tiêu thụ, vừa trực tiếp sản xuất những sản phẩm chất lượng rất cao. Tương tự Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ cũng vậy. Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, có lợi thế sản xuất lớn nhưng hạn chế về chất lượng, dù nhu cầu tăng rất cao nhưng thị trường nông sản sạch vẫn rất èo uột, TS. Lưu Bích Hồ nhìn nhận.
Lý giải nguyên nhân của thực trạng trên, ông Trần Mạnh Chiến, chủ chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm cho rằng có 3 nguyên nhân.
Thứ nhất, khách hàng dường như đang đánh đồng chữ “sạch” với chữ “ngon”, sạch là phải ngon. Người ta chưa biết quy trình sản xuất ra làm sao, có dư hóa chất hay không nhưng sản phẩm phải ngon.
Thứ hai, việc mất lòng tin từ người dân vì có quá nhiều vụ việc thực phẩm không sạch.
Thứ ba, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ và nếu để những quy mô nhỏ đó chứng minh với khách hàng sẽ là điều rất khó.
Ở một góc nhìn khác, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh đã nêu ra hai nguyên nhân chính đằng sau tình trạng “èo uột” của thị trường nông sản sạch.
"Trong một môi trường không sạch, ai mà sạch rất khó sống, khó phát triển. Hãy tưởng tượng trong một lớp học, hầu hết mọi người đều quay cóp bài và chỉ có một hay hai người không quay cóp thì điểm sẽ rất thấp. Do đó, phải có chế tài trừng phạt mạnh mẽ những cái không trong sạch, nhất là trong nông nghiệp”, ông Nghĩa nói.
Cũng theo ông Nghĩa, các nhà sản xuất nông sản hiện gặp muôn vàn khó khăn. Những người quản lý thị trường phải rất có kỉ luật, phải tạo cho lớp học một không khí mà học sinh nào cũng phải chăm học và phải chịu kỉ luật. Đằng này chúng ta người làm tốt cũng như người làm xấu, người làm tốt chẳng được thưởng gì còn người làm xấu cũng chẳng bị phạt gì.
Nhận định về xu hướng thị trường nông sản sạch, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, đặc thù của thị trường nông nghiệp trong tương lai chắc chắn sẽ phụ thuộc nhiều vào các tập đoàn lớn bởi đòi hỏi về công nghệ cũng như đất đai rộng và tập trung mới quản lý được chất lượng; đây là một chuyện rất bình thường.
Các hộ nhỏ không ai kiểm soát được thông tin và khi làm mà người ta không tin thì họ sẽ không bán được hàng. Tuy nhiên, “không có nghĩa là các hộ nông dân và những nhóm sản xuất nhỏ không có cơ hội. Nếu như họ biết liên kết với nhau, có phương thức liên kết thì sẽ làm được”, ông Thành nói.
Những hội sản xuất nhỏ được đánh giá có lợi thế về sản phẩm đặc thù nhưng khâu liên kết là khâu khó nhất, từ đó gặp khó khăn trong đảm bảo niềm tin cho khách hàng, cho người tiêu dùng.
Đồng quan điểm trên, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch Nguyễn Thị Hồng Minh nhìn nhận, việc sản xuất sản phẩm sạch - sản phẩm hữu cơ chắc chắn không thể đi vào kênh thông thường, phải tự tìm kênh hoặc liên kết với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
“Nông nghiệp bình thường thường thông qua thương lái, chợ đầu mối trong khi những người sản xuất ra sản phẩm sạch cần sự đầu tư rất lớn cũng như lòng tin mà thương lái thì không cần những yếu tố đó. Họ cần đẹp, cần rẻ”, bà Minh giải thích.
“Theo bà Minh, thị trường nông sản sạch sẽ thuộc về phân khúc người tiêu dùng có khả năng chi trả cho mức giá sạch đó và họ có lòng tin bởi mức giá bây giờ cao quá. Nếu có đầu tư, có hỗ trợ, phương tiện trang thiết bị nhiều hơn nữa thì có thể hạ giá được.
Về góc độ chính sách, để thúc đẩy thị trường quan trọng này, Viện trưởng VEPR cho rằng, để thúc đẩy tiến trình tốt hơn thì chính sách cần đúng hướng, đúng điểm chứ không phải là dàn trải, hô hào, chỉ có như thế mới phát triển được thị trường này.
Chính sách không phải làm phong trào, sử dụng tiền ngân sách hay là đưa ra quy mô rất lớn nhưng không kiểm soát được chất lượng, hành vi của người nông dân.
Thị trường nông sản sạch hiện nay đang phát triển, cơ chế chính sách hay các hội, hiệp hội cũng đang dần giải quyết nhiều vấn đề và tôi nghĩ rằng cần phải có thời gian. Chính phủ cần thực sự tập trung vào những khu vực như kiểm soát chất lượng, đưa thông tin minh bạch, công bằng chính là cách giúp cho thị trường này phát triển tốt hơn”, ông Thành nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với ông Thành, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh: “Phải có những chính sách lớn về nông sản sạch, nông nghiệp sạch chứ không phải đơn lẻ như hiện nay. 10 năm trời mới ra được một cái văn bản mà văn bản chưa đi vào cuộc sống là bao nhiêu”.
Không chỉ vậy, theo ông Nghĩa, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm của Đài Loan (Trung Quốc) về phát triển công nghệ vi sinh và nông phẩm sạch như thành lập viện nghiên cứu lớn về công nghệ, có sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ và sở hữu đội ngũ chuyên gia rất sâu rộng.
“Dùng viện nghiên cứu này gắn kết với các doanh nghiệp đang sản xuất thực phẩm sạch, Chính phủ tài trợ cho viện và sẵn sàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp, từ đó dân chúng bắt đầu mới tin”, ông Nghĩa phân tích.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng lưu ý rằng: "Lập Viện công nghệ không phải là ngồi trong 4 bức tường rồi thành lập một quỹ, ai đến xin thì cho như kiểu của Việt Nam, chúng ta đẻ ra đủ thứ nhưng chẳng hành động gì cả”.
Rõ ràng, nông sản sạch vẫn đang phải đối mặt với bài toán về niềm tin của người tiêu dùng bởi niềm tin sẽ quyết định thái độ mua hàng. Tuy vậy, niềm tin ấy cần phải gắn với chiến lược cùng những hành động quyết liệt cả từ Chính phủ cho đến bản thân doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh và xây dựng thương hiệu.
Theo The Leader
>> Thực phẩm sạch: Mãi ở trong vòng luẩn quẩn