Theo ông Bảo, Luật Báo chí 2016 đã khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật cũ, đáp ứng yêu cầu phát triển và quản lý hoạt động báo chí trong tình hình mới.
Cụ thể, luật quy định quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Công dân có quyền sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in và phát hành báo in...
Luật mới cũng quy định ngoài các đối tượng thành lập cơ quan báo chí theo luật hiện hành, một số đối tượng được thành lập tạp chí khoa học, như: Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ; bệnh viện từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên.
Trong liên kết hoạt động báo chí, Luật quy định cụ thể lĩnh vực, nội dung các cơ quan báo chí được phép liên kết với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết.
Về quyền tác nghiệp của báo chí, Luật Báo chí mới quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng…
Luật Báo chí năm 2016 gồm 6 chương với 61 điều (tăng 25 điều), trong đó có 32 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo cũng yêu cầu lãnh đạo các Sở Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo cơ quan báo chí triển khai phổ biến tại cơ quan để thực hiện.