“Luồng gió mới” trong “Người ru ngủ” của Donato Carrisi

Trong thể loại hình sự trinh thám, Donato Carrisi không phải là tác giả có nhiều tựa sách, ít nổi tiếng hơn Agatha Christie hay Conan Doyle, tuy nhiên cách viết và tư duy của ông đã tạo nên một luồng
“Luồng gió mới” trong “Người ru ngủ” của Donato Carrisi

Được biết đến lần đầu trong “Kẻ nhắc tuồng”, Donato đã tạo ra làn sóng fan tự nhiên và hiệu ứng này trở thành cấp số nhân khi nhân vật chính – nữ đặc vụ Mila Vasquez – tiếp tục hóa thân trong hình tượng mới của cuốn tiểu thuyết “Người ru ngủ”.

Đưa người đọc vào các nút thắt, rồi mở hết sức tài tình trong hơn 400 trang sách, Donato không hổ danh là tiểu thuyết gia người Ý có nhiều độc giả nhất thế giới. Không nhìn thế giới theo cách thường nhìn của một công dân bình thường, nhân vật của Donato nhìn thế giới từ tận thẳm sâu những xúc cảm, và được đẩy lên cao trào bằng nỗi sợ, từ đó có những đấu tranh xung đột để phần thiện – ác được hiển lộ theo cách tài tình nhất. Cũng như vậy, không theo cách thông thường của các tiểu thuyết hình sự, nhân vật của Donato trong “Người ru ngủ” nhìn và phân tích dữ kiện cuộc sống bằng thế giới quan của những nhà “Nhân học”, nhà điều tra chuyên trách những vụ mất tích không rõ nguyên nhân, dù họ cũng là những đặc vụ trong Sở cảnh sát.

Mạch chuyện trong cuốn tiểu thuyết dẫn dắt người đọc đi từ những nơi sởn gai ốc của những kẻ vô danh bị cả dương gian lẫn địa phủ chối bỏ, và lãng quên trong nhà lạnh quốc gia ở sâu vài chục tầng đất, tới các hiện trường ngổn ngang đáng sợ của những nhân vật được gọi là “nạn nhân án mạng tiềm năng”. Từng trang của cuốn sách đều khéo léo dựng lên những cảnh huống chi tiết mà không rườm rà, đâu đó còn làm độc giả mường tượng được mùi, màu, âm thanh và những gương mặt trong các nút thắt kịch tính.

Nếu từng đọc Deaver, bị hút theo những phân tích sắc sảo của các nhà điều tra tội phạm về mặt pháp y thì khi đọc Donato, những câu hỏi liên quan “Tại sao họ làm thế? Động cơ nào đẩy họ hành động như thế?” sẽ là những hé mở theo góc nhìn của những nhà phân tích tâm lý nạn nhân và tội phạm – cách nhìn của môn khoa học hình sự mới “Nhân học”.

“Tất cả chúng ta đều từng mong muốn biến mất, ít nhất một lần trong đời… Điều mà không ai nói ra, là chúng ta không thể tưởng tượng được có bao nhiêu người mất tích đang đi qua chúng ta mỗi ngày…”

Điều trăn trở mở ra trong chương đầu này cũng là Lời kết của câu chuyện, hứa hẹn tác giả sẽ còn tiếp tục đưa ra nhiều tập tiểu thuyết dữ dội trong tương lai.

Có thể bạn quan tâm