M&A ngân hàng đang bắt đầu tạo sóng?

Sau thương vụ M&A lớn nhất ngành ngân hàng của BIDV và KEB Hana Bank, ngành ngân hàng Việt Nam hứa hẹn còn nhiều thương vụ mua bán sáp nhập khủng không kém sẽ diễn ra.

Theo đó, thị trường đang mong ngóng thường vụ Vietcombank chào bán riêng lẻ 6,5% cổ phần cho đối tác nước ngoài, dự kiến vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2020.

Nếu tính theo giá thị trường của cổ phiếu VCB hiện tại là 91.600 đồng/cp , 6,5% cổ phần của Vietcombank có trị giá khoảng 22.000 tỷ đồng. Nếu cổ phiếu Vietcombank tiếp tục tăng như hiện nay, đến lúc chốt thương vụ, con số này sẽ vượt 1 tỷ USD.

Đại diện Vietcombank cho hay, việc chào bán hiện nay khá thuận lợi vì có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm muốn mua. Đã có nhiều đồn đoán cho rằng GIC - quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore - sau khi rót vốn mua 2,55% vốn Vietcombank vào cuối năm ngoái, sẽ tiếp tục tham gia đợt chào bán tới đây. Cổ đông chiến lược Mizuho cũng sẽ tiếp tục mua vào trong đợt phát hành riêng lẻ này để duy trì tỷ lệ sở hữu 15%.

Dù đã cạn room vốn ngoại nhưng nhu cầu bức thiết về tăng vốn khiến Vietinbank nhiều lần đề xuất được thí điểm giảm sở hữu nhà nước xuống còn 51%, lộ trình sau năm 2020. Bên cạnh đó, cổ đông chiến lược của ngân hàng này là MUFG Bank cũng liên tục bày tỏ mong muốn mua thêm cổ phần nhằm nâng tỷ lệ sở hữu từ mức 20% của hiện nay lên 50%.

Không chỉ khối ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước hút đầu tư ngoại mà ở khối các ngân hàng nhỏ và vừa cũng liên tục nhận được  đơn“đặt hàng”  về cơ hội mua cổ phần.

BIDV - KEB Hana Bank là thương vụ chuyển nhượng cổ phần lớn nhất ngành ngân hàng Việt Nam

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) hiện đang được các nhà đầu tư ngoại săn đón ngay sau khi công bố thông tin chào bán riêng lẻ 7,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo nguồn tin từ Bloomberg, MB đang làm việc với khoảng 40 nhà đầu tư từ các quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore và Hàn Quốc với tham vọng thu về 240 triệu USD từ việc chào bán này.

Hay như, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) gần đây liên tục làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản và Singapore. Lãnh đạo ngân hàng này cho hay, nhà đầu tư Nhật Bản và Singapore sẽ mua cổ phần trong đợt phát hành mới để trở thành cổ đông nước ngoài của NCB trong đợt tăng vốn điều lệ sắp tới của nhà băng này.

Ngoài các ngân hàng nói trên, rất nhiều ngân hàng trong nước cũng đang âm thầm tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài. Một số ngân hàng yếu kém trong diện tái cơ cấu như Ocean Bank, CBBank cũng được các nhà đầu tư nước Nhật Bản, Singapore ngỏ ý muốn mua.

Trong lĩnh vực công ty tài chính, Công ty Hyundai Card (Hàn Quốc) đang thỏa thuận mua 50% cổ phần Công ty Tài chính cộng đồng (FCCOM), trực thuộc Ngân hàng MSB để tiến vào thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam. Nhiều khả năng, thương vụ sẽ hoàn thành trong quý I/2020.

Thực tế, hơn 3 năm qua, chưa có thương vụ M&A thực sự lớn trong ngành ngân hàng Việt Nam. Nếu có thì chỉ là sự điều chỉnh chiến lược của các ngân hàng ngoại dẫn tới các thương vụ giữa các ngân hàng ngoại với nhau, như trường hợp Shinhan Bank mua mảng bán lẻ của ANZ Việt Nam.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nguyên nhân chính khiến thị trường M&A trầm lắng là thiếu vắng những nhà đầu tư nội có tiềm lực tài chính, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài muốn sở hữu cổ phần tại ngân hàng Việt Nam cũng không còn nhiều cơ hội.

Tuy nhiên, tái cơ cấu ngành ngân hàng đã vào giai đoạn II dù có nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu của quá trình tái cơ cấu, song hệ thống ngân hàng đã tránh được đổ vỡ, rủi ro thanh khoản và hoạt động của các ngân hàng đã có sự cải thiện hơn. 

Có thể bạn quan tâm