"Ma trận" hàng giả và cuộc chiến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Thực trạng hàng giả, hàng nhái trên thị trường hiện nay đang gióng lên hồi chuông báo động về những hệ lụy khôn lường cho người tiêu dùng và nền kinh tế. Để làm sáng tỏ những khía cạnh pháp lý xoay quanh vấn đề nhức nhối này, Tạp chí Thương gia đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với Luật sư Bùi Thị Điệp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, nhằm thông tin về các quy định pháp luật, quyền lợi của người tiêu dùng cũng như những giải pháp để đối phó với vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang ngày càng tinh vi và phức tạp.

Thời gian qua, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện và triệt phá các đường dây sản xuất hàng giả quy mô rất lớn. Theo đánh giá của luật sư, thực trạng hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam hiện nay diễn ra như thế nào? Mức độ nghiêm trọng và phổ biến của nó ra sao?

Đây là vấn đề đang khá nhức nhối, liên tục các chiến dịch truy quét gần đây của cơ quan chức năng đã phanh phui nhiều đường dây sản xuất, tiêu thụ hàng giả với quy mô chưa từng có. Điều đáng nói, các sản phẩm bị làm giả trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ lương thực cơ bản như: gạo ST25, các sản phẩm dinh dưỡng như sữa, đến thực phẩm chức năng và thậm chí cả thuốc chữa bệnh…

Chúng ta có thể thấy rõ tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam đang ở mức độ đáng báo động. Sự lan rộng của vấn nạn này, cả về quy mô, chủng loại mặt hàng và tính chất tinh vi, cho thấy các đối tượng đã tận dụng triệt để những lợi thế từ sự phát triển của công nghệ và thương mại điện tử. Chúng ta cần nhận thức sâu sắc về mức độ nghiêm trọng của vấn đề này.

Mức độ nghiêm trọng còn thể hiện ở việc các đường dây sản xuất hàng giả hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, có tổ chức, sử dụng máy móc hiện đại và thủ đoạn che giấu rất kỹ càng, khó phát hiện. Thậm chí, nhiều vụ việc còn liên quan đến các doanh nghiệp có quy mô lớn, được tiêu thụ ở cả các Bệnh viện lớn.

Có thể thấy, tác động của vấn nạn hàng giả, hàng nhái là rất sâu rộng và liên kết chặt chẽ. Nó không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến túi tiền và sức khỏe của người dân, mà còn xói mòn niềm tin vào thị trường, làm suy giảm giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp làm ăn bài bản, tạo ra những rào cản không đáng có cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Hàng giả, hàng nhái đang len lỏi từ chợ truyền thống đến sàn thương mại điện tử, thậm chí là trong các phiên livestream bán hàng của các KOL, KOC người nổi tiếng. Luật sư có thể nêu bật một số thủ đoạn tinh vi mà các nhóm đối tượng thường sử dụng để lấy lòng tin và lừa đảo người tiêu dùng?

Hiện nay, các đối tượng sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng nhái đang sử dụng ngày càng nhiều thủ đoạn tinh vi và phức tạp để đánh lừa người tiêu dùng, gây ra những thách thức không nhỏ cho công tác quản lý thị trường. Chúng tôi ghi nhận một số phương thức điển hình như sau:

Thứ nhất, lợi dụng vỏ bọc pháp lý và sự tin tưởng ban đầu: Các đối tượng thường thành lập doanh nghiệp hợp pháp, thực hiện đầy đủ các thủ tục kinh doanh để tạo dựng lòng tin với khách hàng và đối tác. Chính sự hợp pháp này lại trở thành bình phong che đậy cho các hành vi vi phạm liên quan đến chất lượng sản phẩm, và chỉ có thể bị phát hiện thông qua quá trình kiểm nghiệm chuyên sâu.

Thứ hai, giả mạo thông tin và đánh lừa bằng hình thức: Các đối tượng không ngần ngại làm giả giấy tờ chứng nhận chất lượng, công bố sản phẩm, thậm chí tạo ra tem chống hàng giả và mã QR giả mạo. Đặc biệt, họ còn gian lận trong việc đặt tên sản phẩm, lợi dụng những tên gọi quen thuộc như “sữa” hay “thuốc” để thu hút người mua, trong khi tên gọi chính thức theo công bố lại là 'thực phẩm bảo vệ sức khỏe' hay các tên gọi khác, gây nhầm lẫn nghiêm trọng về bản chất và công dụng của sản phẩm.

Thứ ba, tạo dựng nguồn gốc ảo và lợi dụng tâm lý hàng xách tay: Một số đối tượng còn táo bạo hơn khi tự đặt ra tên thuốc và tên công ty, thường có địa chỉ “ảo” ở nước ngoài như Malaysia, Singapore... Sau đó, dưới mác nhân viên dược sĩ, họ sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm 'xách tay'. Để tạo lòng tin ban đầu, họ thậm chí còn trà trộn một lượng nhỏ hàng thật vào lô hàng giả trước khi bán ra thị trường.

Thứ tư, tổ chức sản xuất kín đáo và né tránh sự kiểm soát: Các đối tượng thường thuê kho xưởng ở những địa điểm vắng vẻ, khó tiếp cận để làm nơi sản xuất hàng giả. Họ thuê người nhà hoặc người quen từ các địa phương khác làm công nhân và quản lý chặt chẽ, hạn chế tối đa sự tiếp xúc với người dân xung quanh, gây khó khăn cho việc giám sát và kiểm tra của cơ quan chức năng.

Thứ năm, lạm dụng sức ảnh hưởng của người nổi tiếng và các chiêu trò truyền thông: Thủ đoạn 'treo đầu dê bán thịt chó' ngày càng phổ biến. Các đối tượng lợi dụng hình ảnh của KOL, KOC, người nổi tiếng để quảng bá sản phẩm giả mạo, tạo dựng uy tín ảo. Họ còn thuê các đơn vị truyền thông để đăng tải bài PR, tạo hiệu ứng đám đông trên mạng xã hội hoặc livestream “bóc tem”, “test sản phẩm” giả như thật để lừa dối người tiêu dùng.

Luật sư Bùi Thị Điệp

Thứ sáu, dụ dỗ người tiêu dùng tham gia vào mạng lưới phân phối: Các đối tượng còn lôi kéo người tiêu dùng trở thành một phần trong hệ thống bán hàng của họ bằng những lời hứa hẹn về lợi nhuận hấp dẫn, bao tiêu sản phẩm, biến nạn nhân từ người mua hàng thành người tiếp tay phân phối hàng giả.

Cuối cùng, lợi dụng sự phát triển của thương mại điện tử: Trên các sàn thương mại điện tử, tình trạng giả mạo nhà phân phối chính hãng hoặc bán hàng nhái thông qua các gian hàng có gắn mác “chính chủ” diễn ra rất phức tạp. Các chiêu thức này ngày càng tinh vi, đòi hỏi người tiêu dùng phải hết sức cảnh giác và có kiến thức để tự bảo vệ mình.

Theo luật sư, đâu là những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn còn tồn tại và diễn biến phức tạp?

Theo quan điểm của tôi, có nhiều yếu tố cốt lõi dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp tại Việt Nam. Nguyên nhân sâu xa nhất, theo tôi, chính là sự thiếu ý thức chấp hành pháp luật và lòng tham của một bộ phận cá nhân, tổ chức. Vì lợi nhuận, họ sẵn sàng bất chấp các quy định, thực hiện các hành vi vi phạm, gây tổn hại đến quyền lợi của người tiêu dùng và trật tự thị trường.

Sự bùng nổ của các kênh thương mại điện tử với tốc độ và quy mô ngày càng lớn đã tạo ra một môi trường kinh doanh rộng lớn, nhưng đồng thời cũng gây ra không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc quản lý, phát hiện và xử lý các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên không gian mạng.

Đặc biệt đối với các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, do áp lực về chi phí và nguồn lực, đôi khi chưa thực sự chú trọng đến việc tuân thủ đầy đủ các quy định về công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, ghi nhãn hàng hóa và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, tạo ra những kẽ hở có thể bị lợi dụng.

Cùng với đó, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn có tâm lý ưu tiên giá rẻ, đôi khi dễ dãi trong việc lựa chọn sản phẩm mà chưa chú trọng đến nguồn gốc và chất lượng. Đối với các mặt hàng có giá trị cao, sự thiếu hụt kiến thức trong việc kiểm tra, truy xuất nguồn gốc cũng khiến họ dễ dàng bị lừa bởi các chiêu trò như 'hàng xách tay'.

Những thách thức trong công tác quản lý thị trường: Việc quản lý hoạt động kinh doanh và kiểm soát thị trường, đặc biệt là trên môi trường thương mại điện tử, vẫn còn tồn tại những hạn chế về công nghệ, nhân lực và quy trình xử lý. Bản thân các sàn thương mại điện tử cũng cần có những biện pháp mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong việc xác minh nguồn gốc và chất lượng hàng hóa của các gian hàng.

Pháp luật Việt Nam hiện hành có nhiều quy định về xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Theo luật sư, có những khó khăn, vướng mắc nào trong quá trình áp dụng pháp luật để xử lý các vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái?

Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã có Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái ngày càng nhiều thủ đoạn tinh vi, thậm chí tìm hiểu rõ luật để lách luật nên việc phát hiện, xử lý, áp dụng pháp luật vẫn còn nhiều khó khăn.

Đầu tiên, việc chứng minh thiệt hại trong các vụ việc hàng giả, đặc biệt là thiệt hại gián tiếp cho doanh nghiệp sản xuất, người tiêu dùng hoặc uy tín thương hiệu, gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ chế thu thập, bảo toàn chứng cứ hiệu quả.

Điều này càng khó hơn đối với môi trường thương mại điện tử, việc xác định danh tính thật của đối tượng vi phạm và truy vết nguồn gốc sản phẩm giả gặp nhiều thách thức do các thủ đoạn ẩn danh và giả mạo thông tin ngày càng tinh vi.

Hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử thường không có địa điểm kinh doanh cố định. Hành vi kinh doanh được tiến hành ngay tại chỗ ở. Trong khi đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định “trường hợp nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở thì phải đề nghị chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định. Thủ tục này mất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến tính kịp thời trong kiểm tra, ngăn chặn hành vi vi phạm. Đồng thời là cơ hội để đối tượng “tẩu tán” tang vật vi phạm, chứng cứ.

Tiếp theo, việc xác định hành vi vi phạm và phân biệt giữa hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thực tế không đơn giản, đòi hỏi phải có kết luận giám định chuyên môn, nhưng quy trình giám định hiện nay còn chậm và thiếu đồng bộ.

Sản phẩm giả mạo ngày càng được sản xuất tinh vi, không khác sản phẩm thật, thiên biến vạn hóa, mẫu này bị bắt, bị xử lý thì ngày mai lại xuất hiện mẫu khác được chỉnh sửa một chút và tiếp tục gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Chính những chuyên gia kỹ thuật của các nhà sản xuất chính hãng cũng khó khăn trong việc phân biệt. Phải kết hợp rất nhiều yếu tố kỹ thuật, thậm chí phải nhận biết qua những con tem chống giả công nghệ cao mới có thể phân biệt được.

Trong quá trình xử lý vi phạm đòi hỏi phải xác minh, giám định để kết luận hành vi vi phạm. Nhiều vụ việc cần thiết phải trưng cầu giám định từ Viện Khoa học sở hữu trí tuệ hoặc xin ý kiến chuyên môn của Cục Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, thời gian trả lời đôi lúc chậm trễ, thậm chí không nhận được trả lời từ cơ quan chuyên môn.

Việc phân định thật - giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giữa các đơn vị đòi hỏi có trọng tài là nhà sản xuất hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền, được Nhà nước chỉ định. Tuy nhiên, các văn bản pháp quy lại chồng chéo, trùng lắp hoặc đi sau thực tế khiến việc xử lý sau khi kiểm tra gặp khó.

Thứ ba, khó khăn trong xác định tội danh, ví dụ đối với tội “Sản xuất buôn bán hàng giả” và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”: Mục đích của người sản xuất, buôn bán hàng giả là nhằm mục đích thu lợi bất chính.

Động cơ, mục đích phạm tội này tương đồng với động cơ, mục đích phạm tội đối với nhiều loại tội phạm khác, đặc biệt là tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, người thực hiện hành vi phạm tội cũng đưa ra các thông tin giả mạo (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin là thật để chiếm đoạt tài sản của những người này.

Thứ tư, khó khăn trong việc xác định thời điểm hoàn thành tội phạm trong một số trường hợp cụ thể. Đối với tội sản xuất hàng giả thì tội phạm hoàn thành ở thời điểm bị cáo thực hiện toàn bộ các công đoạn sản xuất hàng giả hay chỉ cần một trong số các giai đoạn đó.

Thứ năm, khó khăn trong việc xử lý pháp nhân phạm tội. Cũng giống như thể nhân, pháp nhân thương mại tham gia vào quan hệ pháp luật là chủ thể bình đẳng, độc lập với các chủ thể khác nên pháp nhân thương mại phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Mọi hoạt động của pháp nhân được tiến hành thông qua hành vi của những cá nhân - người đại diện hợp pháp của pháp nhân.

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp, khi pháp nhân ra đời nhưng chưa có người đại diện, người đại diện chỉ được xác định sau khi pháp nhân tiến hành các thủ tục cần thiết mà pháp nhân này lại thực hiện hành vi sản xuất hàng giả, buôn bán hàng giả được quy định là tội phạm thì việc xử lý trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong trường hợp này gặp khó khăn.

Cuối cùng, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, công an kinh tế, thanh tra chuyên ngành… đôi khi còn chưa chặt chẽ, dẫn tới chồng chéo về thẩm quyền xử lý hoặc bỏ lọt hành vi vi phạm.

Trong thời gian tới, cần có những giải pháp nào để nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam và người tiêu dùng cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của chính mình, thưa luật sư?

Tình trạng hàng giả, hàng nhái không chỉ gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính, mà còn làm méo mó môi trường kinh doanh, ảnh hưởng tiêu cực đến thu hút đầu tư, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, việc kiểm soát hàng giả trên các sàn giao dịch, mạng xã hội đang trở thành thách thức lớn đối với cơ quan chức năng.

Tôi cho rằng, để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng này, bên cạnh việc chỉnh sửa các quy định pháp luật cho phù hợp với tốc độ phát triển của nền kinh tế thì cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp chân chính cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các hiệp hội ngành nghề và đặc biệt là sự nâng cao nhận thức, cảnh giác của người tiêu dùng.

Đối với người tiêu dùng cần chủ động nâng cao ý thức trong việc mua bán, tiêu dùng hàng hóa theo đúng các quy định pháp luật, tìm hiểu về cách truy xuất nguồn gốc hàng hóa, không chạy đua theo hàng hóa giả rẻ, không phụ thuộc niềm tin mua hàng vào các KOL, KOC... Khi phát hiện thấy có những dấu hiệu bất thường hay nghi ngờ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng cần chủ động thông tin, tố giác các hành vi có dấu hiệu vi phạm đến các cơ quan chức năng để kịp thời xác minh, xử lý.

Đối với cơ quan Nhà nước cần thiết phải hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan về hàng giả, về sở hữu trí tuệ. Làm sao để không còn chồng chéo, trùng lắp và thật sự là công cụ hữu hiệu cho các cơ quan chức năng áp dụng và thực thi. Nâng cao các phương án đào tạo kiến thức chuyên môn và trang bị công cụ kỹ thuật chống hàng giả cho những người thực hiện công tác chống hàng giả.

Đối với các doanh nghiệp cần có sự quan tâm, có ý thức xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu, ứng dụng khoa học công nghệ chống giả trên bao bì, giải pháp dán tem chống giả công nghệ cao... Tăng cường tuyên truyền về công tác chống hàng giả, nhất là kỹ năng, kiến thức phân biệt hàng thật, hàng giả cho người tiêu dùng…

Tạo kiềng ba chân “người tiêu dùng - doanh nghiệp - cơ quan chức năng” chặt chẽ, hiệu quả trong công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái.

Có thể bạn quan tâm