Đại hội cổ cổ đông của Masan Group không chỉ bao gồm những nội dung theo yêu cầu của quy định pháp luật liên quan mà còn cho các cổ đông, đối tác và khách hàng của Masan cái nhìn toàn diện hơn về hệ sinh thái độc đáo Tiêu dùng – Công nghệ của Công ty, với mục tiêu gia tăng hiệu suất chuỗi giá trị tiêu dùng và phục vụ các nhu cầu liên tục thay đổi của người tiêu dùng Việt Nam một cách toàn diện hơn.
Ông Danny Lê, Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan và ông Trương Công Thắng, Tổng Giám đốc của The CrownX đã có những phát biểu quan trọng tại sự kiện.
Bài thuyết trình của ông Danny Lê làm rõ chiến lược của Masan để xây dựng mạng lưới Point of Life (POL) với những điểm chính. Mục tiêu của Masan là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người tiêu dùng Việt Nam thông qua các sáng kiến mang tính đột phá. Để làm được điều này, Masan cần phục vụ những nhu cầu lớn chưa được đáp ứng của người tiêu dùng trên quy mô lớn với chi phí hiệu quả. Thông qua Masan Consumer, Masan MeatLife và Wincommerce, Masan đã thay đổi cách người Việt Nam mua sắm và tiêu thụ thực phẩm. Tại sự kiện năm nay, Masan đã hé lộ thêm bức tranh tổng thể để đạt được tầm nhìn hệ sinh thái Tiêu dùng – Công nghệ Point of Life: tái định hình xu hướng tiêu dùng của người Việt (B2C) trong giai đoạn 2021 – 2022, và tiến đến thay đổi cách các doanh nghiệp nội địa vận hành (B2B) trong giai đoạn 2023 – 2024, từ đó kiến tạo nên một hệ sinh thái B2B2C vào năm 2024 trở đi. Bên cạnh đó, hệ sinh thái Tiêu dùng – Công nghệ POL là hệ sinh thái số offline-to-online bao gồm 03 thành phần chính. Thành phần đầu tiên bao gồm các sản phẩm, dịch vụ mà Masan cung cấp cho người tiêu dùng và đối tác kinh doanh. Thành phần thứ hai là hạ tầng thương mại kết nối tất cả các bên trong hệ sinh thái: chương trình khách hàng thân thiết, hệ thống logistics đầu cuối 4PL và giải pháp thanh toán. Thành phần thứ ba bao gồm một nền tảng công nghệ, năng lực phân tích dữ liệu thông qua Trí tuệ nhân tạo và Máy học cũng như con người và tổ chức của Masan. Với việc xây dựng thành phần thứ 3 này, Masan sẽ cải thiện hoạt động kinh doanh lõi và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đến người tiêu dùng một cách chính xác, thuận tiện, giúp người tiêu dùng và đối tác tiếp cận dễ dàng.
Tổng giám đốc The CrownX, ông Trương Công Thắng đã trình bày về những giá trị mà mô hình Mini Mall sẽ mang lại cho người tiêu dùng. Mô hình Mini Mall hướng đến phục vụ tất cả nhu cầu tiêu dùng trọn đời. Người tiêu dùng Việt Nam với nhu cầu tiêu dùng vô cùng đa dạng, mong muốn có thể tìm được mọi sản phẩm và dịch vụ tại một địa điểm duy nhất, nơi mà họ có thể tin tưởng, tiết kiệm thời gian, tiền bạc, cảm thấy cuộc sống của họ đang được cải thiện và được tôn trọng. Do vậy, Mini Mall sẽ tích hợp các dịch vụ, sản phẩm phục vụ nhu cầu cơ bản, nhu cầu tài chính, nhu cầu tiêu dùng trải nghiệm tại một điểm bán lẻ duy nhất – nhu yếu phẩm với WinMart+, dịch vụ tài chính với Techcombank, F&B với Phúc Long, viễn thông với Reddi và chăm sóc sức khỏe. Mini mall này có thể mở rộng nhanh chóng để phục vụ 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam ở mọi lứa tuối, tại cả thành thị và nông thôn nhờ vào việc sở hữu một mô hình kinh doanh hiệu quả. Masan có kế hoạch nhân rộng lên 10.000 điểm bán offline và 20.000 điểm bán nhượng quyền, phục vụ 30 – 50 triệu người tiêu dùng đến năm 2025.
Theo kế hoạch tài chính được đề xuất cho năm 2022, doanh thu thuần hợp nhất của Masan Group ước tính sẽ từ 90 nghìn tỷ đồng – 100 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 22% – 36% so với mức 74,2 nghìn tỷ đồng (loại trừ doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi) trong năm 2021.
Trong năm tài chính 2021, doanh thu từ các mảng kinh doanh phục vụ người tiêu dùng (không bao gồm mảng thức ăn chăn nuôi và Masan High-Tech Materials) đã đóng góp 68% vào tổng doanh thu và dự kiến sẽ tăng lên 85% trong năm tài chính 2022.