Mất 245 tỉ tiền gửi: Ngân hàng cam kết bồi thường

Nữ khách hàng VIP mất 245 tỉ đồng nhưng ngân hàng cho rằng phải có phán quyết của tòa án thì mới trả lại tiền cho khách.
Mất 245 tỉ tiền gửi: Ngân hàng cam kết bồi thường

Bà Chu Thị Bình đã rất bàng hoàng khi phát giác số tiền 245 tỉ đồng trong sổ tiết kiệm gửi tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) Chi nhánh TP.HCM đã “không cánh mà bay”. Thế nhưng đã hơn một năm kể từ ngày phát hiện tài sản biến mất, đến nay bà Bình vẫn chưa biết khi nào mới lấy lại được tài sản của mình.
Hàng trăm tỉ biến mất

Ông Lê Văn Quyết, thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Eximbank, cho biết: Bà Chu Thị Bình là khách hàng lâu năm và là một trong số khách hàng VIP của hệ thống Eximbank từ năm 2011. Đến cuối tháng 2-2017, khi đến hạn tất toán các sổ tiết kiệm, bà Bình khiếu nại Eximbank do số dư trên sổ tiết kiệm tại Chi nhánh Eximbank TP.HCM không trùng khớp với số dư thể hiện trên bản gốc các sổ tiết kiệm.

“Toàn bộ các giao dịch với bà Chu Thị Bình từ trước đến khi phát hiện vụ việc đều do một mình ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh Eximbank TP.HCM, trực tiếp theo dõi, liên hệ khách hàng cũng như phê duyệt trên chứng từ giấy và trên hệ thống của Eximbank. Sau khi ôm 245 tỉ đồng của bà Bình, ông Hưng đã bỏ trốn ra nước ngoài” - ông Quyết cho biết.

Tổng Giám đốc Eximbank Lê Văn Quyết cũng thừa nhận vụ việc ông Hưng lừa đảo là có thật. Theo đó, từ năm 2014 đến đầu 2017, lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng là bà Chu Thị Bình ủy quyền giao dịch tiền gửi tiết kiệm, ông Lê Nguyễn Hưng đến nhà riêng của bà Bình để trình bày những khoản đã tất toán dựa theo kỳ hạn gửi của bà Bình. Ông Hưng lợi dụng bà Bình ký khống giấy ủy quyền để điền tên ba người được ủy quyền, sau đó tiến hành rút tiền từ các sổ tiết kiệm của bà…

Trách nhiệm của ngân hàng

Ông Lê Văn Quyết, Tổng Giám đốc Eximbank, nói: “Chúng tôi hoàn toàn hiểu những bức xúc của bà Bình, bởi đây là số tiền rất lớn và vụ việc đã kéo dài cả năm nay. Nhưng ban điều hành cũng như HĐQT của Eximbank không thể giải quyết vụ việc chỉ dựa trên kết luận điều tra được. Kết luận của cơ quan điều tra về mặt pháp lý không phải là phán quyết cuối cùng. Do vậy hai bên cần sớm phối hợp để đưa vụ việc ra tòa thực hiện theo đúng trình tự tố tụng. Khi tòa án có phán quyết ngân hàng có trách nhiệm trả số tiền này thì chúng tôi sẽ trả ngay”.

Trong khi đó, bà Chu Thị Bình bức xúc cho biết bà đã nhiều lần đề nghị Eximbank trả lại tiền, song chờ hơn một năm mà vẫn không được trả. Nay Eximbank vẫn tiếp tục đề nghị bà chờ tới khi có phán quyết của tòa án.

“Đến nay cơ quan điều tra đã có văn bản thông báo cho tôi rằng Eximbank có trách nhiệm trả lại tiền nhưng ngân hàng này chưa thực hiện, nói chờ phán quyết của tòa án là cố tình kéo dài thời gian vụ việc. Tôi là người gửi tiền vào Eximbank và không gửi tiền cho nhân viên ngân hàng này. Vậy tại sao họ không trả lại tiền mà phải chờ đợi phán quyết của tòa án?” - bà Bình đặt vấn đề.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, cũng nêu quan điểm: Trong trường hợp này, khách hàng không ủy quyền cho người lạ mà họ ủy quyền cho cán bộ lãnh đạo Eximbank Chi nhánh TP.HCM theo chính sách chăm sóc khách hàng VIP. Đồng thời đây cũng là giao dịch thể hiện thẩm quyền trách nhiệm của pháp nhân.

Chính vì thế, cho dù người của ngân hàng phạm tội tham ô hay lừa đảo thì sai phạm này đương nhiên phải thuộc về phía ngân hàng. Trên nguyên tắc như thế thì ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm chi trả bồi thường cho khách hàng mà không cần chờ đến khi có kết luận của tòa mới thực hiện.

“Nếu không thể quy trách nhiệm cho ngân hàng trong những trường hợp tương tự thì dù là khách VIP hay khách thường, thực hiện giao dịch dưới bất kỳ hình thức nào, khách hàng đều có thể đối diện với nguy cơ mất tiền” - ông Đức nêu quan điểm.

Đừng tạo kẽ hở cho kẻ gian

Vì sao ngân hàng không phát hiện vụ việc trong suốt một thời gian dài? Ngân hàng và khách hàng, nhất là khách hàng VIP cần phải làm gì để kiểm soát chặt chẽ tài sản tiền gửi của mình một cách an toàn?... Bà Bùi Thị Thiện Tâm, Giám đốc Eximbank TP.HCM, giải thích: Theo quy trình, giao dịch tại nhà thường phải có 2-3 nhân viên ngân hàng trở lên thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình giao dịch, bà Bình không muốn thực hiện các giao dịch thông qua nhân viên và chỉ giao dịch với riêng một mình ông Hưng, nguyên Phó Giám đốc Eximbank Chi nhánh TP.HCM, vì không muốn nhiều người biết mình có số tiền lớn.

Nói thêm về vấn đề này, Tổng Giám đốc Eximbank Lê Văn Quyết thừa nhận trong trường hợp này nhân viên ngân hàng đã làm không đúng nhưng không đúng đến đâu cần cơ quan điều tra làm rõ. Sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Eximbank đã yêu cầu rà soát thống kê toàn bộ khách hàng VIP có số tiền gửi từ 5 tỉ đồng trở lên.

“Dù khách hàng VIP luôn có yêu cầu đặc biệt nhưng ngân hàng cũng từ chối các trường hợp chỉ yêu cầu giao dịch với duy nhất một người mà yêu cầu các trường hợp chi tiền mặt phải đi hai người trở lên và thông báo rõ ràng với các chi nhánh” - ông Quyết nhấn mạnh.

Thực tế cũng cho thấy thời gian qua hàng loạt nhà băng đã đưa ra chương trình chăm sóc khách VIP. Khách VIP thường không đến nhà băng để giao dịch mà ủy quyền cho các cán bộ là lãnh đạo cấp chi nhánh, trưởng phòng giao dịch của nhà băng thay thế họ thực hiện toàn bộ giao dịch như gửi, rút tiền. Thế nhưng một số nhà băng có phần lơ là trong việc giám sát, phòng chống rủi ro trong giao dịch. Hệ quả là một số cán bộ lợi dụng kẽ hở này để thực hiện hành vi lừa đảo.

“Từ những vụ việc kể trên cho thấy đã đến lúc các ngân hàng phải nâng cao kỷ luật, không được bỏ qua một công đoạn nào trong giao dịch. Về phía khách hàng cũng cần tuân thủ đúng quy trình chứ không nên chỉ đặt niềm tin vào nhân viên, cán bộ của ngân hàng khi giao dịch” - vị tổng giám đốc một ngân hàng thương mại lớn khuyến nghị.

Đã có nhiều vụ mất tiền tỉ

Đây không phải là vụ đầu tiên số tiền tiết kiệm trong ngân hàng “bỗng dưng” mất hút mà trước đó từng có vụ việc tương tự. Đơn cử như vụ 17 khách hàng của Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) Chi nhánh Hải Phòng đã có đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng về việc trong suốt thời gian từ năm 2012 đến nay, họ đã mang tiền tiết kiệm của gia đình đến gửi tại ngân hàng này, được nhân viên hướng dẫn mọi thủ tục và được trao sổ tiết kiệm. Tuy nhiên, vào khoảng đầu tháng 9-2017, những khách hàng này mang sổ tiết kiệm đến ngân hàng để rút tiền thì nhận được thông báo số tiền gửi trước đó không có trong hệ thống. Tổng số tiền biến mất rơi vào khoảng 400 tỉ đồng.

Liên quan đến vụ việc, phía Ngân hàng OceanBank cũng đã ra thông báo chính thức về vi phạm của một số cá nhân tại Chi nhánh Hải Phòng liên quan đến số tiền lớn của nhiều cá nhân gửi tiết kiệm tại đây nhưng không được hạch toán trên hệ thống; một số thẻ tiết kiệm không có tên khách hàng hoặc không có hạch toán trong hệ thống của OceanBank...

Tiếp đó, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ba thành viên thuộc ban lãnh đạo Chi nhánh OceanBank Hải Phòng để điều tra làm rõ dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo Thuỳ Linh/Plo

Có thể bạn quan tâm

Toàn cảnh hội thảo

Để ESG dẫn dòng tín dụng

Ngành ngân hàng đang thúc đẩy thực hành ESG, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ các dự án thân thiện với môi trường, mở rộng và khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xanh...

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Những tác động tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng và lãi suất có thể khiến tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng gia tăng. Các ngành hướng tới xuất khẩu và chuỗi cung ứng dự báo sẽ gặp khó khăn do sự thay đổi trong nhu cầu thị trường và áp lực tỷ giá, từ đó gây sức ép lên chất lượng tài sản của ngân hàng...

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

“Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề...