Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong năm 2021, Chính phủ đã thực hiện miễn, giảm nghĩa vụ thuế và một số khoản thu ngân sách, qua đó giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân vượt qua khó khăn và phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh, được dư luận đánh giá cao.
Trong báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đặc biệt, với một nền kinh tế hội nhập sâu, có độ mở cao, tình hình đứt gãy các chuỗi thương mại quốc tế do dịch bệnh gây ra đã tác động mạnh tới hoạt động kinh tế, tài chính trong nước.
Bên cạnh đó, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa, lũ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng và đời sống nhân dân. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng, đời sống của một bộ phận nhân dân lao động gặp khó khăn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, các chính sách tài chính trong năm 2021 được thực hiện đồng bộ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch. Do vậy, các hoạt động kinh tế đã bắt đầu phục hồi và tăng trưởng tích cực từ cuối quý 3 năm 2021.
Đồng thời, trong 3 năm 2020-2022, các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất giúp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khoảng 507 nghìn tỷ đồng, góp phần tích cực trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Nhờ vậy, kinh tế vĩ mô cả năm được đánh giá ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, thị trường tài chính tiền tệ ổn định, an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh, quốc phòng được giữ vững.
Cùng với đó, quyết toán thu ngân sách nhà nước tăng 17,2% so với dự toán, tỷ lệ động viên thu ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 18,7% GDP, riêng thu thuế và phí đạt 15,1% GDP. Thu nội địa cũng tăng 15,9% so với dự toán, chủ yếu là tăng từ các khoản thu về nhà đất, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết và thu khác ngân sách. Tỷ trọng thu nội địa trên tổng thu ngân sách nhà nước đạt 82,5%.
Thảo luận về việc quản lý quỹ ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị cần thống nhất số liệu, đồng thời đề nghị có những đánh giá đúng, hiểu đúng bản chất sự việc, vì nếu không đánh giá chính xác thì sẽ làm đại biểu Quốc hội băn khoăn. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng làm rõ thêm về quản lý quỹ ngân sách và đề nghị khi đánh giá, cần bóc tách tại sao tồn quỹ ngân sách cao.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, quyết toán chi đầu tư phát triển ngân sách trung ương giảm 13,5% so với dự toán, mặc dù trong bối cảnh chịu tác động của dịch bệnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Các dự án ODA cũng gặp nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, tiếp nhận chuyên gia nước ngoài, trong khi đó, phê duyệt hồ sơ của một số nhà tài trợ bị kéo dài. Do đó, không có khối lượng để thanh toán kế hoạch vốn được giao.