Cùng với đà hồi phục của thị trường từ đầu tháng 4, cổ phiếu ITA cũng đã có những chuyển biến tích cực sau chuỗi ngày giao dịch lình xình ở mức trà đá 2.000 đồng/cp, dù nền cơ bản của doanh nghiệp khá lớn với các dự án hạ tầng, KCN, trường học… Tuy nhiên, ITA thật sự đột phá từ phiên 25/5 đến nay với 11/12 phiên tăng trần, thị giá tăng từ 2.620 đồng/cp lên 5.300 đồng/cp tương đương hơn 102%.
Đã có rất nhiều lý giải cho đà tăng của ITA như việc kỳ vọng vào dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc cùng tín hiệu mới từ chủ trương đầu tư công đưa nhóm doanh nghiệp hạ tầng, bất động sản khu công nghiệp (KCN) trở thành tâm điểm của thị trường.
Cũng có ý kiến cho rằng, sở dĩ cổ phiếu ITA bật tăng là nhờ kết quả kinh doanh tích cực của doanh nghiệp này trong quý I/2020. Theo đó, doanh thu thuần trong kỳ đạt 94 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt 25 tỷ đồng, cao gấp 4,5 lần so với quý I/2019.
Trước đó kết thúc năm 2019, Itaco ghi nhận năm có lợi nhuận cao nhất kể từ 2011 nhờ ghi nhận doanh thu một lần cho toàn bộ thời gian cho thuê lại đất đã phát triển cơ sở hạ tầng tại KCN Tân Tạo và KCN Tân Đức. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 1.306,6 tỷ đồng, cao gấp 2,7 lần cùng kỳ; lợi nhuận gộp đạt 420,3 tỷ đồng, tăng 82% so với năm 2018. Sau khi trừ các khoản chi phí, ITA lãi ròng 206 tỷ đồng, tăng cao gấp 2,5 lần cùng kỳ, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ đạt 203 tỷ đồng.
Theo một chuyên gia phân tích, những lợi thế của nhóm cổ phiếu khu công nghiệp đã bắt đầu từ cuối năm 2018 và trong năm 2019 đã bùng nổ nhưng ITA vẫn đứng ngoài “cuộc chơi”.
Cổ phiếu này chỉ thật sự nóng sau khi có một thông tin “vỉa hè” là đanng lọt tầm ngắm của một doanh nghiệp lớn, nhiều nhà đầu tư giao dịch trong ngờ vực nhưng vẫn quyết đặt lệnh với tâm lý “liều ăn nhiều”.
Điểm lại những năm trước đó, việc Chủ tịch là bà Đặng Thị Hoàng Yến liên tục vắng mặt tại các kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên với lý do "bận" khiến nhà đầu tư lần lượt rời bỏ Itaco. Trong bối cảnh tình hình kinh doanh chưa khởi sắc, lại không nhận được phản hồi từ ban lãnh đạo khiến Itaco được thị trường ví như "nhà không chủ".
Đúng thời điểm doanh nghiệp bão lãi đột biến, cổ phiếu “lầm lũi” tăng trần với thanh khoản chưa từng có kể từ khi lên sàn thì bà Đặng Thị Hoàng Yến xuất hiện tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 với hình thức trực tuyến từ Mỹ.
Tại ĐHĐCĐ bà Yến chia sẻ,v iệc giá cổ phiếu thấp hơn giá trị thực, thấp hơn nhiều giá trị sổ sách và giá trị tài sản do thị trường chứng khoán ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố chứ không chỉ căn cứ chính vào hoạt động kinh doanh và tiềm năng.
"Giá cổ phiếu hiện tại chỉ bằng 1/3 giá trị sổ sách. Tôi hy vọng rằng lâu dài nó sẽ phản ánh đúng hơn thực trạng và tiềm năng của công ty", Chủ tịch Itaco cho biết.
Thế nhưng như đã nói ở trên, “tâm lý liều ăn nhiều” có vẻ như đang là chủ đạo trong diễn biến của cổ phiếu ITA bởi đằng sau con số lợi nhuận đột biến bức tranh tài chính kinh doanh của Itaco còn nhiều dấu hỏi.
Tại Báo cáo kiểm toán 2019, E&Y - đơn vị kiểm toán của Itaco đã nhấn mạnh việc Tập đoàn có nghĩa vụ nộp tiền thuê đất cho Nhà nước một lần cho toàn bộ thời gian thuê của diện tích đất đã được cho thuê nêu trên theo đơn giá thuê đất, trả tiền thuê đất một lần mà số tiền này có thể khác với số tiền đã được Tập đoàn trích trước (hiện Itaco đang trích giá vốn là 886 tỷ đồng).
Thế nhưng, tại ngày lập báo cáo kiểm toán 2019, Itaco và các cơ quan quản lý địa phương vẫn chưa xác định được đơn giá thuê đất một lần cho toàn bộ thời gian thuê tương ứng với diện tích nêu trên.
Ngoài ra, E&Y cũng nhấn mạnh việc thu hồi các khoản phải thu, đầu tư lên đến 3.530 tỷ đồng, chiếm 26,5% tổng tài sản của ITA tính đến cuối năm 2019 xoay quanh các đơn vị thành viên liên quan đến dự án Nhiệt điện Kiên Lương được Ban giám đốc Itaco xác định dựa trên giả định dự án tiếp tục được thực hiện.
Với việc dự án đã đình trệ nhiều năm và hiện không được nằm trong phê duyệt của các cơ quan quản lý, khả năng “hồi sinh” dự án đang bị đặt dấu hỏi lớn, tương ứng nguy cơ tổn thất tài sản của Itaco liên quan đến các khoản phải thu, đầu tư vào các đơn vị liên quan đến dự án này.