Nghiên cứu về trường hợp của một người phụ nữ 31 tuổi, người đã được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi cơ bản và mũi tăng cường, sẽ được các nhà nghiên cứu trình bày tại Đại hội Châu Âu về Vi sinh lâm sàng & Bệnh truyền nhiễm diễn ra ở Bồ Đào Nha vào cuối tuần tới.
Khoảng cách 20 ngày giữa các lần lây nhiễm là ngắn nhất từng được biết đến từ trước đến nay.
Người phụ nữ này lần đầu tiên có kết quả dương tính vào ngày 20/12/2021 trong một lần xét nghiệm PCR tại nơi làm việc của cô. Bệnh nhân không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào, tự cách ly trong 10 ngày trước khi trở lại làm việc.
Vào ngày 10/1/2022, chỉ 20 ngày sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính đầu tiên, cô ấy đã có một số triệu chứng như ho, sốt và mệt mỏi và quyết định làm một xét nghiệm PCR khác. Và lần này kết quả cũng là dương tính.
Giải trình tự toàn bộ bộ gen cho thấy bệnh nhân đã bị nhiễm hai chủng Covid-19 khác nhau. Lần lây nhiễm đầu tiên là với biến thể delta trong khi lần thứ hai, vào tháng 1, là với biến thể omicron.
Các nghiên cứu cho thấy omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn nhiều so với delta và có thể tránh được khả năng miễn dịch mà con người có được từ các lần nhiễm bệnh trước đây và việc tiêm chủng vaccine sẽ giúp bảo vệ người bệnh khỏi tình trạng trở nặng, nhập viện và tử vong.
Biến thể omicron đến nay đã bắt đầu bị thay thế bởi một biến thể phụ của chủng, được gọi là BA.2, trong khi các biến thể khác cũng đã dần xuất hiện, bao gồm cả một biến thể được đặt tên là XE.
Một trong những tác giả của nghiên cứu, Tiến sĩ Gemma Recio thuộc Institut Català de Salut của Tarragona ở Tây Ban Nha, cho biết trường hợp này làm nổi bật tiềm năng của biến thể omicron trong việc tránh khỏi khả năng miễn dịch trước đó có được từ nhiễm bệnh tự nhiên hay từ vaccine.