Báo cáo tài chính quý 2/2023 của một số doanh nghiệp niêm yết cho thấy, nửa đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận rất cao so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tăng trưởng lại đến từ các khoản thu nhập bất thường thay vì từ hoạt động sản xuất, kinh doanh cốt lõi.
LÃI TIẾT KIỆM, CHỐT LỜI CHỨNG KHOÁN
Điển hình nhất là trường hợp của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Ricons – thành viên trong liên danh Vietur, đơn vị duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thi công gói thầu 5.10 nhà ga hành khách sân bay Long Thành trị giá 35.000 tỷ đồng.
Mặc dù, Ricons đạt hơn 2.102 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý 2/2023, giảm 24% so với cùng kỳ, nhưng hoạt động tài chính của doanh nghiệp xây dựng này bất ngờ “toả sáng”. Trong đó, doanh thu tài chính đạt gần 27 tỷ, tăng 158% so với cùng kỳ; chủ yếu đến từ lãi tiền gửi ngân hàng, lãi trái phiếu hơn 21 tỷ đồng và cổ tức được chia.
Ngoài ra, Ricons còn có khoản lãi từ công ty liên doanh liên kết 63 tỷ đồng, gấp 22 lần so cùng kỳ.
Kết quả, cho dù doanh thu giảm nhưng Ricons vẫn báo lãi hơn 52 tỷ đồng, tăng 90% so với quý 2/2022. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty đạt 3.821 tỷ đồng doanh thu và 68 tỷ đồng lợi nhuận ròng, lần lượt giảm 20% và tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022.
Tương tự, doanh thu của Công ty Cổ phần Licogi 14 (mã chứng khoán: L14) giảm 82% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo theo lợi nhuận gộp giảm hơn 90%, chỉ còn vỏn vẹn 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu tài chính lại tăng đột biến hơn 467%, đạt 5,4 tỷ đồng. Trong đó lãi từ tiền gửi, cho vay gần 2,5 tỷ đồng và lãi từ đầu tư chứng khoán gần 3 tỷ đồng. Kết quả, Licogi 14 ghi nhận lãi ròng ở mức 5 tỷ đồng trong quý 2/2023, so với mức lỗ 33 tỷ đồng của quý 2/2022.
Tính tới cuối quý 2/2023, L14 có 134 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, tăng 168% so với đầu năm. Giá trị đầu tư chứng khoán là 32,3 tỷ đồng, trong khi cuối quý 1 không ghi nhận. Như vậy, sau một quý rời khỏi thị trường chứng khoán, Licogi 14 đã quay trở lại. Cuối năm 2021, Licogi 14 từng ghi nhận khoản đầu tư chứng khoán lên tới 486 tỷ đồng, tập trung vào 2 mã CEO và DIG.
THANH LÝ TÀI SẢN, BÁN CỔ PHẦN
Trong khi đó, “đối thủ” của Ricons tại gói 5.10 sân bay Long Thành - Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) cũng là doanh nghiệp trong ngành xây dựng báo lãi tăng mạnh nhờ doanh thu hoạt động tài chính trong quý vừa qua. Cụ thể, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần quý 2/2023 đạt gần 2.300 tỷ đồng, tương ứng giảm 44% so với cùng kỳ năm trước nhưng biên lợi nhuận gộp bất ngờ lên tới 18% trong khi quý 2/2022 chỉ chưa đầy 5%.
Mặc dù sự đột biến này tạo ra mức lợi nhuận gộp tăng gấp đôi lên 423 tỷ đồng, nhưng công ty vẫn lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 70 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ 656 tỷ từ thanh lý tài sản cố định, Hòa Bình báo lãi trước thuế 585 tỷ đồng, cao gấp 8,5 lần cùng kỳ năm trước. Theo thuyết minh từ báo cáo tài chính của công ty cho biết, Xây dựng Hòa Bình đã thanh lý 1.293 tỷ đồng máy móc thiết bị trong kỳ. Phần máy móc thiết bị này đã khấu hao hơn 857 tỷ đồng.
Một trường hợp khác là Công ty Cổ phần Gemadept (mã chứng khoán: GMD) khi báo khoản lãi ròng tăng gấp 5,7 lần cùng kỳ năm trước, đạt 1.646 tỷ đồng. Đây cũng là khoản lợi nhuận lớn nhất mà doanh nghiệp từng ghi nhận trong lịch sử hoạt động.
Nguyên nhân chủ yếu giúp Gemadept ghi nhận lợi nhuận tăng đột biến trong quý vừa qua là khoản doanh thu tài chính 1.863 tỷ đồng. Phần lớn trong số này là khoản lãi doanh nghiệp ghi nhận từ việc bán vốn của cảng Nam Hải Đình Vũ cho Công ty cổ phần Container Việt Nam (Viconship – mã chứng khoán: VCS) và các đối tác.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Kido (mã chứng khoán: KDC) cũng báo cáo khoản lợi nhuận quý 2/2023 tăng vọt nhờ hoạt động tài chính. Cụ thể, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu quý vừa rồi giảm 33% so với thực hiện năm trước.
Tuy nhiên, nhờ có 961 tỷ đồng doanh thu tài chính, trong đó có phát sinh thêm 870 tỷ đồng lợi nhuận từ thanh lý khoản đầu tư, Kido báo lãi quý 2/2023 tăng 221% lên 662 tỷ đồng. Theo giải trình, lợi nhuận tăng mạnh chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư tài chính do Tập đoàn tái cơ cấu mạnh trong hoạt động đầu tư: thoái vốn một cách hiệu quả các khoản đầu tư như Calofic, KIDO Foods; đầu tư mới vào mảng bánh Thọ Phát.
Đối với lĩnh vực bất động sản, Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) cũng là trường hợp điển hình cho việc lãi nhờ vào lợi nhuận khác hay doanh thu tài chính. Trong quý vừa qua, doanh nghiệp này chỉ ghi nhận vỏn vẹn 5 tỷ đồng doanh thu, giảm 99% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, doanh thu tài chính lại tăng đột biến từ 829 triệu đồng cùng kỳ năm trước lên gần 532 tỷ đồng, chủ yếu phát sinh khoản lãi chuyển nhượng công ty con. Ngoài ra, chi phí tài chính đạt 107 tỷ đồng, được tiết giảm 31% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ vậy, Phát Đạt lãi ròng 276 tỷ đồng trong quý 2/2023, giảm hơn 32% so với cùng kỳ năm trước nhưng cao nhất trong 3 quý gần đây.
MUÔN KIỂU THOÁT LỖ
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán: LTG) đã ghi nhận kết quả tăng mạnh nhờ đánh giá lại tài sản. Trong đó, tính riêng quý 2/2023 công ty ghi nhận doanh thu thuần 3.678 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán giảm nhẹ giúp lợi nhuận gộp tăng 42% lên hơn 526 tỷ đồng. Biên lãi gộp vì vậy được cải thiện từ 10% lên 14%.
Trong kỳ Tập đoàn Lộc Trời còn thu về hơn 49 tỷ đồng doanh thu tài chính gấp 8,4 lần cùng kỳ, chủ yếu do lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái. Đáng chú ý nhất chính là gần 327 tỷ đồng lợi nhuận trong công ty liên kết - đây chính là khoản đánh giá lại tài sản của Lương thực Lộc Nhân. Sau khi trừ các khoản chi phí, Tập đoàn Lộc Trời lãi ròng gần 426 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 44 tỷ đồng. Đây cũng là quý có lợi nhuận cao nhất của công ty từ khi niêm yết tới nay.
Tương tự, trong quý 2/2023, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – mã chứng khoán: HAG) ghi nhận doanh thu đạt 1.450 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 101,61 tỷ đồng, giảm 61,6% so với cùng kỳ. Dù vậy, trừ các chi phí, HAGL vẫn lỗ thuần 163 tỷ đồng. Nhờ ghi nhận lợi nhuận khác hơn 247 tỷ đồng, HAGL báo lãi ròng 113 tỷ đồng – giảm 59% so với quý 2/2022 (quý này năm ngoái HAGL có ghi nhận hoàn nhập dự phòng với 992 tỷ đồng).
Theo HAGL, khoản lợi nhuận khác này chủ yếu đến từ lãi do giao dịch mua rẻ công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Bolaven, doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế gần 85 tỷ đồng trong quý 2.
Trong kỳ, HAGL đã mua mới 6 công ty con với tỷ lệ sở hữu gần như tuyệt đối, bao gồm: Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Bolaven (Lào), Công ty cổ phần Lê Me, Công ty TNHH sản xuất bột mỳ (Campuchia), Công ty Cổ phần Chế biến thức ăn gia súc Trà Bá, Công ty TNHH MTV Phát triển Nông nghiệp Hoàn Thịnh Attapeu (Lào) và Công ty Cổ phần trồng trọt Gia Lai.
Mặc dù những khoản lãi này giúp cho các doanh nghiệp “thoát lỗ”, thậm chí “lãi đột biến, thế nhưng xuất phát điểm của những khoản thu này không đến từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi và chỉ ghi nhận một lần nên không tạo ra nguồn thu nhập bền vững cho doanh nghiệp đó trong thời gian dài. Thêm vào đó, nhiều khoản lợi nhuận đến từ việc đánh giá lại tài sản nên sẽ không tạo ra dòng tiền cho doanh nghiệp.