Gói thầu 5.10 sân bay Long Thành: "Sức khỏe" liên danh duy nhất lọt qua vòng kỹ thuật?

Vượt qua 2 liên danh gồm Hoa Lư và CHEC-BCEG-Vietnam Contractors, liên danh nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ Vietur là đơn vị duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thi công gói thầu 5.10 nhà ga hành khách sân bay Long Thành trị giá 35.000 tỷ đồng…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
SBLT.jpegTổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa công bố danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thi công gói thầu 5.10, dự án sân bay Long Thành. Gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách này có tổng giá trị hơn 35.000 tỷ đồng, là gói thầu lớn nhất của dự án sân bay Long Thành.

THẾ TRẬN 3 LIÊN DANH

Theo ACV, liên danh đáp ứng yêu cầu kỹ thuật là Vietur do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC ISTAS thuộc Tập đoàn IC Holding của Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu. ACV đề nghị đại diện có thẩm quyền của liên danh Vietur đến tham dự lễ mở hồ sơ đề xuất tài chính vào ngày 4/8/2023 tại trụ sở của ACV ở TP.HCM.

Trước đó, tham dự gói thầu sân bay Long Thành có 3 liên danh.

dự án.png

Một là liên danh Hoa Lư do 7 nhà thầu trong nước và một nhà thầu Thái Lan cùng hợp sức. Các thành viên trong liên danh là Coteccons, Unicons, Thành An, Delta, Central, An Phong, Hòa Bình và một nhà thầu của Thái Lan là Powerline Engineering Public. Trong đó, Coteccons đứng đầu liên danh.

Hai là liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors: gồm China Harbour Engineering Company Limited do China Harbour Engineering Company (CHEC) đứng đầu, cùng với một công ty khác cũng đến từ Trung Quốc là Beijing Construction (BCEG). Theo giới thiệu, đây là những nhà thầu hàng đầu Trung Quốc thi công rất nhiều dự án lớn bao gồm sân bay, cảng biển, cơ sở hạ tầng... trên toàn cầu. Ba là liên danh Vietur được dẫn dắt bởi IC ISTAS

Theo tìm hiểu, gói thầu 5.10 có 2 vòng mở thầu. Vòng đầu tiên là mở hồ sơ về yêu cầu kỹ thuật, vòng thứ 2 là mở hồ sơ về tài chính. Liên danh Vietur là đơn vị duy nhất trong 3 liên danh dự thầu, đã vượt qua vòng đầu tiên và đang đi đến vòng thứ 2.

Giới quan sát cho rằng, với việc vượt qua nhóm các nhà thầu Việt Nam (liên danh Hoa Lư) và nhóm các nhà thầu Việt Nam – Trung Quốc (CHEC-BCEG-Vietnam Contractors) để vào vòng 2, liên danh Vietur đã nắm chắc phần thắng, trúng thầu gói 5.10 sân bay Long Thành.

“SỨC KHỎE” CÁC DOANH NGHIỆP LIÊN DANH VIETUR

Liên danh Vietur gồm 10 thành viên, do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại - Xây dựng IC ISTAS đứng đầu. IC ISTAS thuộc IC İbrahim Cecen Investment Holding, thành lập năm 1969. Đơn vị này có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng lớn như bến cảng, sân bay, năng lượng... tại khu vực các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Nga... Trong đó có các sân bay quốc tế lớn tại các nước Nga, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgari...

Bên cạnh đó, Liên danh Vietur còn có hiện diện một số doanh nghiệp trong nước như: Công ty Cổ phần Đầu tư - Xây dựng Ricons, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Newtecons, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng SOL E&C, Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty Cổ phần Kết cấu ATAD, Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings, Công ty Cổ phần Hawee Cơ điện, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP và Tổng công ty Xây dựng số 1. Theo dữ liệu từ Vietnam Report, 4/8 doanh nghiệp trong nước thuộc top 10 doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam 2023.

Điểm nhấn của liên danh Vietur là sự có mặt của một số doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Coteccons - như Ricons, Newtecons và SOL E&C.

Ảnh chụp Màn hình 2023-08-03 lúc 10.31.47.png

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons, thành lập năm 2004, với tên gọi ban đầu là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Phú Hưng Gia. Ricons hiện do ông Nguyễn Sỹ Công làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Trần Quang Quân làm Tổng Giám đốc. Một số dự án lớn do Ricons trúng thầu như The Manor Central park 1 và 2 - Hà Nội, dự án SLP - Hải Phòng, The River Thủ Thiêm, Celadon A5 Diamond Brilliant, Imperia Smart City…

Về kết quả kinh doanh, Ricons đạt hơn 2.102 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý 2/2023, giảm 24% so với cùng kỳ. Trong đó, phần lớn doanh thu đến từ hợp đồng xây dựng với gần 2.083 tỷ đồng, chiếm 99%. Kết quả, Ricons báo lãi hơn 52 tỷ đồng, tăng 90% so cùng kỳ.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty đạt 3.821 tỷ đồng doanh thu và 68 tỷ đồng lợi nhuận ròng, lần lượt giảm 20% và tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022. Tại ngày 30/6/2023, quy mô tài sản của Ricons ở mức 7.263 tỷ đồng, giảm 11% so đầu năm.

Ảnh chụp Màn hình 2023-08-03 lúc 10.45.29.png

Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Newtecons thành lập năm 2003, hiện công ty do ông Trần Kim Long làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Võ Thành Liêm làm Tổng giám đốc.

Trong năm 2022, Newtecons đánh dấu 5 năm tăng trưởng liên tiếp, doanh thu trên 11.000 tỷ đồng. Công ty là tổng thầu của một số dự án như Masteri Thảo Điền CT5, Asiana Đà Nẵng, The Sóng, Techcombank Saigon Tower, nhà thầu phụ trong dự án công nghiệp như Kyocera, tổng thầu thi công PaiHong, Logos Bac Ninh Logistics Warehouse…

Sau khi rời Coteccons, ông Nguyễn Bá Dương đã quay về phát triển hệ sinh thái do ông sáng lập, thậm chí nhiều dự án bất động sản lớn do Coteccons làm nhà thầu đã bị Newtecons hay Ricons thế chân.

Trước đó, hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương cũng được đánh giá là “ngựa ô” trong ngành xây dựng. Năm 2022, Newtecons, Ricons, BM Windows, Boho Décor, DB, SOL E&C đã tạo nên doanh thu hơn 1 tỷ USD cho hệ sinh thái.

Trong liên danh này còn có sự xuất hiện của Công ty Cổ phần Kết cấu Thép ATAD - đơn vị chuyên cung cấp các công đoạn tư vấn, thiết kế, sản xuất, lắp dựng các sản phẩm nhà thép tiền chế và kết cấu thép chất lượng cao.

ATAD thành lập năm 2004, hiện sở hữu hai nhà máy sản xuất hiện đại có tổng diện tích 211.000 m2 tại Đồng Nai và Long An với các dây chuyền xuất kết cấu thép hiện đại và lớn nhất thế giới. Đến nay đã thực hiện hơn 3.500 công trình tại trên hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ với mạng lưới văn phòng đại diện tại Myanmar, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Cambodia, Sri Lanka, Bangladesh và Uganda.

Một thành viên khác là Tổng Công ty Xây dựng Số 1 (mã chứng khoán: CC1) hoạt động chủ yếu trong 4 lĩnh vực gồm xây dựng, kinh doanh bất động sản, đầu tư, sản xuất công nghiệp và vật liệu xây dựng. Một số dự án xây dựng nổi bật của CC1 như cầu Thủ Thiêm, Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Bệnh viện nhi đồng TP.HCM, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2, tổ hợp hóa dầu Long Sơn, nhà máy dệt Nam Định, khu đô thị King Crown Infinity, Dream City Hưng Yên…

Trong quý 2/2023, Tổng Công ty Xây dựng Số 1 (CC1) báo lỗ 2,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỹ lãi hơn 13 tỷ đồng. Theo giải trình của CC1, biên động lợi nhuận so với cùng kỳ là do doanh thu giảm 23% xuống còn 1.235 tỷ vì khó khăn chung của toàn ngành xây dựng. Luỹ kế 6 tháng, CC1 mang về 1.782 tỷ đồng doanh thu và 5,7 tỷ đồng lợi nhuận, giảm lần lượt 35% và 81% so với bán niên 2022. Nợ phải trả tại thời điểm cuối quý 2/2023 ở mức 10.362 tỷ, gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu.

Tương tự, Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán: VCG) ghi nhận trong quý 2/2023 doanh thu thuần đạt gần 4.566 tỷ đồng, tăng 110% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 130 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ.

Luỹ kế nửa đầu năm, Vinaconex đạt 6.532 tỷ đồng doanh thu thuần, tương đương tăng 85%; lãi ròng gần 109 tỷ đồng, giảm 83% so với cùng kỳ. Quy mô tài sản Vinaconex tại ngày 30/6/2023 đạt hơn 31.409 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với đầu năm.

Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội.jpeg
Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội

Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (mã chứng khoán: HAN) cũng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023 với 10,9 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 8,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 74,6% và 71,2% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Xây dựng Hà Nội báo lãi trước thuế 11,5 tỷ đồng, báo lãi sau thuế 8,9 tỷ đồng, lần lượt giảm 75,6% và 73,3% so với cùng kỳ.

Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings (mã chứng khoán: PHC) được thành lập năm 2001. Công ty hoạt động xoay quanh 3 mảng kinh doanh chính gồm xây dựng dân dụng và công nghiệp, bất động sản và thủy điện và năng lượng tái tạo. Trong xây dựng, PHC là tổng thầu thi công 5 dự án gồm Florence Tower, The Zen Residence, IA20, Golden Land Buildings Hà Nội và Kenton Node TP.HCM.

Trong quý 2/2023, Phục Hưng Holdings ghi nhận doanh thu thuần đạt 376 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế giảm còn vỏn vẹn 830 triệu, trong khi quý 2/2022 đạt gần 10 tỷ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Phục Hưng Holdings ghi nhận doanh thu thuần đạt 737 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 2,98 tỷ đồng giảm 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của PHC đạt 2.846 tỷ đồng.

hawee.jpeg
Công ty Cổ phần Hawee Cơ điện

Công ty Cổ phần Hawee Cơ điện được thành lập vào năm 2004, ngành nghề kinh doanh chính là lắp đặt hệ thống điện. Hawee thi công một số hạng mục điện nước của một số dự án như Masteri Centrepoint, Wyndham Ocean Dragon Hải Phòng, The Metropole Thủ Thiêm, InterContinental Phu Quoc, Hyatt Regency Ho Tram Resort and Spa, nhà máy gia công chế tạo cơ khí Anmi Tools, nhà máy Tân Á Hưng Yên, metro số 3 Hà Nội, nhà ga hàng hóa mở rộng T1 Nội Bài… Một số dự án ở nước ngoài của cổ đông Nhật như Sân bay quốc tế Chubu (Nhật Bản), nhà máy điện tử Rohm (Philippines), nhà máy Khao Hefei (Trung Quốc), nhà máy Kyocera Đài Loan (Trung Quốc)…

GÓI 5.10 - NHÀ THẦU HƯỞNG LỢI GÌ?

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia và mang tầm cỡ hàng đầu khu vực châu Á Thái Bình Dương với tổng vốn đầu tư khoảng 336.630 tỷ đồng, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm và chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn 1 xây 1 đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách/năm. Dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2025.

sân bay long thành.jpeg

Gói thầu nhà ga hành khách (gói 5.10) là gói có vốn đầu tư "khủng" trị giá 35.233 tỷ đồng.

Theo Chứng khoán VietCap, việc được trao gói 5.10 thuộc dự án sân bay Long Thành sẽ là yếu tố hỗ trợ đáng kể cho các nhà thầu trong nước trong bối cảnh thị trường bất động sản tư nhân trầm lắng. Gói thầu này tương ứng một khối lượng đơn đặt hàng tồn đọng (backlog) khá hấp dẫn, tương đương với 126% tổng giá trị hợp đồng ký mới hàng năm của Coteccons và Xây dựng Hòa Bình trong giai đoạn từ năm 2019 - 2022.

Ước tính tổng lợi nhuận tối đa cho 1 nhà thầu tham gia gói 5.10 sẽ khoảng 525 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này là tương đối lớn so với lãi ròng trung bình hàng năm giai đoạn 2019 - 2022 của Coteccons (264 tỷ đồng), Xây dựng Hòa Bình (lỗ ròng 133 tỷ đồng) và Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (866 tỷ đồng).

Có thể bạn quan tâm