Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Bối cảnh ấy được ví von như Chính phủ đang chỉ huy “trận đánh kinh tế” nhưng buồn một nỗi là với trên dưới 500.000 DN đang hoạt động như hiện nay, trận đánh ấy như “có tướng, mà không có đủ quân”. “Tướng” ở đây chính là đầu tàu Chính phủ, còn “quân” chính là lực lượng DN.
Ngoài quân số chưa đủ, chất lượng cũng chưa được tinh nhuệ, rơi rụng nhiều, hoạt động bấp bênh. Do đó, theo tôi, Chính phủ cần có quyết sách để phát triển cho được ít nhất 1 triệu DN hoạt động hiệu quả vào năm 2020.
Việc này không hề dễ và cần có sự quyết tâm đủ lớn, vào sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp bộ ngành, địa phương để tạo lập môi trường kinh doanh tốt, khơi dậy được cuộc “cách mạng khởi nghiệp” tại Việt Nam.
Đối với ngành dược liệu, chúng tôi rất mừng là trung tuần tháng Tư vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phát triển dược liệu Việt Nam. Đây là sự kiện quan trọng thể hiện sự quan tâm của Chính phủ tới ngành dược liệu rất có tiềm năng phát triển nhưng quy mô hiện còn nhỏ, hiệu quả thấp, nhiều loại dược liệu quý hiếm đang nằm trong “sách đỏ”, có nguy cơ biến mất. Ở góc độ nào đó, ngành dược liệu đang có nguy cơ bị các DN nước ngoài thâu tóm.
"Chính phủ cần có quyết sách để phát triển cho được ít nhất 1 triệu DN hoạt động hiệu quả vào năm 2020”.
Tôi cho rằng để ngành dược liệu phát triển, Chính phủ cần quy hoạch vùng nguyên liệu cụ thể cho một số dược liệu là thế mạnh của mỗi địa phương; Xây dựng các tiêu chuẩn để kiểm tra, đánh giá chất lượng dược liệu, nhất là các dược liệu ngoại nhập; Cần có sự liên kết giữa 3 nhà trong việc phát triển dược liệu: Nhà nước, người nuôi trồng và nhà sản xuất. Bên cạnh đó cần có chế độ ưu đãi, khuyến khích về việc giao đất, thuế cho người nuôi trồng dược liệu, nhất là vùng nuôi trồng dược liệu sạch theo tiêu chuẩn GACP-WHO, đồng thời có chế độ ưu đãi về hợp lý cho các DN sản xuất thuốc từ dược liệu, nhất là những thuốc sử dụng dược liệu trong nước.