Giải thích về việc suy giảm cổ phiếu của cá nhân và các công ty con, bầu Đức cho biết, “trước đây HAGL đứng trước nguy cơ phá sản, rất nhiều chủ nợ đe dọa mở thủ tục phá sản. Nợ Temasek là nợ nước ngoài, không có tài sản thế chấp. Đến hạn HAGL không thể trả nợ, HAGL bị yêu cầu mở thủ tục phá sản. Công ty chấp nhận phát hành 130 triệu cổ phiếu để giải quyết nợ trái phiếu của Temasek”.
Cổ đông cũng chất vấn một số vấn đề như tỷ lệ sở hữu của HAGL tại các công ty con liên tục giảm và đề xuất bầu Đức gia tăng mua cổ phiếu. Ông Đức cho biết, vào thời điểm thích hợp, HAGL sẽ tăng trở lại tỷ lệ sở hữu tại các công ty con để tránh việc bị pha loãng tỷ lệ sở hữu, đơn cử như tăng sở hữu tại HAGL Agrico.
“Tôi là Chủ tịch hội đồng quản trị của HAG chưa bao giờ bán ra cổ phiếu của mình, khi công ty làm ăn tốt hơn, chúng tôi sẽ mua về lại cổ phiếu để tăng sở hữu tại các công ty. Tôi khẳng định lại, và tâm nguyện chúng tôi sẽ trở về tỷ lệ sở hữu ban đầu, tôi không chấp nhận giảm tỷ lệ sở hữu đâu”, bầu Đức nhấn mạnh.
Bầu Đức khẳng định, HAGL sở hữu nhiều tài sản thật như đất đai, vườn cây, dự án Myanmar… chứ không sở hữu tờ giấy A4 nào. Tổng giá trị tài sản trên sổ sách 50.000 tỷ đồng nhưng giá trị thực tế lớn hơn nhiều. HAGL Myanamar có giá trị tài sản trên sổ sách chỉ 3.000 tỷ nhưng nếu bán sẽ có giá trị không dưới 14.000 tỷ đồng.
Cũng theo bầu Đức, cá nhân chủ tịch và các thành viên ban lãnh đạo không có bất cứ lợi ích nào tổn hại đến công ty. Không bao giờ thành lập công ty sân sau nào để “tuồn” tài sản của công ty ra ngoài để trục lợi.
“Nếu trong thời gian qua tôi không bản lĩnh, thần kinh yếu, HAGL đã chết trên đống tài sản”, ông Đức nhấn mạnh.
Hiện HAG đang sở hữu tài sản đất đai, vườn cây,… với tổng tài sản 50.000 tỷ đồng nhưng mất thanh khoản HAG sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản. “Tôi muốn kêu gọi tất cả cổ đông hãy tin tưởng tôi, tôi không bao giờ thành lập công ty sân sau để trục lợi. Nếu làm như vậy, HAG đã nát lâu rồi”.
Hướng tới mục tiêu hoàn thành kế hoạch năm 2017
Tại đại hội, ông Võ Trường Sơn, Tổng giám đốc HAGL, cho biết, năm 2016, HAGL đạt doanh thu thuần 6.440 tỷ đồng, lỗ sau thuế 1.503 tỷ đồng. Cũng trong năm qua, Công ty đã hoàn thành tái cơ cấu các khoản nợ lớn, đồng thời đã thực hiện điều chỉnh điều khoản và chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi trong tháng 6/2017.
Dự án HAGL Myanmar đã đưa vào hoạt động 2 cao ốc văn phòng cho thuê và khách sạn 5 sao Melia Yangon. HAGL đang xây dựng tiếp giai đoạn 2 gồm hai cao ốc văn phòng và 5 cao ốc căn hộ để bán hoặc cho thuê.
Năm nay, HAGL dự kiến đạt 6.335 tỷ đồng doanh thu và lãi trước thuế 552 tỷ đồng. Các nguồn thu chính trong năm nay của HAGL sẽ đến từ trái cây (thanh long, chanh dây, chuối) với xấp xỉ 2.600 tỷ đồng; cao su 745 tỷ đồng; bò thịt 1.240 tỷ đồng; dự án HAGL Myanamar 1.142 tỷ còn lại từ các ngành khác.
Hiện HAGL đang tiến hành thủ tục chuyển nhượng dự án thuỷ điện Nậm Kông 2, đang tìm đối tác chuyển nhượng Nậm Kông 3. Cả hai dự án này đều tại Lào.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc chậm công tác công bố báo cáo tài chính, lãnh đạo công ty cho biết, tại thời điểm ra báo cáo tài chính, việc tái cấu trúc các khoản nợ của HAGL chưa có kết quả chắc chắn vì vậy HAGL làm việc với kiểm toán chủ động chờ kết quả tái cơ cấu nhằm đảm bảo quyền lợi của cổ đông.
Tương tự báo cáo tài chính quý 1/2017 bị chậm do HAGL chờ kết quả đàm phán chuyển nhượng mảng mía đường cho Thành Thành Công, để có được những số liệu chắc chắn hơn.
Theo ông Sơn, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2017 chỉ đạt khoảng 230 tỷ đồng, hoàn thành 41% kế hoạch lợi nhuận cả năm. 6 tháng cuối năm, lợi nhuận có sự đóng góp thêm của HAGL Myanmar nên HAG có thể hoàn thành được kế hoạch lợi nhuận cả năm.
“Để hoàn thành kế hoạch năm, mỗi quý còn lại của năm sẽ phải hoàn thành 30% kế hoạch. Lợi nhuận hợp nhất thấp hơn lợi nhuận của HAGL Agrico do tập đoàn vẫn phải cõng 1 số công ty con chưa hoạt động. Cố gắng 31/7 hoàn thành báo cáo tài chính của HNG, vài ngày sau sẽ ra báo cáo HAG. HAGL Myanamar có 1.000 căn hộ, bao gồm 600 căn hộ để bán và 400 căn hộ dịch vụ cho thuê. Hiện tại HAGL đã bán 200 căn, tương đương 1/3 số căn hộ để bán”, ông Sơn nói thêm.
Về dư nợ vay ngân hàng, theo ông Sơn, việc bán mảng mía đường giúp HAG giảm nợ 2.200 tỷ đồng; nghiệp vụ xử lý nợ với Temasek và các khoản nhỏ giảm hơn 2.300 tỷ đồng. Vì vậy đến cuối tháng 6/2017, tổng nợ sẽ giảm được khoảng gần 5.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, dự án Myanmar là ưu tiên xây dựng trung tâm thương mại, thu về dòng tiền để phát triển tiếp khu văn phòng. Nhưng nếu có đối tác có tiềm lực tài chính quan tâm thì HAGL có thể bán 50% dự án Myanmar.
Theo Hồng Vinh/ VnEconomy
>> ĐHĐC HAGL Agrico: Lỗ nghìn tỷ, Bầu Đức “xoay sở” với khối nợ khủng tỷ đô