New Zealand cam kết duy trì viện trợ ODA và hỗ trợ Việt Nam

Các nhà lãnh đạo New Zealand đánh giá Việt Nam đã và đang có những bước chuyển mình lớn, trở thành một quốc gia năng động, tích cực và có vai trò ngày một nâng cao ở khu vực Đông Nam Á
New Zealand cam kết duy trì viện trợ ODA và hỗ trợ Việt Nam

Phóng viên TTXVN có mặt tại Wellington đưa tin tiếp tục chuyến thăm làm việc tại New Zealand, ngày 27/7, tại trụ sở Quốc hội ở thủ đô Wellington, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chào xã giao Chủ tịch Quốc hội David Carter, hội đàm với Phó Thủ tướng Paula Bennett, làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao Gerry Brownlee, Bộ trưởng Thương mại Todd McClay, dự chiêu đãi của Tổng Chưởng lý Chris Finlayson và tiếp Giám đốc Viện nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand (PFR).

Tại hội đàm và các cuộc tiếp xúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chúc mừng New Zealand về những thành tựu phát triển gần đây, nổi bật là việc duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định vững chắc trong nhiều năm liền, trở thành một trong những nền kinh tế cạnh tranh tự do nhất thế giới.

Hai bên hài lòng ghi nhận những bước phát triển mạnh mẽ của quan hệ Đối tác Toàn diện hướng tới Đối tác Chiến lược Việt Nam-New Zealand, hợp tác trên các lĩnh vực trọng điểm đạt hiệu quả cao và không ngừng được củng cố; hai nước chia sẻ nhiều quan điểm tương đồng và lợi ích chiến lược trong các vấn đề khu vực và quốc tế; nhất trí tiếp tục đưa quan hệ song phương hai nước phát triển vững chắc, ổn định và sâu sắc trong thời gian tới; tăng cường các chuyến thăm cấp cao và các cấp, thúc đẩy giao lưu nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội David Carter trân trọng nhắc lại lời mời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sang thăm New Zealand vào cuối năm 2017.

Hai bên nhất trí việc sớm ký kết Chương trình hành động Việt Nam-New Zealand giai đoạn 2017-2020 trong năm 2017 để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như chính trị, kinh tế-thương mại, nông nghiệp, hỗ trợ phát triển, giáo dục-đào tạo, khoa học-nghiên cứu-sáng tạo, du lịch và giao lưu nhân dân, đưa quan hệ Đối tác Toàn diện phát triển sâu rộng.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Paula Bennett cùng các nhà lãnh đạo New Zealand khẳng định quyết tâm thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng hơn nữa, hướng đến mục tiêu 1,7 tỷ USD vào năm 2020; tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và New Zealand có lợi thế như như nông nghiệp, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng...

Phó Thủ tướng Paula Bennett và Bộ trưởng Thương mại Todd McClay khẳng định sẽ tạo điều kiện cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường New Zealand; tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực và công nghệ sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm nông nghiệp để đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thị trường thế giới.

Hai bên cũng nhất trí sẽ thúc đẩy sớm thu xếp tổ chức kỳ họp lần thứ 6 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế-thương mại Việt Nam-New Zealand.

Các nhà lãnh đạo New Zealand khẳng định sẽ tiếp tục duy trì viện trợ phát triển ODA cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực an sinh xã hội, nông nghiệp và phát triển nông thôn; phát triển nguồn nhân lực; quản lý và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu…

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao New Zealand với vai trò là đối tác phát triển của Việt Nam; cảm ơn New Zealand đang hỗ trợ Việt Nam trong các dự án về an toàn đập, đê điều, phát triển giống cây thanh long, các dự án về rau sạch, nông nghiệp sử dụng công nghệ cao.

Phó Thủ tướng đề nghị hai bên xây dựng cơ chế đối thoại song phương thường kỳ về hợp tác phát triển nhằm đánh giá kết quả hợp tác giữa hai nước và từ đó đề ra các định hướng, biện pháp sử dụng vốn hỗ trợ phát triển của New Zealand một cách hiệu quả, phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam.

Hai bên đã thảo luận và chia sẻ nhiều đánh giá, nhận định chung về tình hình khu vực và quốc tế; nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ và tích cực ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt là ASEAN. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam ủng hộ New Zealand hợp tác và gắn kết chặt chẽ hơn với ASEAN nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở khu vực, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở Luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển năm 1982 (UNCLOS), thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử (COC).

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các nhà lãnh đạo New Zealand tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và tự do hóa thương mại ở khu vực; nhất trí tăng cường hợp tác nhằm tìm hướng đi phù hợp cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). New Zealand đánh giá cao Việt Nam đã tổ chức thành công các hội nghị quan trọng trong khuôn khổ Năm APEC 2017; khẳng định sẽ cử các lãnh đạo cấp cao nhất tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Việt Nam và mong hai bên hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm khi New Zealand là nước chủ nhà năm APEC 2021.

Tại buổi tiếp Giám đốc Viện nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand (PFR), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các thành viên trong Đoàn đã được nghe giới thiệu, tìm hiểu về các công trình nghiên cứu của PFR về toàn bộ quy trình trồng trọt, thu hoạch, bảo quản, bao tiêu sản phẩm nhằm đảm bảo các sản phẩm nông nghiệp bán ra thị trường sao vẫn giữ được chất lượng, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế, duy trì được giá thành cao.

Viện từng có nhiều năm tiến hành các dự án nghiên cứu, hợp tác, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp ở một số tỉnh thành của Việt Nam, đặc biệt trong thí điểm trồng, phát triển quả thanh long ruột đỏ mà qua đó có thể áp dụng cho nhiều loại quả, cây trồng khác, có thể làm thay đổi tập quán văn hóa trong ngành nông nghiệp, góp phần giúp Việt Nam tiến nhanh trên con đường hiện đại hóa nông nghiệp.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...