Nga được và mất gì sau khi chi hơn 12 tỷ USD cho World Cup?

Theo dự đoán, lợi ích tổng thể từ World Cup của Nga sẽ vượt qua Brazil, Nam Phi, Đức - các nước chủ nhà trước đó. Tuy nhiên, PR mới là phần "ghi điểm" của điện Kremlin.
Nga được và mất gì sau khi chi hơn 12 tỷ USD cho World Cup?

Để tổ chức giải bóng đá lớn nhất hành tinh, Nga đã dốc một số tiền khổng lồ để xây dựng mới những sân vận động, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng và đi kèm với đó là các sự kiện văn hóa, thể thao nhằm thu hút người hâm mộ toàn cầu.

Theo tính toán của các chuyên gia, việc tổ chức sự kiện bóng đá này đã tạo ra hàng loạt hiệu ứng xã hội, trong đó, có cả những tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, sự bùng nổ này là hiển nhiên và chỉ mang tính chất ngắn hạn với các quốc gia đăng cai những giải đấu lớn trên thế giới.

Doanh thu khổng lồ chỉ mang tính ngắn hạn

Báo cáo của McKinsey ước tính, lợi ích tổng thể tại World Cup 2018 mà Nga đạt được là 15 tỷ USD. Trong đó, doanh thu từ du lịch, ngành hàng bán lẻ và ăn uống đã trải qua một sự tăng trưởng bùng nổ.

Các cổ động viên của đội tuyển Nga chụp ảnh bên ngoài sân vận động Luzhniki trước giờ bóng lăn hôm 14/6. Ảnh: Sputnik.
Đại diện Sở Thể thao và Du lịch Moscow, ông Nikolai Gulyaev, cho biết trong thời gian một tháng diễn ra giải đấu, tổng số khách nước ngoài đến Nga du lịch lên đến 3 triệu người, tăng 60% so với cùng kỳ. Con số này được xem là sự tăng trưởng vượt bậc, nằm ngoài kỳ vọng ban đầu của giới chức Nga lẫn các công ty tư vấn thị trường.

Chủ các quán bia, rượu tại các con phố ở Nga cho hay, người hâm mộ bóng đá khắp các châu lục có xu hướng chi tiêu nhiều hơn, thậm chí gấp 2-3 lần so với khách du lịch tham quan ngày thường.

Điều này cho thấy doanh thu từ hoạt động du lịch rất có ý nghĩa với kinh tế Nga trong suốt thời gian diễn ra World Cup, bởi trung bình mỗi cổ động viên tiêu 5.000-8.000 USD cho đồ ăn, thức uống, khách sạn, giải trí và quà lưu niệm, Nga cũng đã có được một khoản thu khổng lồ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, sự bùng nổ trong ngành du lịch và bán lẻ tại Nga chỉ được thể hiện trong ngắn hạn, và khó để có thể duy trì trong thời gian tới.

Phó chủ tịch cơ quan đánh giá tín nhiệm quốc tế Moody's Christine Linde cho biết: “Mặc dù World Cup kéo dài một tháng, so với quy mô kinh tế tổng thể của Nga, các biện pháp nhằm kích thích kinh tế vẫn còn tương đối yếu”.

Đại diện Moody’s cũng đánh giá doanh thu từ hoạt động du lịch, ngành hàng bán lẻ thực phẩm, giao thông vận tải ở Nga sẽ tăng, nhưng chỉ là một hiện tượng ngắn ngủi và không mang lại thay đổi đáng kể cho kinh tế nước này.

Với con số 15 tỷ USD mà McKinsey dự đoán, lợi ích tổng thể của World Cup tại Nga vượt qua các nước chủ nhà trước đó như Brazil, Nam Phi và Đức. Tuy nhiên, trên trang East Money, Ngân hàng Trung ương Nga ước tính World Cup sẽ đóng góp khoảng 0,1-0,2% GDP ở Nga trong 2 quý cuối năm 2018, đưa tốc độ tăng trưởng GDP trong nước đạt từ 1,5-2%.

Trong lịch sử các nước chủ nhà World Cup, chỉ Mỹ đăng cai năm 1994 và Pháp tổ chức năm 1998 có lãi nhờ World Cup. Trong khi đó, Brazil bỏ ra tới 14 tỷ USD năm 2014 để đăng cai World Cup nhưng chỉ thu về được khoảng 5 tỷ USD.

Không chỉ vậy, tờ Russia Beyond còn cảnh báo về những chi phí phát sinh mà Nga phải thực hiện sau khi World Cup kết thúc.

Theo đó, nặng nề nhất là số tiền bỏ ra để duy trì hoạt động của các sân vận động vốn được nâng cấp hoặc xây mới phục vụ cho World Cup 2018. Theo báo cáo của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Rating, Nga phải dành hàng triệu rúp để bảo trì, bảo dưỡng và vận hành các sân vận động mới. Đây vốn không phải là chuyện dễ dàng cho nhiều thành phố tại đây.

Chiến dịch PR nhằm "ghi điểm" trước quốc tế

Ngoài việc có doanh thu khủng trước mắt nhờ hoạt động du lịch, khách sạn và ngành hàng bán lẻ, các chuyên gia cũng đánh giá, Nga đã thành công trong một chiến dịch PR, ghi điểm trước cộng đồng quốc tế về một quốc gia không bị “tin giả” tác động, một đất nước “sống động" và "thân thiện”.

Hôm 14/7, Tổng thống Nga Putin đã hứa sẽ cung cấp sự thuận tiện về visa cho những người muốn tiếp tục hiểu Nga sau World Cup.

"Khách nước ngoài nhiều lần nói rằng họ hy vọng sẽ đưa gia đình và bạn bè tới đây. Đối với những người yêu thích nước Nga, chúng tôi sẽ xem xét tạo điều kiện cấp visa thuận lợi nhất, để họ có thể tìm hiểu thêm về đất nước của chúng tôi”, ông Putin nói.

Trong khi đó, Chủ tịch FIFA Inventino cũng đã khen ngợi nước chủ nhà World Cup năm nay về thành tích tổ chức một mùa giải xuất sắc ngoài mong đợi. Ông cho rằng giải đấu lớn nhất hành tinh năm nay không chỉ là sự kiện lớn nhất thế giới mà còn là sự kiện hay nhất trong lịch sử World Cup.

“Báo chí và các kênh truyền hình nổi tiếng bắt đầu nói về Nga như một quốc gia sống động và thân thiện. Những tin tức này đóng vai trò như một thỏi nam châm để hút dòng khách quốc tế hậu World Cup”, ông Rojankovski, nhà phân tích đầu tư tại Trung tâm Tài chính Moskva, nói.

Ông cho hay mong muốn của bản thân cũng như người dân nước Nga là du khách quốc tế thấy được vẻ mới mẻ của đất nước mình, những người không bị "tin tức giả" tác động, và minh chứng rằng Nga thực sự là một quốc gia bình thường.

Chính chiến dịch PR là World Cup đã khiến hình ảnh nước Nga “ghi điểm” với người hâm mộ toàn cầu. Tuy nhiên, theo đánh giá từ các chuyên gia, vẫn còn phải xem liệu liệu Nga có ảnh hưởng bền vững từ World Cup trong tương lai hay không.

Chi hơn 12 tỷ USD cho World Cup, kết thúc giải đấu, ngành du lịch và bán lẻ ở Nga đã thật sự chiến thắng với doanh thu tăng mạnh, mức độ tăng trưởng nằm ngoài kỳ vọng.

Theo Zing

Có thể bạn quan tâm

Madam Pang sở hữu bộ sưu tập hàng hiệu đồ sộ

Người đứng sau đế chế Hermes tại “xứ chùa Vàng”

Madam Pang được người hâm mộ bóng đá biết đến là Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan, nhưng có thể nhiều người chưa biết, bà còn là nữ doanh nhân đứng sau “đế chế” thời trang đồ hiệu xa xỉ trên đất Thái…

Rủi ro tiềm ẩn khi chơi Pickleball

Rủi ro tiềm ẩn khi chơi Pickleball

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ, nhưng bộ môn thể thao Pickleball cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây chấn thương khó lường…