Ngân hàng cấn nợ doanh nghiệp bằng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính nói gì?

Bộ Tài chính cho biết đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước Ngân hàng Nhà nước...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Ngày 5/10, tại cuộc họp báo thường kỳ quý 3/2023, Bộ Tài chính đã trả lời nội dung về quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG). Vấn đề này được đặt ra khi thời gian qua đã xuất hiện một số bất cập đối với quỹ này, đặc biệt có tình trạng doanh nghiệp chiếm dụng quỹ.

Theo ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), tại Nghị định 95 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu cũng như Thông tư 103 hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã có quy định rất rõ về việc hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Do đó, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm lựa chọn, mở tài khoản theo dõi riêng về Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Đồng thời, thương nhân cũng phải có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tên, địa chỉ, thông tin liên lạc của ngân hàng nơi thương nhân đầu mối mở tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu đến Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và công bố thông tin theo quy định.

Đối với trường hợp quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, doanh nghiệp này đã thực hiện theo quy định về quỹ và báo cáo số tài khoản Quỹ bình ổn giá về Bộ Tài chính và Bộ Công Thương. Theo đó, doanh nghiệp đã gửi thông tin số tài khoản này về Bộ, hàng tháng có báo cáo kết chuyển số dư quỹ theo điều hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đối với việc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cấn nợ gần 270 tỷ đồng từ tài khoản mà Công ty Hải Hà cho là tài khoản Quỹ bình ổn giá, đại diện Cục Quản lý giá khẳng định Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước để cùng phối hợp thực hiện, có văn bản gửi ngân hàng BIDV về vấn đề này.

"Bộ Tài chính thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động trích, chi quỹ. Qua đó, đã xử lý vi phạm hành chính đối với một số doanh nghiệp liên quan đến quỹ này. Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương để có giải pháp, vận hành quỹ phù hợp", ông Phạm Văn Bình cho hay.

Nói thêm thêm về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, từ thực tiễn quản lý, điều hành sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã đặt ra cho cơ quan quản lý Nhà nước việc hoàn thiện quy định để quản lý quỹ một cách tốt hơn. Về phía Bộ Tài chính, lãnh đạo Bộ đã giao Cục Quản lý giá trực tiếp rà soát để có báo cáo cấp thẩm quyền các vấn đề vướng mắc, phát sinh trên thực tiễn.

Giữa tháng 9, công bố thông tin về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG, Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết quý 2/2023 (đến hết ngày 30/6/2023), số dư Quỹ BOG còn 7.424,7 tỷ đồng. Số dư này đã tăng gần 1,8 lần so với số dư vào cuối năm ngoái (4.600 tỷ đồng) và là mức cao nhất từ quý 1/2021.

Cụ thể, số dư Quỹ BOG đến hết ngày 31/3 còn hơn 5.640 tỷ đồng; tổng số trích Quỹ BOG trong quý 2/2023 (từ ngày 1/4/2023 đến hết ngày 30/6/2023) là 1.779,2 tỷ đồng.

Tổng số sử dụng Quỹ BOG trong quý 2/2023 là 5,91 tỷ đồng; lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG dương trong quý 2/2023 là 3,23 tỷ đồng; lãi vay phát sinh trên số dư Quỹ BOG âm trong quý 2/2023 là 2,09 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, việc trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được thực hiện đồng thời với kỳ điều hành giá cơ sở. Đây là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm