Nhắm tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% và kỳ vọng nhu cầu vốn phục hồi, các ngân hàng đã bắt đầu hé lộ kế hoạch kinh doanh dự kiến trình cổ đông tại kỳ họp thường niên 2025.
Phần lớn lãnh đạo các ngân hàng tỏ ra lạc quan khi nhận định rằng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang cải thiện, đầu tư công được đẩy mạnh sẽ tạo động lực tích cực cho tín dụng. Trên cơ sở đó, nhiều ngân hàng mạnh dạn đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao hơn trong năm nay.
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư ngày 18/2, lãnh đạo VPBank đã chia sẻ, với bối cảnh vĩ mô hiện nay, năm 2025, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 20-25%. Trong đó, bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vẫn là 2 phân khúc chiến lược, VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng 30-40%.
Thực tế, khi VPBank nhận chuyển giao bắt buộc GPBank trong tháng 1/2025, theo chủ trương sẽ có dư địa lớn cho tăng trưởng tín dụng, vấn đề là tăng trưởng thế nào cho bền vững. Bên cạnh đó, với FE Credit, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, quá trình tái cấu trúc tại đây đã diễn ra hơn 1,5 năm và đạt được một số kết quả tích cực trong 2024.
Dư nợ tăng trưởng tín dụng FE Credit cuối năm 2024 đạt hơn 62.000 tỷ đồng, tăng 10%; doanh số giải ngân mới trong năm 2024 tăng 40% so với năm 2023. Năm 2024, FE Credit ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 500 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của FE Credit đã đóng góp tích cực cho hệ sinh thái VPBank, giúp lợi nhuận hợp nhất của Ngân hàng vượt 20.000 tỷ đồng, cao hơn 85% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng hàng đầu trong ngành ngân hàng.
Với kỳ vọng sức cầu tín dụng tiêu dùng cải thiện, VPBank dự kiến từ năm 2025, lợi nhuận của FE Credit sẽ quay lại mức 3.000 - 4.000 tỷ đồng trước thuế. Năm 2025, ngân hàng sẽ tạo ra cơ hội cho FE Credit quay trở về bứt tốc với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 15%.
Cùng ngày, ngân hàng HDBank cũng tổ chức buổi gặp gỡ nhà đầu tư. HDBank cho biết, sau khi tham gia tái cấu trúc DongABank (đổi tên thành Vikki Bank), HDBank đã được Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao, cố gắng tăng trưởng tín dụng năm 2025 cao hơn năm 2024, quản trị tỷ lệ nợ xấu, kiểm soát mức dưới 2%.
Định hướng cho năm 2025, HDBank đẩy mạnh phân khúc SME và cá nhân tại đô thị loại 2 và nông thôn: khu vực tiềm năng lớn và rủi ro thấp. Vì thế, lợi nhuận trước thuế năm 2025 của HDBank được kỳ vọng đạt trên 20.000 tỷ đồng, tương đương tăng 25% so với kết quả 2024. Tỷ lệ ROE dự kiến đạt 25% và ROA đạt 2%.
HDBank nhận định, tăng trưởng tín dụng tiếp tục mạnh mẽ trong năm 2025 (mức tăng trưởng 24,4% vào năm 2024 không bao gồm tác động từ tái phân loại UPAS LC thành số dư cho vay vào cuối năm 2024).
Các động lực chính xuất phát từ các doanh nghiệp xuất khẩu tài trợ chuỗi cung ứng và thị trường bất động sản tiếp tục phục hồi. Nhu cầu tín dụng bán lẻ phục hồi tốt trong quý 4/2024 và tháng 1/2025, dự kiến sẽ tiếp tục cải thiện trong năm 2025.
Mới đây, Hội đồng quản trị ngân hàng Eximbank cũng vừa thông qua đề xuất kế hoạch kinh doanh năm 2025 để trình Đại hội đồng cổ đông thường niên tới đây. Theo đó, Eximbank đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, tổng tài sản đạt 265.500 tỷ đồng, tăng 10,8%; huy động vốn đạt 206.000 tỷ đồng, tăng 15,5%; dư nợ tín dụng đạt 195.500 tỷ đồng, tăng 16,2%. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng giảm 0,54% xuống còn 1,99%. Eximbank kỳ vọng lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm nay đạt 5.580 tỷ đồng, tăng 33,2% so với thực hiện năm 2024.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 Eximbank dự kiến được tổ chức vào ngày 29/4, tại Hà Nội. Ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền là 10/3. Eximbank cũng công bố ngày 20/2 là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền đề cử nhân sự dự kiến bầu làm thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban Kiểm soát Eximbank nhiệm kỳ VIII (2025-2030).
Tại BIDV, ngân hàng đặt mục tiêu dư nợ tín dụng theo giới hạn Ngân hàng Nhà nước giao, dự kiến tăng 14%. Huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, đảm bảo thanh khoản, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,4%; lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng phấn đấu tăng 6 - 10%.
Đối với MB, ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm 2025 tăng trưởng 22% từ 1.080 tỷ đồng lên 1.318 tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng trưởng 26%, dự kiến đạt trên 1 triệu tỷ đồng; huy động vốn dự kiến tăng trưởng 25%.
Lợi nhuận trước thuế với mục tiêu tương đối an toàn với mức độ tăng trưởng 8-10%, tỷ lệ nợ xấu tối đa 1,7%, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100%. Mục tiêu lợi nhuận 2025 vượt 20.000 tỷ đồng, tiếp tục chia cổ tức
Vietcombank cũng cho biết, kế hoạch kinh doanh năm 2025 của ngân hàng với tổng tài sản tăng tối thiểu 10%, lợi nhuận trước thuế tăng 5% so với năm trước. Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng mục tiêu đạt 16,28%, huy động vốn trên thị trường 1 điều tiết phù hợp với tăng tín dụng, nợ xấu duy trì dưới ngưỡng 1,5%.
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng có thể đạt 15-16%, các chuyên gia phân tích của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, nhìn chung lợi nhuận của các nhà băng năm nay sẽ tiếp tục đi lên, trong đó nhóm quốc doanh có thể tăng 12%, còn các ngân hàng tư nhân năng động có thể đến 20%. Công ty dự báo tốc độ tăng trưởng tín dụng duy trì mức 14-15% trong năm 2025.
Động lực tăng trưởng tín dụng đến từ mặt bằng lãi suất thấp tạo lực đẩy cho nhu cầu vay vốn, tín dụng bán lẻ tăng tốc trong khi vay mua nhà cũng có dấu hiệu phục hồi khả quan, tín dụng bán buôn ổn định nhờ hoạt động sản xuất, xuất khẩu tích cực, thúc đẩy giải ngân đầu tư công và thị trường bất động sản phục hồi.
Dragon Capital mới đây có báo cáo nhận định triển vọng thị trường chứng khoán trong đó dự báo về lĩnh vực ngân hàng, các chuyên gia cho rằng niềm tin trong ngành đang có dấu hiệu phục hồi khi các tổ chức tín dụng bước vào năm 2025 với kỳ vọng tăng trưởng tích cực. Giải ngân tín dụng, vốn bị thắt chặt trong nhiều năm, đang dần được nới lỏng. Tín dụng bán buôn tăng tốc, chất lượng tài sản duy trì ổn định, giúp các ngân hàng chủ động hơn trong triển khai vốn.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý 1/2025, các tổ chức tín dụng đánh giá nhu cầu vay vốn tiếp tục cải thiện và dự báo tăng trưởng tín dụng 3,4% trong quý đầu năm. Trong bối cảnh tình hình kinh doanh cải thiện, có tới 85,1% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương năm nay.