
Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành lên 16% trong năm 2025, do đó các ngân hàng thương mại đã đẩy mạnh tung ra các gói vay ưu đãi từ đầu năm, nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và góp phần hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng GDP 8% mà Chính phủ đề ra.
XUẤT HIỆN MỨC LÃI SUẤT CHO VAY THẤP HƠN HUY ĐỘNG
Thời gian qua, rất nhiều ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh các chương trình vay trả nợ trước hạn với lãi suất hấp dẫn, dao động từ 5-8%/năm, tùy theo kỳ hạn và điều kiện khách hàng.
Điển hình như ngân hàng Agribank cho biết từ nay tới hết ngày 31/12/2025, doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng này trả nợ trước hạn tổ chức tín dụng khác khi đáp ứng điều kiện được hưởng chính sách lãi suất hấp dẫn.
Theo đó, lãi suất đối với khoản vay ngắn hạn từ 2,4%/năm. Lãi suất đối với khoản vay trung dài hạn từ 6%/năm, thời gian hưởng lãi suất ưu đãi cố định đến 24 tháng.
Mức cho vay tối đa bằng dư nợ gốc tại ngân hàng khác. Khoản vay trung dài, hạn chưa giải ngân hết sẽ được tiếp tục giải ngân phần còn lại theo mức tổ chức tín dụng khác đã cấp cho khách hàng. Khi vay vốn ngắn hạn, khách hàng còn được hưởng chính sách ưu đãi về tài sản bảo đảm cho khoản vay theo từng thời kỳ của Agribank.
Ngoài ra, doanh nghiệp vay vốn còn được hưởng thêm các ưu đãi về lãi suất tiền gửi không kỳ hạn bằng VND, ưu đãi về tỷ giá mua bán ngoại tệ và miễn giảm phí tới 100% phí thanh toán quốc tế. Đối với doanh nghiệp mở mới khoản thanh toán cũng hưởng nhiều ưu đãi khác.
Theo khảo sát, mức lãi suất vay ngắn hạn 2,24%/năm đang tương đương với lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 3-11 tháng tại Agribank (từ 2,5% đến 3,5%/năm).
Trước đó, Vietcombank triển khai chương trình cho vay lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất, kinh doanh ngắn hạn với mức sàn lãi suất cho vay chỉ từ 4,6%/năm.
Trong khi đó, ngân hàng ACB của Chủ tịch Trần Hùng Huy mới đây đã báo cáo triển khai gói vay mua nhà cho người trẻ. Trong đó, thời gian vay tối đa lên đến 30 năm, thời gian cố định lãi suất lên đến 5 năm, thủ tục đơn giản. Đặc biệt, lãi suất ưu đãi của gói vay này chỉ từ 5,5%/năm.
Phương thức trả nợ cũng được ACB áp dụng linh hoạt, chỉ yêu cầu thanh toán từ 2% số vốn gốc mỗi năm. Người vay còn được ân hạn nợ gốc tối đa 12 tháng kể từ khi giải ngân, miễn phí định giá tài sản bảo đảm và được ưu đãi phí trả nợ trước hạn khi trả định kỳ hàng tháng.
Khảo sát cũng cho thấy, lãi suất cho vay ưu đãi nhóm ngân hàng quốc doanh trong tháng 2 là từ 1,2 - 5,5%/năm. Còn lãi suất thả nổi rơi vào tầm 6,5 - 7,7%/năm trong vòng 2-3 năm. Mức lãi suất này thấp hơn năm 2024 khoảng 0,2 - 0,5 điểm phần trăm.
Với nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, lãi suất ưu đãi năm đầu từ 5 - 6,5%/năm. Lãi suất cho vay thả nổi từ 10,8 - 20%/năm. Mức lãi suất này cũng thấp hơn từ 0,1 - 0,2 điểm phần trăm so với năm 2024.
Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia từ Chứng khoán VNDirect dự đoán, nhu cầu tín dụng năm nay sẽ chủ yếu đến từ các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại, sản xuất và xây dựng. Vì vậy, các ngân hàng có thế mạnh trong các lĩnh vực này dự kiến sẽ đạt tăng trưởng tín dụng và kết quả tài chính ấn tượng.
Ngoài ra, đầu tư công sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong năm nay. Các ngân hàng cho vay nhóm khách hàng là doanh nghiệp nhà nước, công ty xây dựng và đầu tư công sẽ có mức tăng trưởng tín dụng vượt trội vào năm tới.
Trong điều hành hạn mức tín dụng , lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết chỉ tiêu định hướng là 16%, nhưng cũng có thể cao hơn nếu vẫn kiểm soát được lạm phát. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho các ngân hàng thương mại. Nếu ngân hàng thương mại cho vay tích cực, đúng đối tượng và phát huy được hiệu quả nguồn vốn cũng như bảo đảm được an toàn, lành mạnh thì càng được chủ động triển khai.
NHIỀU NGÂN HÀNG TĂNG LÃI SUẤT HUY ĐỘNG
Trái ngược với lãi suất cho vay, rất nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động, tạo nên nhịp sóng tăng mới đầu năm 2025 trên thị trường ngân hàng.
Ở khối ngân hàng tư nhân, Viet A Bank điều chỉnh đồng loạt tăng lãi suất huy động các kỳ hạn từ 12 đến 36 tháng thêm 0,1 điểm phần trăm cho các khoản tiền gửi tiết kiệm truyền thống lĩnh lãi cuối kỳ.
Sau khi điều chỉnh, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 và 13 tháng tại ngân hàng này là 5,5%/năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 15 tháng là 5,6%/năm, kỳ hạn 18 tháng là 5,7%/năm, kỳ hạn 24 và 36 tháng là 5,8%/năm.
Ở các khoản tiền gửi online, Viet A Bank trả mức lãi suất cao nhất là 6,1%/năm cho kỳ hạn 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ. Mức lãi suất 6%/năm được áp dụng cho kỳ hạn tiền gửi 18 và 24 tháng.
Techcombank cũng vừa điều chỉnh tăng 0,2 điểm phần trăm lãi suất huy động ở các kỳ hạn tiền gửi 1-11 tháng. Sau điều chỉnh, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng là 3,35%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng là 3,65%/năm, kỳ hạn 6-11 tháng là 4,65%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi online dưới 1 tỷ đồng.
Lãi suất huy động kỳ hạn dài trên 36 tháng đang được các ngân hàng nhỏ điều chỉnh vượt mốc 6%/năm, như Eximbank là 6,6%/năm, GPBank là 6,35%/năm.
Trên thị trường tiền gửi ngân hàng cũng đang tồn tại mức lãi suất cao đột biến lên đến 9%/năm nhưng chỉ áp dụng với khách hàng vip. Tại PVcomBank áp dụng mức lãi suất 9%/năm cho kỳ hạn 12 - 13 tháng, với số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng.
Tiếp theo là HDBank áp dụng lãi suất 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, với điều kiện duy trì số dư tối thiểu 500 tỷ đồng.
MSB niêm yết lãi suất 8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Điều kiện để hưởng mức lãi suất này là khoản tiền gửi tối thiểu 500 tỷ đồng từ các sổ tiết kiệm mở mới hoặc tự động gia hạn từ ngày 1/1/2018.
Dong A Bank áp dụng lãi suất 7,5%/năm cho tiền gửi kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, với số tiền tối thiểu 200 tỷ đồng.
Ở nhóm ngân hàng quốc doanh, BIDV vừa điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Ở kỳ hạn tiền gửi 36 tháng, ngân hàng này điều chỉnh tăng lãi suất thêm 0,1 điểm phần trăm, hiện ở mức 4,8%/năm. Mặc dù chỉ tăng nhẹ nhưng đây là tín hiệu cho thấy các ngân hàng lớn đã bắt đầu tăng lãi suất huy động.
Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, lãi suất huy động có thể sẽ tăng nhẹ trong khoảng 0,3 - 1 điểm phần trăm tùy thuộc vào từng nhóm ngân hàng.
Đối với nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi suất huy động có thể tăng 0,3 - 0,5 điểm phần trăm, tuy nhiên vẫn sẽ thấp hơn so với các ngân hàng tư nhân nhờ vào sự hỗ trợ từ tiền gửi Kho bạc Nhà nước.
Trong khi đó, đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất huy động có thể tăng 0,5 - 1 điểm phần trăm, với các ngân hàng có quy mô nhỏ chịu áp lực tăng mạnh hơn do không có lợi thế về tiền gửi không kỳ hạn (CASA).