Đến cuối tháng 6/2023, dư nợ nền kinh tế đạt 12,423 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so 2022. Dư nợ đối với doanh nghiệp khoảng 6,3 triệu tỷ đồng (tăng 4,66% so 2022, chiếm 51% dư nợ nền kinh tế). Dư nợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 4% so với cuối 2022, chiếm khoảng 18,5% dư nợ nền kinh tế.
Số liệu trên dần cho thấy bức tranh toàn cảnh về sự đồng của ngành ngân hàng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh hiện nay. Song, dường như điều này vẫn là chưa đủ.
Tạo điều kiện để tăng khả năng tiếp cận vốn
Chia sẻ tại buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm đối với việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nói chung.
Từ khi Đại dịch Covid-19 xảy ra, hệ thống ngân hàng dành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Đơn cử chính sách giảm lãi, miễn lãi, giảm phí chia sẻ với doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua tổng cộng 60 nghìn tỷ đồng.
"Đây là số tiền rất lớn từ nguồn lực của các ngân hàng cho thấy hệ thống ngân hàng đồng hành cùng các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp về lãi suất, tín dụng, cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ được triển khai", Thống đốc nhấn mạnh.
Mặc dù đã hỗ trợ như vậy, nhưng các doanh nghiệp vẫn rất chật vật hoạt động. Tại buổi chia sẻ, nhiều ông chủ doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị rằng cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ phía ngành ngân hàng, đặc biệt vấn đề về lãi suất và tiếp cận tính dụng.
Đáp lời, Thống đốc cho hay, đối với vấn đề lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, đưa lãi suất điều hành về mức trước dịch Covid-19 xảy ra. Các tổ chức tín dụng cũng đang tích cực giảm lãi suất, mặt bằng lãi suất bình quân giảm khoảng 1% so với cuối năm 2022, do chính sách có độ trễ nên có thể các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
"Để hạ lãi suất là một cố gắng của Ngân hàng Nhà nước. Bởi khi hạ lãi suất thì phải chèo lái và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách để có thể làm sao ổn định không những thị trường tiền tệ mà còn thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng", Thống đốc chia sẻ.
Đối với vấn đề tiếp cận tín dụng, hiện nay Luật Tổ chức tín dụng quy định các ngân hàng yêu cầu khách hàng vay vốn phải cung cấp tài liệu chứng minh phương án dự án khả thi, khả năng tài chính để đảm bảo khả năng trả nợ, mục đích sử dụng vốn đúng mục đích.
Những vấn đề này hoàn toàn do tổ chức tín dụng tự quy định trong quy trình nội bộ. Tài liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn khác nhau tùy theo mục đích vay, chẳng hạn vay để đầu tư kinh doanh bất động sản, vay để thực hiện dự án xuất khẩu, vay để sản xuất nông nghiệp… tài liệu chứng minh sẽ khác. Ngân hàng Nhà nước thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn phải đảm bảo theo quy định của pháp luật.
"Mặc dù không thay đổi quy định cho vay nhưng thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn qua việc ban hành Thông tư 02 cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng", Thống đốc nhấn mạnh.
Vẫn phải tiếp tục hạ lãi suất, nới điều kiện
Lắng nghe những trao đổi giữa ngân hàng và các doanh nghiệp tại cuộc làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm hai bên cần lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn, tôn trọng, có trách nhiệm với nhau, cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên cơ sở quy định của pháp luật và phù hợp hoàn cảnh, tình hình.
"Phải đặt mình vào địa vị của người khác; ngân hàng phải đặt mình vào vị trí các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đặt mình vào vị trí của các ngân hàng". Thủ tướng phát biểu và cho biết thêm: "Vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo lập các cơ quan, các địa phương phải vào cuộc cùng ngân hàng và doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với từng lĩnh vực, thậm chí là từng dự án".
Trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát và giảm dần, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, với định hướng chính sách ưu tiên hơn cho mục tiêu tăng trưởng, tập trung thúc đẩy 3 động lưc tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng tiếp tục quyết liệt triển khai các nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, đặc biệt là triển khai chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn thông qua tăng cung tiền, bảo đảm nhu cầu tín dụng, tăng trưởng tín dụng phù hợp, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh điều kiện cho vay thuận lợi hơn, tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay; đồng thời, theo dõi việc triển khai Thông tư 02 về cơ cấu lại nợ và Thông tư 03 về mua lại trái phiếu doanh nghiệp để điều chỉnh kịp thời nếu cần thiết.
Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, triển khai các gói tín dụng để kích cầu tiêu dùng. Đồng thời, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát các quy định để giao các dự án đầu tư hạ tầng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ theo quy định của pháp luật.
"Đây là lúc cần chung tay, đoàn kết, thống nhất để tháo gỡ khó khăn. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải chia sẻ, nắm bắt khó khăn, thường xuyên lắng nghe, đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời đưa ra chính sách tháo gỡ. Doanh nghiệp cũng phải đoàn kết, nỗ lực, cố gắng hơn nữa, tiết kiệm chi phí, đổi mới quản trị doanh nghiệp, mở rộng thị trường, đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng đến sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn, đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế, thường xuyên đổi mới, có các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng", Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh.