Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành 6 quyết định liên tiếp theo hướng giảm lãi suất điều hành, chỉ chưa đầy một ngày sau động thái giảm lãi suất mạnh tay của FED.
Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa quyết định điều chỉnh các mức lãi suất điều hành, có hiệu lực từ ngày 17/3/2020.

Cụ thể, theo Quyết định số 418/QĐ-NHNN ngày 16/3/2020, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng sẽ giảm.

Theo đó, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,0%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm.

Cùng với đó, lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở giảm từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm.

Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Quyết định số 419/QĐ-NHNN ngày 16/3/2020 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD).

Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,0%/năm xuống 4,75%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,5%/năm xuống 5,25%/năm.

Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Một quyết định khác được NHNN ban hành cùng ngày là Quyết định số 420/QĐ-NHNN về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,0%/năm xuống 6,5%/năm.

Quyết định thứ 4 liên tiếp được ban hành là Quyết định số 421/QĐ-NHNN về mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của TCTD tại NHNN.

Theo đó, lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 1,0%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND là 0%/năm; lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0,05%/năm.

Ngoài ra, NHNN cũng ban hành 2 quyết định khác là Quyết định số 422/QĐ-NHNN và Quyết định số 423/QĐ-NHNN.

Theo đó, lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô là 1,0%/năm.

Lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của Kho bạc Nhà nước là 1,0%/năm, lãi suất đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước là 0,05%/năm, lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là 1,0%/năm.

Phía NHNN cho biết thêm hiện nay, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Để ngăn chặn nguy cơ suy thoái, nhiều Chính phủ đã triển khai các chính sách kích thích kinh tế, ngân hàng trung ương giảm lãi suất điều hành.

Trong đó, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) đã liên tiếp giảm mạnh lãi suất điều hành, về 0 - 0,25%/năm và hỗ trợ mạnh mẽ thanh khoản cho thị trường tài chính.

Xem thêm

NHNN cho hệ thống tín dụng tái cơ cấu nợ

NHNN cho hệ thống tín dụng tái cơ cấu nợ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động, tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
NHNN phê duyệt Đề án cơ cấu lại NH TMCP Sài Gòn

NHNN phê duyệt Đề án cơ cấu lại NH TMCP Sài Gòn

Ngày 13/03/2020, Ngân hàng Nhà nước đã công bố phê duyệt Đề án cơ cấu lại NH TMCP Sài Gòn (SCB) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây được xem là tin vui đối với SCB ngay trong Quý I năm 2020.

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...