Ngân hàng Nhà nước cho biết một trong những giải pháp để kiểm soát, xử lý nợ xấu trong thời gian tới là tăng cường tính minh bạch, công khai trong hoạt động của tổ chức tín dụng ( TCTD), đặc biệt là hoạt động cấp tín dụng, ngăn chặn, xử lý vấn đề lợi ích nhóm, cổ đông/nhóm cổ đông lớn chi phối hoạt động của các TCTD.
Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm là báo cáo đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa uỷ quyền Thủ tướng ký gửi Quốc hội.
Kèm theo báo cáo này là một số nội dung giải trình theo kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có giải pháp của ngành ngân hàng để kiểm soát, xử lý nợ xấu trong thời gian tới.
Liên quan đến việc ngăn chặn, xử lý vấn đề lợi ích nhóm, cổ đông/nhóm cổ đông lớn chi phối hoạt động của các TCTD, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, trên thực tế việc xử lý vấn đề sở hữu vượt mức quy định và sở hữu chéo vẫn rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che dấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật về sở hữu chéo/sở hữu vượt mức quy định.
Điều này dẫn tới việc TCTD có thể bị thao túng, chi phối bởi các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của TCTD thiếu công khai, minh bạch; đồng thời, việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.
Về những giải pháp khác, Ngân hàng nhà nước cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo, giám sát các TCTD triển khai nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu.
Một số giải pháp đáng chú ý khác như nâng cao chất lượng tín dụng; đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu; phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đúng quy định, nâng cao chất lượng tín dụng; trích lập dự phòng rủi ro khi bán nợ cho VAMC. Triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh, nâng cao chất lượng tín dụng, đặc biệt tại các chi nhánh của TCTD.
Giải pháp tiếp theo liên quan đến lãi dự thu cũng là vấn đề được Chủ tịch Quốc hội rất quan tâm khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kéo dài thực hiện nghị quyết 42.
Ở giải pháp này, Ngân hàng Nhà nước xác định thực hiện dự thu lãi phù hợp với thực trạng các khoản nợ đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật để phản ánh đúng kết quả hoạt động kinh doanh. Đồng thời, thường xuyên rà soát tình hình thực tế của các khoản nợ đang dự thu lãi, đặc biệt, các khoản có lãi dự thu lớn để kịp thời thực hiện thoái lãi dự thu đối với các trường hợp khó có khả năng thu hồi. Thực hiện thoái các khoản lãi dự thu theo quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của NHNN.
Giải pháp nữa là tiếp tục phối hợp chặt chẽ với VAMC để thống nhất áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ đã bán cho VAMC. Tích cực phối hợp với VAMC để tìm kiếm các đối tác mua nợ đối với các khoản nợ đã bán cho VAMC và được VAMC ủy quyền bán nợ, đồng thời tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ trích lập dự phòng đối với nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt nhằm thực hiện tất toán trái phiếu trước hạn hoặc đúng thời hạn theo quy định.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cũng "hứa" sẽ chỉ đạo tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông...
Riêng đối với các dự án BOT, BT giao thông, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ kiểm soát chặt chẽ mức độ tập trung tín dụng.
Kiểm soát tốt chất lượng tín dụng tiêu dùng,nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn đề hạn chế rủi ro phát sinh; giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, cũng là giải pháp được ngàng ngân hàng báo cáo Quốc hội.
Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng xác định tăng cường công tác phối hợp, trao đổi cho các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an thông tin về tình hình nợ xấu và xử lý nợ xấu cũng như các dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu để lực lượng công an có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu hậu quả, thiệt hại xảy ra.
Tại báo cáo này, Thống đốc cũng không quên nêu giải pháp sớm nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu cùng với việc rà soát, hoàn thiện Luật Các TCTD và các luật có liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, trình Quốc hội, một vấn đề đáng lẽ phải được làm sớm hơn nữa.