Ngân hàng Nhà nước thay đổi gì về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức?

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Nghị định 102/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào ngày 12/12/2022. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023, thay thế Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17/2/2017.
Ngân hàng Nhà nước thay đổi gì về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức?

Theo Nghị định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, Ngân hàng Trung ương của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối (tiền tệ và ngân hàng); thực hiện chức năng của Ngân hàng Trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể.

Trong đó, trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Ngân hàng Nhà nước đã được phê duyệt và các nghị quyết, dự án, đề án theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hàng năm và dài hạn; chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hành động và các dự án, công trình quan trọng quốc gia thuộc lĩnh vực Ngân hàng Nhà nước quản lý.

Xây dựng chỉ tiêu lạm phát hàng năm để trình Chính phủ; sử dụng các công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, bao gồm: Tái cấp vốn, lãi suất, tỷ giá hối đoái, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở, phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và các công cụ, biện pháp khác để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

Quyết định áp dụng biện pháp xử lý đặc biệt đối với tổ chức tín dụng vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, gặp khó khăn về tài chính, có nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống ngân hàng, gồm: mua cổ phần của tổ chức tín dụng; đình chỉ, tạm đình chỉ, miễn nhiệm chức vụ người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng; quyết định sáp nhập, hợp nhất, giải thể tổ chức tín dụng; đặt tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật về phá sản đối với tổ chức tín dụng.

Kiểm tra, thanh tra, giám sát ngân hàng; kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động ngoại hối, hoạt động kinh doanh vàng, hoạt động phòng, chống rửa tiền; kiểm soát tín dụng; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng, ngoại hối và phòng, chống rửa tiền theo quy định của pháp luật.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đại diện cho Nhà nước, Chính phủ Việt Nam tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư Quốc tế (IIB), Ngân hàng Hợp tác Kinh tế Quốc tế (IBEC), Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) và các tổ chức tiền tệ, ngân hàng quốc tế khác. Thực hiện quyền và nghĩa vụ của Việt Nam tại các tổ chức tiền tệ và ngân hàng quốc tế khác…

Về cơ cấu tổ chức, Nghị định quy định Ngân hàng Nhà nước gồm 25 đơn vị: Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Quản lý ngoại hối, Vụ Thanh toán, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Dự báo, thống kê, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính, Vụ Kiểm toán nội bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Tài chính - Kế toán, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Truyền thông, Văn phòng

Cục Công nghệ thông tin, Cục Phát hành và kho quỹ, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, Cục Quản trị, Sở Giao dịch, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Các chi nhánh tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Viện Chiến lược ngân hàng, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam, Thời báo Ngân hàng, Tạp chí Ngân hàng, Học viện Ngân hàng.

Đáng chú ý, theo Nghị định, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm một đơn vị mới là Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước và giảm 1 đầu mối so với quy định hiện hành (không tổ chức Vụ Thi đua - Khen thưởng và Trường bồi dưỡng ngân hàng).

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023, thay thế Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17/2/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...