Chìa khoá giúp doanh nghiệp mở cánh cửa phát triển bền vững

Thực hiện tiêu chuẩn ESG giúp các doanh nghiệp nâng cao khả năng các tiếp cận và thu hút đa dạng nguồn lực mang tính bền vững cao...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
1-net-zero-la-gi-1339.jpg
ESG chìa khoá mở cửa cho doanh nghiệp gia nhập con đường bền vững

ESG là viết tắt của Environmental (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị) là bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững cũng như tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng. Dữ liệu về ESG sẽ giúp các doanh nghiệp, tổ chức tăng tính minh bạch, nắm bắt các rủi ro phi tài chính và cơ hội đối với hoạt động kinh doanh.

Hiện nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã có những động thái tích cực như công bố báo cáo ESG, cam kết thực hành ESG, do xu thế toàn cầu đang chuyển hướng sang phát triển bền vững.

MỤC TIÊU CHUNG CỦA NHIỀU DOANH NGHIỆP

Theo báo cáo triển vọng kinh doanh 2023 của Ngân hàng UOB cho thấy xu hướng ESG được hưởng ứng ngày càng mạnh mẽ bởi các doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, 94% doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận thức rõ mức độ quan trọng của phát triển bền vững và 51% đã chính thức thực hành ESG.

Còn theo báo cáo của PwC về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022 - 2023, 80% doanh nghiệp đã cam kết hoặc có kế hoạch cam kết ESG trong 2 - 4 năm tới.

Đối với các loại hình doanh nghiệp, mức độ sẵn sàng thực hành ESG có sự khác biệt giữa các nhóm. 57% các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã xây dựng các cam kết rõ ràng về ESG, cao nhất trong ba loại hình doanh nghiệp. Kết quả cao là bởi phần lớn các nhà đầu tư FDI sẽ có thể phải tuân thủ chính sách của công ty mẹ ở nước ngoài, nơi có xu hướng phát triển ESG nhanh hơn Việt Nam.

Trong khi đó, các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam tiếp cận ESG theo hướng thận trọng hơn là quan sát và chờ đợi, khi 58% cho biết họ có kế hoạch cam kết ESG trong tương lai gần. Mặt khác, có 40% doanh nghiệp tư nhân/gia đình được khảo sát cho biết họ đã đặt ra các cam kết ESG.

Việc doanh nghiệp thực hiện ESG ngày càng được cải thiện là một tín hiệu tốt cho sự phát triển kinh tế bền vững. Phát biểu tại hội thảo “Chuyển đổi xanh và phát triển bền vững – Giảm phát thải khí nhà kính hướng đến mục tiêu Net-Zero vào năm 2050”, ông Phạm Hoài Trung, Trưởng ban vận động Net To Zero 2025 Ứng phó biến đổi khí hậu, Azitch cho biết, ESG mang lại những sáng kiến thực hành nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao khả năng các tiếp cận và thu hút đa dạng nguồn lực mang tính bền vững cao, nhằm đáp ứng mọi nhu cầu và mục tiêu phát triển của công ty.

img-8477-8318.jpg
Khung cảnh hội thảo “Chuyển đổi xanh và phát triển bền vững – Giảm phát thải khí nhà kính hướng đến mục tiêu Net-Zero vào năm 2050”

Cụ thể, nâng cao khả năng tiếp cận với nhà đầu tư, nhà cung cấp tín dụng ưu đãi. Đồng thời, doanh nghiệp cũng tiếp cận, phát triển và thu hút khách hàng, người mua mới và các chuỗi cung ứng mới.

Không dừng lại ở đó, ESG cũng là điều kiện để các doanh nghiệp hướng đến phát triển bền vững. Thực hành ESG doanh nghiệp sẽ cải thiện năng lực cạnh tranh, tạo ra những khoản tiết kiệm mới đến từ ý thức tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên của công ty như năng lượng, vật tư, trang thiết bị máy móc.

Từ đó, doanh nghiệp cũng sớm nhận diện phòng tránh và quản lý hiệu quả các rủi ro về khách hàng, khủng hoảng truyền thông, rò rỉ thông tin kinh doanh nội bộ…

Theo ông Trung, thực hành ESG mang lại cho doanh nghiệp những phát kiến nhằm tích hợp các xu hướng phát triển bền vững khác trong quá trình quản lý, vận hành.

Ví dụ, doanh nghiệp xây dựng phát triển các đơn vị kinh doanh chiến lược (SBU) một cách linh hoạt và hiệu quả; đạt độ chuẩn xác cao trong việc thu hoạch các kết quả nghiên cứu dự kiến; nhanh chóng hội nhập theo xu hướng và tiêu chí phát triển bền vững.

CON ĐƯỜNG KHÔNG HỀ BẰNG PHẲNG

Dù đã có nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên để đạt đủ yếu tố ESG thì doanh nghiệp Việt cũng gặp nhiều khó khăn. Chia sẻ tại hội thảo “Tìm động lực tăng trưởng từ ESG” vừa diễn ra không lâu, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng phụ trách, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các doanh nghiệp đã có nhận thức 80-90% về ESG, nhưng việc cần phải làm gì để thực hành ESG vẫn là một thách thức.

Thực tế, Việt Nam đã có chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh, nhưng còn nhiều điều cần phải làm để cụ thể hoá mục tiêu đề ra là đạt được Net Zero vào năm 2050.

Theo bà Thuỷ, doanh nghiệp dù nhận thức được sự cần thiết của ESG nhưng làm thế nào và làm từ đâu, họ có lợi ích gì hơn không, thì họ chưa rõ. Cả trong 3 yếu tố ESG, trong đó G (Governance) là vấn đề khó khăn, khiến doanh nghiệp mệt mỏi nhất.

“Khi đến doanh nghiệp, chúng tôi rất muốn cải thiện quản trị doanh nghiệp song doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là hộ gia đình, quy mô siêu nhỏ, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, để đạt yếu tố G chuyên nghiệp thì quá khó, mà đạt được G thì mới dễ thực hiện các yếu tố E và S được”, bà Thủy phân tích.

Để hỗ trợ doanh nghiệp một phần trong quá trình phát triển bền vững, bà Thuỷ chia sẻ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với doanh nghiệp phát triển xanh, theo bà Thủy, Bộ đang trình Thủ tướng Chính phủ hệ thống phân ngành kinh tế xanh từ hệ thống các ngành kinh tế hiện nay. Bộ cũng đang xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp phát triển xanh.

ae39a6a0-2b75-4c13-a772-82d0e7c06b80-scaled-9967.jpg
Trong ESG, yếu tố G là trở ngại lớn nhất của doanh nghiệp

Hơn nữa, Bộ cũng nỗ lực hợp tác với các nhà tài trợ quốc tế để giúp đỡ các doanh nghiệp trong phát triển xanh. Trong 2 năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai tăng cường nhận thức cho khoảng 10.000 doanh nghiệp, sàng lọc 300 doanh nghiệp để có hỗ trợ nâng cao năng lực, kiểm kê khí nhà kính, xây dựng lộ trình chuyển đổi mô hình kinh doanh thông thường sang kinh doanh bền vững.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang kết hợp với UNDP (Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc) hỗ trợ doanh nghiệp trách nhiệm xã hội và các doanh nghiệp tư nhân có thực hành ESG tốt. Đặc biệt, Bộ cũng thường xuyên cử tư vấn xuống đào tạo, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sang phát triển xanh.

Có thể bạn quan tâm