Cụ thể, tính chung cả năm 2022, thu nhập lãi thuần của ngân hàng TPBank tăng 14% so với năm trước, đạt gần 11.387 tỷ đồng. Trong đó, các nguồn thu phí tín dụng cũng tăng trưởng mạnh. Hoạt động dịch vụ tăng trưởng đến 75%, thu được gần 2.692 tỷ đồng tiền lãi nhờ tăng thu từ hoạt động thanh toán (1.829 tỷ đồng) và thu phí dịch vụ khác (884 tỷ đồng).
Đáng chú ý, lãi từ hoạt động khác gấp 2,9 lần năm 2021, đạt hơn 702 tỷ đồng, nhờ thu từ các khoản nợ đã được xử lý xóa, bù đắp bằng nguồn rủi ro hơn 622 tỷ đồng và thu từ hoạt động kinh doanh khác 702 tỷ đồng.
Lợi nhuận tăng nên năm 2022, ngân hàng TPBank trích gần 1.844 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 37%. Dù vậy, ngân hàng này vẫn thu về hơn 7.828 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 30% so với năm trước.
Tuy nhiên, nếu so với kế hoạch 8.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đề ra hồi đầu năm 2022 thì TPBank chỉ mới thực hiện được 95% mục tiêu.
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản ngân hàng TPBank tăng 12% so với đầu năm, lên mức hơn 328.634 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm 33%, còn 11.988 tỷ đồng, cho vay TCTD khác tăng 27% đạt 16.478 tỷ đồng và cho vay khách hàng tăng 14% đạt 160.992 tỷ đồng…
Về phần nguồn vốn, tiền gửi khách hàng của ngân hàng TPBank tăng đến 40% so với đầu năm, ghi nhận 194.959 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chất lượng nợ vay đi lùi khi tổng nợ xấu tính đến 31/12/2022 tăng 17% so với đầu năm, chiếm 1.357 tỷ đồng trong tổng dư nợ. Trong đó, tăng mạnh nhất và chiếm tỷ trọng cao nhất lại là nợ có khả năng mất vốn, đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng nhẹ từ 0,82% đầu năm lên 0,84%.
Được biết, CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji và Công ty Cổ phần FPT là 2 cổ đông lớn của ngân hàng TPBank chiếm lần lượt 5,93% và 5,29%.