
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, ngành dệt may Việt Nam đã và sẽ tiếp tục trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng dệt may thế giới, mang lại ngoại tệ lớn cho đất nước và thu nhập cho khoảng 3 triệu lao động…
NHỮNG TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC TỪ CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI VÀ CÁC LUẬT MỚI
Trước khi đề cập đến những tác động tiêu cực từ ngoại cảnh, chúng ta phải cần phải nhìn nhận năm 2025 tăng trưởng thị trường dệt may có nhiều dấu hiệu tốt hơn và xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể đạt 45,5 – 46,0 tỷ USD, tăng 5 - 6% so với năm 2024. Bởi, nền kinh tế các thị trường nhập khẩu chính như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) phục hồi, nhu cầu chi tiêu của người dân cải thiện, tổng cầu dệt may thế giới ước đạt 850 tỷ USD.
Bên cạnh đó, nếu Mỹ tăng thuế nhập khẩu lên đến 60% đối với hàng Trung Quốc (chiếm thị phần trên 20% tổng hàng dệt may xuất khẩu vào Mỹ năm 2019 và còn 13% vào năm 2023), và từ 10 – 20% đối với một số quốc gia khác (Việt Nam có khả năng cao chịu thuế khoảng 10%) thì Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn, khi tuân thủ tốt quy định về nguồn gốc xuất xứ, truy xuất chuỗi cung ứng… Khi đó, hàng dệt may Việt Nam sẽ có cơ hội vượt lên dẫn đầu thị phần Mỹ, nhất là có thêm lợi thế chi phí lao động hiện vẫn chỉ bằng một nửa của Trung Quốc.
Đặc biệt, năm 2025 Tập đoàn Dệt May (Vinatex) và ngành dệt may Việt Nam nói chung nhận được những động lực thể chế mới trên hành trình đồng hành cùng Kỷ nguyên vươn mình của đất nước và dân tộc. Bên cạnh những động lực chung từ việc tinh gọn bộ máy, giảm thiểu chi phí cơ hội của doanh nghiệp, Vinatex còn nỗ lực tự thân, hướng tới phát triển bền vững trên cả 4 trụ cột môi trường – xã hội – quản trị và tài chính (ESGF), có vị thế vững chắc trong các chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, sở hữu những sức mạnh cạnh tranh riêng thông qua ứng dụng công nghệ mới và sản phẩm đặc biệt, có văn hoá doanh nghiệp kết hợp chọn lọc giữa truyền thống nhân văn của các thế hệ đi trước và khoa học, hiện đại hướng đến người lao động…
Cùng với đó là việc ngoài vị trí địa lý thuận lợi, nền chính trị ổn định, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, điểm mạnh của ngành dệt may Việt Nam là lực lượng lao động trẻ, dồi dào. Chi phí lao động mặc dù không còn lợi thế cạnh tranh, nhưng kỹ năng may của công nhân Việt Nam đẹp và tốt hơn. Chất lượng sản phẩm đồng đều hơn Indonesia, Bangladesh, Ấn Độ. Và Việt Nam hiện đã có không ít những công ty sản xuất nguyên phụ liệu đáp ứng được các yêu cầu của các doanh nghiệp dệt may và cũng là các nhà cung ứng cho các nhãn hàng lớn như Adidas, Nike…; nhiều doanh nghiệp còn tự chủ làm được các loại vải thân thiện với môi trường như Công ty Faslink làm được vải từ bã cà phê, từ tre... Công ty Bảo Lân có vải làm từ sợi dứa.
Tuy nhiên, song hành với những thuận lợi trên năm 2025 doanh nghiệp ngành dệt may cũng tiếp tục đối mặt những thách thức, như giá đơn hàng thấp trong khi chi phí đầu vào tiếp tục tăng, các nhãn hàng có sự thay đổi lớn trong cách mua hàng, thanh toán, giảm sản lượng, những tiêu chí, tiêu chuẩn khắt khe liên quan đến "xanh hóa" trong sản xuất, tự chủ nguồn nguyên liệu và tiêu chuẩn lao động, truy xuất nguồn gốc và phát thải carbon thấp.
Dự báo, trong 2- 4 năm tới, ngành dệt may sẽ phải đối mặt với hàng chục luật mới liên quan đến phát triển bền vững của hầu hết các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ…. Nếu không đáp ứng được yêu cầu của thị trường, doanh nghiệp sẽ bị mất đơn hàng, giảm doanh thu.
Trên thực tế, gần đây một số thương hiệu đã thể hiện quan điểm thận trọng về nhu cầu trong tương lai và sự do dự về việc tăng mức hàng tồn kho. Ngoài ra, căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và phương Tây có thể làm giảm tiêu thụ các sản phẩm dệt may của Trung Quốc tại các thị trường trọng điểm, dẫn đến nhu cầu sợi tại Trung Quốc thấp hơn và ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu sợi của Việt Nam.
Đồng thời, khi hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ bị chững lại do chịu thuế nhập khẩu cao hơn, có thể kéo theo hậu quả Trung Quốc tăng mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác và do đó tăng độ cạnh tranh với hàng dệt may Việt Nam trên các thị trường xuất khẩu khác…
Ngoài ra, năm 2025 và những năm tiếp theo, khi dòng vốn FDI vào Việt Nam ngày càng tăng, các công ty dệt may có thể chịu áp lực từ chi phí lao động tăng (theo Tổ chức Lao động quốc tế, mức lương tháng bình quân của lao động dệt may Việt Nam vào khoảng 300 USD, cao hơn mức trung bình toàn cầu, gấp 2,0 lần mức lương tương ứng tại Ấn Độ và gấp 3,0 lần mức lương tương ứng tại Bangladesh), do người lao động Việt Nam dễ dàng tìm kiếm việc làm ở nước ngoài hơn, làm trầm trọng thêm sự cạnh tranh về tiền lương trong nước, trong khi vẫn còn một số doanh nghiệp trong nước khó tiếp cận các đơn hàng lớn và phải bằng lòng với đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh và yêu cầu khắt khe…

CẦN XÂY DỰNG CÁC KỊCH BẢN TĂNG TRƯỞNG VÀ GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ TÌNH HUỐNG
Trong bối cảnh đó, để ngành dệt may Việt Nam đạt được mục tiêu trong năm 2025 và những năm tiếp theo, theo quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Vinatex xác định cần tiếp tục tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia và hoạt động tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế lớn chuyên ngành dệt may và kết nối các doanh nghiệp với nhiều tổ chức và hiệp hội dệt may quốc tế, tranh thủ chuyên gia, kinh nghiệm, kinh phí để mở các lớp đào tạo về kỹ thuật, thiết kế, xây dựng thương hiệu, cập nhật công nghệ, kỹ năng nghề, phát triển bền vững…
Thực hiện Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày, từ nay đến năm 2030, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng ngành dệt may phải chuyển dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việc bám sát diễn biến trong, ngoài nước, xây dựng các kịch bản tăng trưởng và giải pháp ứng phó tình huống là cần thiết để các doanh nghiệp thêm chủ động và phản ứng kịp thời với những biến động thị trường, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nói.
Ngoài ra, để tạo đà cho sự tăng trưởng bền vững và sớm hoàn thành các mục tiêu đề ra, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong khuyến nghị các doanh nghiệp cần đáp ứng quy tắc xuất xứ và khai thác tốt hơn các thị trường lớn, tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đa dạng hóa thị trường, đối tác, khách hàng, sản phẩm có giá trị gia tăng cao …
Đồng thời, các doanh nghiệp cần nhanh nhạy đón bắt nhu cầu của thị trường, coi trọng phát triển nguồn nguyên liệu tại chỗ và công nghiệp hỗ trợ (hiện Việt Nam chỉ mới sản xuất được 1,0% lượng sợi cotton, phải nhập khẩu khoảng 3,0 tỷ USD nguyên liệu này. Con số tương ứng của sợi tổng hợp là 30% và 2,0 tỷ USD; vải là 20% và 13,0 tỷ USD). Tăng cường đầu tư, công nghệ hóa, robot hóa quy trình sản xuất. Tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất để đạt các chứng chỉ xanh; tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động và hợp tác chung trong ban sản xuất sợi, nhất là công tác thị trường và mua nguyên liệu. Dự báo, tìm kiếm và tổ chức tiếp cận ở cấp tập đoàn đối với các chuỗi cung ứng lớn; coi trọng quy hoạch các khu công nghiệp lớn và tăng gắn kết với các doanh nghiệp trong hệ thống để tăng năng lực cạnh tranh, gắn kết giữa ngành may và các đơn vị dệt nhuộm trên cơ sở ngành may là động lực, là định hướng sản xuất và đầu tư cho cả sợi, dệt đưa hệ thống sợi Vinatex tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu (hiện tỷ lệ xuất khẩu hàng may mặc theo phương thức gia công CMT vẫn chiếm khoảng 65% số doanh nghiệp dệt may. Xuất khẩu theo phương thức OEM/FOB - khách hàng sẽ lên thiết kế mẫu mã và xưởng sản xuất sẽ mua phụ kiện, thực hiện may và chuyển cho khách- khoảng 25% và chỉ có 10% xuất khẩu theo phương thức ODM - nhà sản xuất thiết kế gốc, còn được gọi là ghi nhãn riêng, là một hình thức sản xuất theo hợp đồng. Trong đó, biên lợi nhuận ròng của CMT chỉ được 1,0-3,0%, OEM/FOB đạt 3,0-5,0%, ODM 5,0-7,0%. Chỉ có OBM đạt trên 10,0%), Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong đưa ra lời khuyên.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong bày tỏ quan điểm, những thành tựu, bản lĩnh và kinh nghiệm đã có là cơ sở để tin tưởng và chúc cho Vinatex và ngành dệt may Việt Nam ngày càng nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả và sẽ đạt được mọi mục tiêu đặt ra trên hành trình phát triển và hội nhập của mình.