Ngành du lịch 2019: Làm gì để đạt 18 triệu lượt khách quốc tế?

Ngành du lịch đang đặt ra mục tiêu đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế đến với Việt Nam trong năm 2019.
Ngành du lịch 2019: Làm gì để đạt 18 triệu lượt khách quốc tế?

Để đạt mục tiêu này, ngành du lịch phải cố gắng nhiều hơn nữa bởi trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam mới đạt gần 8,5 triệu lượt so với mục tiêu đặt ra.

Gánh nặng 6 tháng cuối năm

Trong cuộc hợp báo công bố tình hình du lịch 6 tháng đầu năm, Tổng cục Du lịch thuộc Bộ Văn hoá, Thế thao và Du lịch đặt mục tiêu trong 6 tháng cuối năm 2019, du lịch Việt Nam sẽ tập trung triển khai các hoạt động xúc tiến để hoàn thành mục tiêu đón khoảng 17,5 - 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đạt 700.000 tỷ đồng.

Cũng theo số liệu được công bố tại cuộc họp báo, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt gần 8,5 triệu lượt (tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018). Tổng thu từ khách du lịch đạt 338.200 tỷ đồng (tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2018).

So sánh số liệu 6 tháng đầu năm và mục tiêu 6 tháng cuối năm của ngành du lịch, có thể thấy 6 tháng đầu năm tổng số khách quốc tế đến Việt Nam mới đạt khoảng 47,2% - 48,5% so với mục tiêu đặt ra. Trong khi đó, khách du lịch quốc tế đến từ Trung quốc và Hàn quốc vốn được xem là 2 thị trường trọng điểm của Việt Nam lại đang sụt giảm về tốc độ tăng trưởng.

Nhìn vào số liệu, có thể thấy sự sụt giảm này là đáng kể khi khách du lịch Hàn quốc chỉ tăng 21% (tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm 2018 là 60,7%). Thị trường khách Trung quốc tăng 3,3% (cùng kỳ năm 2018 là 36,1%). Sự suy giảm ở hai thị trường này đã ảnh hưởng mạnh tới tốc độ tăng trưởng chung về lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Điều này kéo theo lo ngại, liệu mục tiêu đặt ra cho ngành du lịch năm 2019 có đạt được như kỳ vọng khi vào năm 2018, lượng khách đến từ hai thị trường trên đã đưa lại cho ngành du lịch Việt Nam một nguồn thu khá cao khi lượng khách Trung quốc đến Việt Nam chiếm gần 1/3 tổng số lượt khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, chiếm 4.966.468 lượt, lượng khách Hàn quốc đến Việt Nam chiếm vị trí thứ 2 với 3.485.406 lượt.

"Kích cầu" có đủ?

Trước tình trạng này, Tổng cục Du lịch cho hay đã có nhiều biện pháp để kích cầu hai thị trườngtiềm năng này.

“Trong tháng 6 đã tổ chức các sự kiện quảng bá du lịch Việt Nam tại 2 thị trường này. Đặc thù của du khách Trung quốc là không dùng tiếng Anh. Tổng cục đã đề xuất triển khai chiến dịch quảng bá du lịch Việt Nam trên mạng xã hội Trung quốc bằng tiếng Trung để lan tỏa và thu hút khách trẻ, khách các vùng tỉnh lẻ tại Trung quốc” - ông Đinh Ngọc Đức - Vụ trưởng Vụ Thị trường Tổng cục Du lịch nói.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cũng cho hay, ngay từ 3 tháng đầu năm, Tổng cục Du lịch đã nhận thấy lượng khách từ hai thị trường trên không tăng trưởng như mong muốn và đã thực hiện các giải pháp nhằm kích cầu du lịch, như tổ chức các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch tại Hàn quốc và Trung quốc. Hiện, Tổng cục Du lịch đã đề nghị lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thế thao và Du lịch điều chuyển những gói kinh phí cho việc xúc tiến du lịch ở khu vực Mỹ, Trung Đông sang thị trường Hàn quốc, Trung quốc, với hy vọng sẽ đón được lượng khách lớn trong mùa cao điểm vào quý III và quý IV năm nay.

Trước băn khoăn việc số khách quốc trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 8,5 triệu lượt, liệu năm 2019, ngành du lịch có đạt mục tiêu đón 18 triệu khách quốc tế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng, dù lượng khách quốc tế 6 tháng tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018 song tổng thu từ khách du lịch tăng 8,4%. Điều này cho thấy “chất” đã tăng nhanh hơn “lượng”, là một điều đáng mừng. Mặt khác, bên cạnh chỉ tiêu về con số khách du lịch, còn có các chỉ tiêu về chất lượng dịch vụ, môi trường...

Tổng cục Du lịch cũng đã đặt ra nhiều biện pháp để tiếp tục duy trì thúc đẩy, tăng trưởng về khách du lịch quốc tế và nội địa; tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm như triển khai đồng bộ các giải pháp xúc tiến thu hút khách du lịch; thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021... Tuy nhiên, ông Siêu cũng xác nhận, trong 6 tháng cuối năm, ngành du lịchcần phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới có thể đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Với những chính sách quyết liệt mà Tổng cục Du lịch đang thực hiện cùng với những chính sáchđối với “ngành công nghiệp không khói” mà Đảng và Nhà nước đã đưa ra trước đó, hy vọng không chỉ mục tiêu 6 tháng cuối năm 2019 của ngành du lịch sẽ hoàn thành mà các năm tiếp theo cũng sẽ đạt được một cách ngoạn mục, để giấc mơ Việt Nam trở thành “cường quốc du lịch của thế giới” sẽ sớm trở thành hiện thực. 

Quỳnh Chi

>> Sốt ruột với du lịch của tỉnh Bình Định

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...