Ngành du lịch sau đại dịch: DN đã sẵn sàng cho du lịch "trả thù" ?

Để bình thường hóa lại các hoạt động sau đại dịch Covid-19, du lịch đang rất cần một kịch bản cụ thể phù hợp với xu thế để hút khách.
Ngành du lịch sau đại dịch: DN đã sẵn sàng cho du lịch "trả thù" ?

Dịch Covid-19 bùng phát kể từ đầu năm 2020 đến nay đã khiến các doanh nghiệp du lịch chịu tổn thất nặng nề. Tất cả nguồn lực cuối cùng đều được huy động để chuẩn bị cho dịp cao điểm du lịch hè 2021 nhưng 1 lần nữa dịch bệnh bùng phát khiến các kế hoạch không thể triển khai, dẫn đến “lỗ chồng lỗ”.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2021 lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 105.000 lượt người, giảm 97,2% so với cùng kỳ năm trước, khách du lịch nội địa chỉ đạt 31,2 triệu lượt (giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2020); tổng thu từ khách du lịch ước đạt 136.520 tỷ đồng, giảm 36,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Đã “chạm đáy nỗi đau”

Thực tế, dù có gắng gượng đến mấy vẫn không thể chối bỏ sự thật là ngành du lịch đang phải trải qua giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử. Mọi nỗ lực “chiến đấu” với dịch bệnh dường như đang chạm đáy ở thời điểm này.

Theo Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO), năm 2021, dịch bệnh dự kiến sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 2.400 tỷ USD do sự sụp đổ của ngành du lịch quốc tế. Trong số đó, các nước có mức giảm GDP do sụt giảm ngành du lịch cao nhất thế giới là Thổ Nhĩ Kỳ (-9,1%), Ecuador (9%), Nam Phi (8,1%), Ireland (5,9%)…

Trước đó, vào tháng 7/2020, Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cũng đã dự báo thời gian du lịch quốc tế đình trệ sẽ kéo dài từ 4-12 tháng, khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại từ 1.200-3.300 tỷ USD. Song trên thực tế, con số thiệt hại còn khủng khiếp hơn rất nhiều, bởi thời gian đình trệ đã 15 tháng và chưa biết đến bao giờ mới kết thúc.

Ở Việt Nam, tại thời điểm này du lịch quốc tế hầu như hoàn toàn “đóng băng”, du lịch nội địa có rục rịch ở những “vùng xanh” nhưng không đáng kể.

Theo thống kê Destination Insights của Google, nhu cầu tìm kiếm thông tin của khách du lịch nội địa sụt giảm mạnh từ đầu tháng 5 đến nay, có thời điểm thấp hơn 90% so với cùng kỳ năm ngoái.Nhu cầu tìm kiếm thông tin về cơ sở lưu trú du lịch cũng giảm mạnh từ đầu tháng 5 đến nay, có lúc giảm gần 90% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong tháng 4/2021 cả nước có 4,6 triệu lượt khách lưu trú thì đến tháng 5 chỉ còn 1,8 triệu lượt, tháng 6 còn 0,9 triệu lượt và tháng 7 chỉ là 0,3 triệu lượt. Tháng 8, tháng 9 du lịch còn thảm hại hơn nữa, các chỉ số có thể sẽ trở về 0, du lịch đã thực sự chạm đỉnh đáy. Bởi trong thời điểm này những trung tâm du lịch lớn là Hà Nội, Sài Gòn và nhiều tỉnh thành khác trong cả nước đều áp dụng chỉ thị 15, 16 của Chính phủ để đảm bảo phòng chống dịch, du lịch hầu như tê liệt hoàn toàn.

Thích ứng với khó khăn

Những con số biết nói trên cho thấy ngành du lịch nước ta đang ngày càng trở nên kiệt quệ, trong khi đó dịch bệnh vẫn đang có những diễn biến phức tạp. Thậm chí, các chuyên gia còn không dám khẳng định thời điểm nào du lịch có thể thực sự hồi sinh bền vững.

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch, Tổng cục Du lịch cho biết, dịch Covid-19 kéo dài đã khiến hàng nghìn doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề.

“Khó khăn chồng chất khi phần lớn doanh nghiệp đều có khoản nợ với ngân hàng, không có doanh thu, gần như mất khả năng trả nợ các khoản vay đã đến hạn. Người lao động ngành du lịch bắt buộc phải chuyển đổi ngành nghề khác để kiếm sống, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhân lực khi du lịch khôi phục trở lại”, ông Đức nói.

Tuy nhiên, “đây cũng chính là thời điểm để ngành du lịch nhìn nhận lại, tìm cách tiệm cận mới để phát triển nội địa. Xác định đây sẽ là động lực để làm “nóng” lại thị trường, bù đắp lại sự thiếu hụt về doanh thu, doanh số, lợi nhuận”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

Tại một diễn đàn về ngành du lịch được tổ chức mới đây, ông Phan Xuân Thanh- CEO Emic Hospitality Hội An cho biết, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến du lịch nhưng chúng ta vẫn tìm được cơ hội phục hồi nếu có niềm tin.

“Tổ chức Du lịch Thế giới đã nhận định ngành du lịch không bao giờ chết và chắc chắn sẽ phục dựng lại, nhưng phục dựng như thế nào thì chúng ta cần chờ đợi, tạo niềm tin trước, bởi niềm tin cực kỳ quan trọng. Nếu có niềm tin thì ta sẽ thấy phát triển du lịch bền vững trong lúc này là cơ hội vàng vì ngành du lịch sẽ đi lại từ đầu, từng bước một”, ông Thanh chia sẻ.

Ông Hoàng Nhân Chính – Giám đốc Ban thư ký của Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) cho biết, TAB đã thực hiện khảo sát tìm hiểu nhu cầu và xu hướng của khách du lịch nội địa của hơn 3.373 người đã tìm ra được 5 xu hướng chính của khách du lịch Việt Nam.

Bao gồm: xu hướng đi du lịch “trả thù” sau chuỗi ngày dài ở nhà, du lịch an toàn và có cân nhắc về tài chính, ưu tiên du lịch biển và thiên nhiên, ưu tiên đi ngắn ngày theo nhóm nhỏ, ưu tiên đặt dịch vụ trực tuyến.

Vậy các doanh nghiệp du lịch cần chuẩn bị những gì? Ông Thanh cho biết, muốn du lịch phục hồi nhanh sau đại dịch, muốn lượng du khách quốc tế và nội địa tăng trưởng mạnh, nên bắt đầu từ việc hướng đến du lịch xanh. Đồi thời áp dụng công nghệ vào vận hành như travel AI, blockchain…

Đồng quan điểm với ông Thanh, ông Đặng Bảo Hiếu – CEO/Founder của Ana Marina Nha Trang cho biết, từ 2021 trở đi, khách có xu hướng đi du lịch gần nơi sinh sống nhưng dài ngày hơn (gọi là short hole).

Do vậy, việc hướng đến du lịch xanh là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó cần tạo ra các sản phẩm cho người dân có thể đi du lịch gần,hoặc đi du lịch kết hợp làm việc do online đang là xu hướng làm việc của hầu hết các doanh nghiệp hiện nay.

Nhìn chung, khoảng lặng giữa dịch bệnh hiện nay cùng những mất mát của ngành du lịch lúc này là thách thức nhưng cũng chính là cơ hội để những người làm du lịch nhìn lại mình, chuẩn bị những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho bản thân để đón đầu sự trở lại mới của ngành.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm