Vấn nạn đường giả
Theo lãnh đạo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), trong bối cảnh ngành mía đường trong nước đang chồng chất khó khăn khi tồn kho trên nửa triệu tấn, Bộ Công thương và tỉnh Lào Cai lại kiến nghị Chính phủ xin gia hạn tạm nhập tái xuất mặt hàng đường đến hết ngày 31/12/2019 khiến nhiều doanh nghiệp mía đường trong nước sốc.
Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA cho hay: Giá đường bán tại các nhà máy đã gần ngang giá đường nhập lậu. Thậm chí, có một số nhà máy đã bán thấp hơn giá thành sản xuất ((khoảng 11.500 đồng/kg), vậy mà "ế vẫn hoàn ế".
Trong khi đường trong nước ế ẩm, nhiều nhà máy rơi vào cảnh “sống dở chết dở”, đại diện VSSA cho hay, ngành mía đường còn thêm trầy trật vì đường lậu, đường giả. VSSA đánh giá, công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại mặt hàng đường đã được các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương triển khai nhiều biện pháp tích cực, ngăn chặn có hiệu quả. Tuy nhiên, từ sau khi phá thành công chuyên án “Tỷ đường” (An Giang), tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại lại diễn biến phước tạp, tinh vi hơn, gia tăng ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trước đó, các doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập tái xuất đều giúp tiêu thụ đường trong nước, nhưng do đường giá rẻ Thái Lan mang lại lợi nhuận lớn hơn nên từ 2015 các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này thay vì tiêu thụ đường trong nước đã chuyển qua tạm nhập tái xuất đường Thái Lan. Hạn ngạch Bộ Công thương, Chính phủ cho phép tạm nhập tái xuất qua địa bàn tỉnh Lào Cai với thời hạn đến ngày 31/12/2017 là 220.000 tấn.
Nhưng báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai và các doanh nghiệp cho thấy, tỷ lệ thực hiện giấy phép tạm nhập tái xuất đường đến hết năm 2017 chỉ đạt khoảng 43,73%, trong đó một số doanh nghiệp đã nhập đường về nhưng chưa xuất được.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tạm nhập tái xuất, Bộ Công thương có kiến nghị Chính phủ theo hướng cho phép gia hạn thực hiện các giấy phép tạm nhập tái xuất đường đã cấp đến hết ngày 31/12/2019.
Thả cửa đường lỏng
Ngoài đường lậu, thời gian qua, đường lỏng được NK vào Việt Nam với con số ngày một tăng lên cũng là yếu tố đẩy ngành đường vào cảnh thêm khó khăn. Đường lỏng có tên viết tắt tiếng Anh là HFCS. Hiện, có ba quốc gia đang XK tới 80% lượng đường lỏng vào Việt Nam với thuế suất 0% gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan.
VSSA dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2015, Việt Nam nhập 67.834 tấn đường HFCS, song đến năm 2016 lượng NK đã tăng lên 70.090 tấn. Năm 2017, con số này tiếp tục "leo thang" ở mức 89.434 tấn.
Ông Phạm Quốc Doanh thông tin thêm, đường HFCS chủ yếu dùng cho sản xuất nước ngọt, bánh kẹo. Một số nước như Philippines hiện đã cấm hãng Cocacola sử dụng loại đường này để sản xuất nước ngọt bởi lý do đường HFCS không tốt cho sức khỏe người sử dụng. Trong bối cảnh đó, Việt Nam lại vẫn ưu ái thuế NK đường lỏng, gây thêm khó khăn cho ngành mía đường nội địa. Để giúp ngành đường phần nào vơi bớt khó khăn, vượt qua cơn bĩ cực, VSSA kiến nghị cần đưa ra các giải pháp để hạn chế NK mặt hàng đường lỏng HFCS.
Với vấn nạn đường lậu, đường giả, gian lận thương mại, VSSA kiến nghị Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Tổ công tác đặc biệt, Ban chỉ đạo (BCĐ) 334 (Bộ Công Thương) phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thuộc BCĐ 389 Quốc gia triển khai có hiệu quả các giải pháp chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại mặt hàng đường theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 6326/VPCP-V1 ngày 19/6/2017 về công tác chống buôn lậu thuốc lá và đường cát. Bên cạnh đó, VSSA cũng kiến nghị các đơn vị nêu trên chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường các, tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương có biện pháp tăng cường kiểm tra, đôn đốc phát hiện ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại với mặt hàng đường.
Ngành mía đường đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tổng diện tích trồng mía nguyên liệu đạt 300.000 ha, trong đó vùng nguyên liệu tập trung là 285.500 ha; năng suất mía bình quân đạt 68-70 tấn/ha; chữ đường bình quân đạt 11-12 CCS; sản lượng mía đạt 21 triệu tấn, trong đó sản lượng mía đưa vào ép 19,5 triệu tấn; năng suất đường trên một đơn vị diện tích đạt 7 tấn đường/ha.
Về sản xuất đường, mục tiêu phấn đấu là đến năm 2020, tổng công suất thiết kế của các nhà máy là 176.000 tấn mía/ ngày. Thời gian ép trong một vụ bình quân là 110-115 ngày. Ngành mía đường xác định không xây dựng thêm nhà máy chế biến đường mới, chỉ tập trung hiện đại hóa trang thiết bị, công nghệ, nâng cao công suất các nhà máy đường.
Kinh nghiệm tại các quốc gia có ngành mía đường phát triển hiện nay như Brazil, Thái Lan, Mỹ, Ấn Độ, Mexico,... đều cho thấy, để tồn tại và phát triển bền vững, ngành mía đường phải chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là cân đối nhịp nhàng giữa việc sản xuất đường và cồn etanol. Cơ chế bình thông nhau này giúp các doanh nghiệp mía đường chủ động được việc lựa chọn giữa sản xuất cồn hay đường tùy vào giá cả của hai mặt hàng này trên thị trường. Do đó, việc đưa xăng sinh học E5 vào sử dụng đại trà là cơ hội rất tốt cho ngành mía đường Việt Nam hiện nay.