Đó là họa sỹ Nguyễn Ngọc Hà (1954) vốn làm nghề xây dựng, rồi làm chủ tịch phường và rất đam mê hội họa. Anh đã có nhiều cuộc triển lãm trong nước và quốc tế với các sáng tác chuyên về chất liệu sơn dầu, màu acrylic. Đề tài của anh nhẹ nhàng như phong cảnh, hoa. Đặc biệt là tĩnh vật hoa chuối rừng đã khiến anh xuất bản nguyên một cuốn sách tranh về chúng.
Anh tâm sự, từng là lính Trường Sơn nên anh rất mê sức sống vươn lên mãnh liệt của hoa chuối rừng, cảm hứng đó luôn dâng trào để tiếp tục sáng tạo. Tại cuộc triển lãm này anh mang đến 8 tác phẩm.
Họa sỹ Nguyễn Thị Minh (1958), sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 1984 chị gắn bó với lĩnh vực y tế Hà nội nhưng luôn mải miết đi tìm tiếng nói riêng trong nghệ thuật. Trong triển làm này chị mang đến 13 tác phẩm là những sáng tác mới nhất của chị.
Khai thác họa tiết dân tộc, có nhịp điệu bức tranh Đàn chim Việt như một bản nhạc màu sắc đằm thắm nữ tính và có tính trang trí rất cao. Chị cũng mang đến một cái nhìn mới về những đề tài không mới như Ruộng bậc thang, Nhà của người nghèo…
Họa sỹ Ngô Thành Nhân (1956) tốt nghiệp khoa sơn mài Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, hơn 30 năm anh hoạt động nghệ thuật anh đã cho ra mắt công chúng khá nhiều những bức tranh sơn mài.
Bỗng nhiên trong triển làm lần này Ngô Thành Nhân lại mang đến 5 bức tranh sơn dầu về đề tài Huyền bí, với hình ảnh các cô đồng đang trình diễn các giá đồng khác nhau. Họa sỹ Ngỗ Thành Nhân tâm sự: Vẽ là một nguồn sống để khẳng định sự tồn tại của mình.
Họa sỹ Phùng Mỵ Trâm (1958), kinh qua nhiều năm làm báo và vẽ minh họa và hoạt động nghệ thuật chị đã khẳng định cho mình một phong cách rất Phùng Mỵ Trâm. Chị mang đến triển lãm 10 bức sơn dầu chân dung thiếu nữ, với nét vẽ dịu dàng và sang trọng. Chị rất bình tĩnh trong từng nét cọ của mình, từ hình khối đến màu sắc.
Không gian ước lệ, cách phô diễn tranh kín đáo nhưng người xem như được quay trở về với cái thời tươi đẹp nhất của thì con gái. Một mảng đề tài khác mà họa sỹ Phùng Mỵ Trâm quan tâm nữa là hoa. Vẫn phong cách Phùng Mỵ Trâm, dịu dàng quá dịu dàng không chịu nổi ấy, còn phảng phất thêm một nỗi buồn hoang hoải thương nhớ độ xuân thì.
Họa sỹ Nguyễn Thị Hồng Phương (1960) ưa thích nhất là đề tài hoa lá nhưng gần đây chị cho ra mắt công chúng hàng loạt tranh khắc gỗ, in độc bản trên trúc chỉ, gặt hái nhiều giải thưởng nghệ thuật.
Tại Ngẫu hứng chị mang đến 9 bức sơn dầu vẽ tĩnh vật với một màu sắc dữ dội với sự cố tình nghệch ngoạc để tạo sự tươi trẻ, sôi nổi.
Họa sỹ Trần Ninh (1982) là tác giả trẻ nhất trong Ngẫu hứng. Tám bức sơn mài với các phong cách khác nhau, từ tả thực đến biểu hiện.
Khá nhiều người xem phải đứng lâu trước bức Nhà sư của anh để ngắm cái lưng của thầy tu và một màn đen thẫm ở trước mặt. Họa sỹ, võ sư Trần Ninh đã từng đoạt giải nhất trong triển lãm Mỹ thuật Thủ đô năm 2016.
Đa sắc, giàu giọng điệu cùng gặp nhau trong ngẫu hứng (tình), ngẫu hứng (tài) khiến cho người xem luôn được thay đổi thị giác để cuối cùng là một sự thỏa mãn.
Thảo Mộc