Nghệ nhân văn hóa trà Đào Đức Hiếu: Khát vọng xây dựng làng trà hạnh phúc

Nghệ nhân văn hóa trà Việt Nam Đào Đức Hiếu được biết đến là một người truyền cảm hứng lớn với niềm đam mê cháy bỏng dành cho văn hóa trà đạo Việt Nam. Với nhiều năm nghiên cứu và phát triển các loại trà quý hiếm, ông đã đóng góp đáng kể vào việc đưa trà Việt Nam ra thế giới. Nhân dịp đầu năm mới Ất Tỵ 2025, Tạp chí Thương gia thực hiện bài phỏng vấn nghệ nhân về văn hóa trà Việt Nam với mong muốn mang một luồng sinh khí mới vào đầu năm. Qua đây cũng muốn lan tỏa thêm đến các độc giả về văn hóa trà và các phẩm trà quý giá của Việt Nam.

Thưa nghệ nhân, điều gì đã đánh thức niềm đam mê với văn hóa trà của Việt Nam trong ông, đặc biệt là niềm say mê, gắn bó với trà Shan tuyết cổ thụ đến vậy?

Tôi sinh ra trong gia đình có truyền thống lâu đời làm trà, nơi trà không chỉ là thức uống mà còn là phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Dù gia đình gắn bó sâu sắc với nghề trà, nhưng con đường ban đầu của tôi là học tập, sự nghiệp với vai trò kiến trúc sư, thạc sĩ marketing. Tuy nhiên, tôi đã quyết định từ bỏ con đường đó để rẽ sang một trang mới, theo đuổi niềm đam mê lớn lao hơn đó là Trà Việt.

Tôi “chạm” vào trà từ năm 2003. Lúc đó tôi sang trao đổi giảng viên ở Vân Nam, Trung Quốc, đây cũng là nơi tôi bắt đầu học và tìm hiểu về trà cổ thụ. Đây là thủ phủ của những cây trà cổ thụ trên thế giới. Vì mê trà nên sau giờ học, tôi lang thang các vùng trà để học cách làm “tứ đại danh trà” (gồm bạch trà, hồng trà, diệp trà, hoàng trà từ cây trà cổ thụ). Ở Vân Nam có một vùng trà cổ thụ cao 1.300m, họ làm trà rất đặc biệt với tư duy “tôi đang bán trà do ông nội tôi làm và bây giờ tôi làm trà cho cháu nội tôi bán”. Điều đó giúp tôi nhận ra sự khác biệt với tư duy làm trà của người Việt Nam.

Khi có cơ hội tìm hiểu và tiếp cận với nhiều vùng trà trên thế giới, tôi nhận ra ở những vùng trà nổi tiếng họ thường kết hợp làm trà với làm văn hóa, làm du lịch và tư duy của họ là “làm ít nhưng giá trị cao”. Về Việt Nam, tiếp xúc với các vùng trà trong cả nước và được chạm vào những cây trà cổ thụ, tôi dần tìm thấy hướng đi cho bản thân, đó là bắt đầu với câu chuyện của trà cổ thụ Suối Giàng để trà Việt có cơ hội khẳng định giá trị trên trường quốc tế.

Suối Giàng là một vùng đầy tài nguyên, có đá ngọc bích, có văn hóa Mông thấm đẫm bản sắc, có không khí sạch và đặc biệt là có đến 10.000 gốc trà shan tuyết cổ thụ, trong đó có 400 gốc trà là cây di sản Việt Nam.

Từ năm 1973, ông nội tôi, một người thích uống trà, đã dừng chân lại Suối Giàng và đề tặng một bài thơ: “Chót vót trên cao đỉnh Suối Giàng/ Một vùng rộng lớn giống trà shan/ Cây to tán rộng vươn trong gió/ Cành lớn búp non nổi tiếng vang”. Ngày đấy, ông đã đề nghị đặt tên “Đại lão vương trà” (Vua các loài trà cổ thụ) cho trà Suối Giàng, nhưng chưa thành… Nên nay tôi muốn thực hiện mong ước năm xưa của ông.

Bên cạnh sứ mệnh tiếp nối truyền thống gia đình, sau 20 năm học trà và nghiên cứu trà ở khoảng 30 quốc gia, tôi thấy rằng trà Việt Nam hoàn toàn có thể có những bước đi xa hơn nữa. Bởi, khác với các sản phẩm nông nghiệp khác, trà sau khi hái sẽ lại mọc, những cây cổ thụ 300 năm, 500 năm và 800 năm tuổi không phải trồng mà hoàn toàn thiên nhiên, là tinh hoa của đất trời ban tặng.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm gắn bó với cây trà cổ thụ, ông có thể chia sẻ về những nét đặc trưng riêng biệt của phẩm trà Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng so với các loại trà khác trên thế giới không?

Một viện sỹ người Nga đã đi 120 nước trên thế giới nghiên cứu về các vùng trà cổ thụ và khi đến đỉnh núi Suối Giàng, ông nhận định rằng có lẽ đây mới là thủy tổ của trà Shan tuyết. Từ kinh nghiệm 12 năm đi hơn 30 quốc gia trên thế giới để tìm hiểu về cách làm trà, tôi muốn chinh phục thử thách mà mọi người nói là “không thể nào làm được” ở vùng cao sơn này.

Trà shan tuyết Suối Giàng sinh trưởng hoang dã và tự nhiên, không cần đến bàn tay chăm sóc của con người, vậy nên càng không cần phân bón hay phun thuốc trừ sâu. Những cây trà shan tuyết cổ thụ mọc hoang dã ở độ cao từ 800 - 1.500m so với mực nước biển, nơi đây có độ ẩm cao và thời tiết mát mẻ quanh năm, tạo điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của trà. Cây trà mọc giữa vùng khí hậu mát mẻ, quanh năm mây mù bao phủ. Những búp non trà mang hương vị chát dịu, sau đó chuyển sang vị ngọt đậm đà và hương thơm đặc trưng. Cây cổ thụ nhất ở đây đã tồn tại hơn 500 năm, còn cây non nhất cũng trên 100 năm tuổi.

Trà Suối Giàng có nhiều điểm nổi trội, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng ngoại quốc. Chẳng hạn, so với một loại trà trung du của Đài Loan thì trà cổ thụ Suối Giàng có hàm lượng EGCG (chống lão hóa) cao hơn khoảng 100 lần. Trà cổ thụ sống trong mây, quang hợp rất ít nên lượng tanin và cafein cũng ít, không gây mất ngủ cho người uống trà.

Hiện nay, chúng tôi Nhật Bản là thị trường chúng tôi muốn chinh phục đầu tiên vì đây là thị trường khó tính nhất thế giới. Nhật Bản chỉ có trà trung du, không có trà cổ thụ như ở Suối Giàng, Việt Nam. Sau khi chúng tôi gửi mẫu đất, nước, trà của mình để họ xét nghiệm, họ nhận định “trà của các bạn tốt hơn của chúng tôi”. Trà của Nhật đáp ứng tiêu chuẩn Organic (hữu cơ). Còn trà Shan tuyết Suối Giàng là trà rừng, được trời dưỡng, đáp ứng yêu chuẩn hoang dã – tiêu chuẩn cao hơn hữu cơ.

Trong quá trình nghiên cứu và phát triển văn hóa trà Việt Nam, ông đã gặp phải những khó khăn gì và làm thế nào để vượt qua?

Đối với tôi, một vùng đất màu mỡ, có tài nguyên trà cổ thụ quý giá, quanh năm được bao phủ bởi mây và sương, có sự đa sắc về văn hóa, thì không thể là một vùng đất “chẳng có gì” được.

“Suối Giàng có gì đâu mà làm, mà phát triển?” “Không làm việc được với người Mông đâu”. Người ta đã “cảnh báo” tôi như thế, khi tôi muốn xây một ngôi làng hạnh phúc trên đỉnh Suối Giàng cao trên 1.000m của tỉnh Yên Bái. Nhưng với bản tính lì và liều, tôi vẫn quyết tâm làm gì đó để góp phần xóa nghèo cho cộng đồng 5.000 người Mông ở vùng đất 135 này. Suối Giàng lúc nào cũng được giới thiệu là vùng đất đặc biệt khó khăn, nghe chán quá. Tôi muốn sau này mọi người sẽ nói về Suối Giàng là vùng đất hạnh phúc và thịnh vượng.

Năm đầu tiên, cứ cuối tuần, tôi lại rong ruổi xe máy vượt 300 km từ Hà Nội đi Yên Bái, tối chủ nhật phóng xe về, bất chấp rủi ro tiềm ẩn trên những khúc đường đèo hiểm trở. Động lực tôi không phải là tiền mà là khát vọng “đỉnh núi này phải đổi thay”.

Người Mông vốn thích sống tự do, không quen gò bó kỷ luật. Vận hành 1 hợp tác xã toàn người Mông không phải chuyện đơn giản. Đã có một thời gian khi xây dựng Không gian văn hóa trà, tôi bị ám ảnh bởi câu nói: “A Hiếu mày đi về đi” (người Mông chỉ xưng mày - tao).

Người Mông - xưa được gọi là người Mèo, có khả năng nhìn thấy trong đêm tối. Vì vậy mà ánh điện khiến họ chói mắt và mất khả năng săn mồi trong bóng đêm. Sau này, tôi đã chuyển sang đèn lồng để giảm bớt cường độ ánh sáng. Những việc khác tôi làm về sau cũng cố tránh không phá vỡ cuộc sống bình yên ở Suối Giàng.

Sau này tôi nhận ra rằng, làm với người Mông chỉ khó khăn nếu anh làm cho xong việc, anh không sống cùng họ, chưa từng uống rượu ăn Tết cùng họ, cũng không cùng vượt qua những khắc nghiệt của thiên nhiên trên đỉnh núi. Thực tế, họ là những con người chăm chỉ, chỉ cần một người hướng dẫn cho họ cách làm kinh tế để có thu nhập và thoát nghèo. Lúc trước, tôi chỉ sống ở ven bản, tách biệt với họ, còn nay tôi đã sống ngay ở trung tâm bản và cùng người Mông làm việc để xây dựng những ngôi nhà khang trang. Tôi hay đùa với họ là: “Ở đây có đến 98% người Mông nên tao là người thiểu số, cần được bảo vệ, yêu thương và chăm sóc”.

Tất cả cũng chỉ hướng đến mục tiêu đưa trà cổ thụ Suối Giàng trở thành “quốc bảo” của Việt Nam. Mà muốn trở thành “quốc bảo” thì trước tiên trà cổ thụ phải được xem là “tỉnh bảo”, “huyện bảo” và thậm chí là “xã bảo”, nghĩa là chính quyền với người dân ở đây phải biết quý cây trà cổ trước, chứ không phải cần làm nhà, sửa bếp thì họ sẵn sàng chặt cây đi. Họ phải biết cách pha trà, dâng trà và làm dịch vụ mời chào tiếp đãi khách. Họ cũng phải biết làm trà thế nào để bán với giá gấp mười lần giá đang bán.

Nghệ nhân Đào Đức Hiếu đã từng phục vụ tiệc trà cho các nguyên thủ quốc gia, vậy có kỷ niệm nào mà ông ấn tượng sâu sắc nhất khi được phục vụ trà cho các vị lãnh đạo cấp cao? Trong quá trình phục vụ trà, ông mong muốn truyền đạt những thông điệp gì về văn hóa trà Việt Nam đến các vị khách quốc tế?

Trong các nghi thức ngoại giao, tiệc trà không chỉ là một sự kiện mang tính xã giao mà còn là nhịp cầu kết nối văn hóa và chính trị. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngoại giao kinh tế là động lực mới, quan trọng, cần đẩy mạnh ngoại giao trên các lĩnh vực, tiếp tục thúc đẩy ngoại giao công nghệ, ngoại giao trà…

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ của tôi về tiệc trà ngoại giao là chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Quốc vương Campuchia Preah Bat Samdech Preah Boromneat Norodom Sihamoni. Sáng 29/11/2024, Chủ tịch nước Lương Cường và Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đã đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám và thưởng thức phẩm trà quý của Việt Nam.

Buổi tiệc trà là sự kết hợp khéo léo giữa nghệ thuật pha trà và các nghi thức ngoại giao chuẩn mực. Tại buổi tiếp đón này, tôi vinh dự được trực tiếp giới thiệu đến Chủ tịch nước và Quốc vương Campuchia bộ sưu tập "Tứ đại danh trà" shan tuyết cổ thụ Suối Giàng – những phẩm trà tinh túy được thu hái và chế biến từ những cây trà cổ thụ hàng trăm năm tuổi trên đỉnh Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Phẩm trà này không chỉ là niềm tự hào của vùng đất Suối Giàng mà còn là biểu tượng cho giá trị văn hóa và tinh thần của Trà Việt trên trường quốc tế.

Nghệ nhân trà Đào Đức Hiếu giới thiệu và mời Thủ tướng thưởng thức loại trà Shan tuyết cổ thụ trên những đỉnh núi ở Suối Giàng, Yên Bái đã được chế biến đến mức độ tinh hoa

Sau buổi tiệc, Quốc vương Campuchia đã trao tặng món quà mang biểu tượng hoàng gia cho tôi như một cách ghi nhận và trân trọng giá trị mà Việt Nam truyền tải qua nghệ thuật trà.

Tiệc trà ngoại giao còn là cơ hội giao lưu văn hóa, nơi các giá trị truyền thống Việt Nam được giới thiệu đến bạn bè quốc tế một cách sinh động. Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 20/10, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã chủ trì buổi trà chiều tiếp đón 28 nữ đại sứ quốc tế. Hai phẩm trà quý là Bạch trà và Hồng trà Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng, được lựa chọn kết hợp cùng món bánh truyền thống mang đậm tinh thần Việt, tạo sự gần gũi với các thực khách. Trong không gian trang trọng, từng câu chuyện về trà, về văn hóa và con người Việt Nam được các nhà lãnh đạo chia sẻ, để lại ấn tượng sâu sắc với các nữ đại sứ.

Hiện tại nghi lễ ngoại giao qua tiệc trà cũng được áp dụng từ Chính phủ đến các lễ hội văn hóa và hoạt động của Việt Nam. Trà đã trở thành thức uống không thể thiếu, qua đó Trà đã góp phần truyền tải thêm những giá trị văn hóa từ gia đình nói riêng đến quốc gia nói chung.

Ông có lời khuyên nào dành cho những người trẻ tuổi muốn theo đuổi con đường phát triển trà Việt hoặc những nét văn hóa Việt cổ?

Với những gì bản thân được trải nghiệm, tôi có 5 lời khuyên dành cho các bạn trẻ. Thứ nhất, hãy làm những gì mà bản thân mình giỏi nhất. Rất nhiều người nói rằng tôi có thể làm được rất nhiều thứ, hãy hạn chế sở trường và phát huy sở đoản.

Thứ hai, hãy tích cực rèn luyện chuyên môn để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Người Nhật nói rằng, nếu bạn làm việc đủ 10.000 giờ bạn sẽ trở thành chuyên gia.

Thứ ba, hãy tìm cho mình những người thầy. Các cụ có câu “không thầy đố mày làm nên”, tìm được những người thầy tức là bạn đang rút ngắn quãng đường và tiết kiệm rất nhiều thời gian đi đến đích nhanh hơn.

Thứ tư, kiên trì và không nản chí. Thành công chỉ ở sau khó khăn một chút xíu thôi, vì vậy hãy kiên trì, bền bỉ và không ngừng nỗ lực.

Thứ năm, dám đối mặt và sẵn sàng làm lại từ đầu. Ở bất kỳ độ tuổi nào đều không quan trọng, ở các độ tuổi khác nhau các bạn đều có thể khởi nghiệp. Khởi nghiệp không phải là bắt đầu từ con số 0, mà khởi nghiệp tức là bắt đầu một việc mới, mà khi đó bạn đang hội tụ tất cả những kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm của mình để sẵn sàng bắt đầu một công việc mới, một dự án mới. Vì vậy đừng sợ thất bại, hãy luôn đối mặt với một tâm thế sẵn sàng, quyết đoán.

Xin cảm ơn nghệ nhân Đào Đức Hiếu về cuộc trò chuyện đầy thú vị trong những ngày đầu Năm mới 2025!

Có thể bạn quan tâm