Mặc dù sở hữu khối tài sản khổng lồ, nhưng tỷ phú người Pháp Bernard Arnault, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tập đoàn hàng xa xỉ LVMH, lại rơi xuống vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng Bloomberg Billionaires Index.
Hiện tại, tài sản ròng của ông chủ đế chế LVMH vào khoảng 176 tỷ USD, giảm 32 tỷ USD so với thời điểm đầu năm 2024, theo dữ liệu từ Bloomberg Billionaires Index.
Ông để tuột mất danh hiệu tỷ phú giàu nhất thế giới vào tháng 9/2024 sau khi cổ phiếu của tập đoàn LVMH lao dốc 20%, tương đương khoản lỗ 54 tỷ USD, chủ yếu do báo cáo doanh thu hàng quý không đạt kỳ vọng như dự kiến. Theo chia sẻ của giám đốc tài chính LVMH, ông Jean-Jacques Guiony, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sụt giảm doanh thu là do biến động địa chính trị đã tác động tiêu cực đến các thị trường trên thế giới, đặc biệt là tại Mỹ và Trung Quốc.
Lần đầu tiên tỷ phú Bernard Arnault đạt danh hiệu người giàu nhất thế giới là vào tháng 8/2021 nhờ đà tăng trưởng mạnh mẽ của doanh số hàng xa xỉ tại châu Á. Kể từ đó đến nay, vị trí của “ông trùm” LVMH trên bảng xếp hạng tỷ phú cũng có nhiều thay đổi đáng kể qua từng năm. Ông một lần nữa giành lại ngôi vị đầu bảng vào năm 2022 và 2023 và tháng 5/2024.
Thực tế, "vận rủi” của ông Arnault trong quý 3 năm nay cho thấy sự tương phản rõ rệt với các tỷ phú hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ.
Ông là đại diện duy nhất của ngành hàng xa xỉ trong Top 5 tỷ phú thế giới, xếp sau các “ông lớn” công nghệ như Elon Musk (tài sản ròng 444 tỷ USD), Jeff Bezos (tài sản ròng 244 tỷ USD), Mark Zuckerberg (tài sản ròng 207 tỷ USD), và Larry Ellison (tài sản ròng190 tỷ USD).
Dù đang phải đối diện với hàng loạt thách thức nhưng tập đoàn LVMH vẫn là một thế lực lớn trong thị trường hàng xa xỉ, nắm trong tay 75 thương hiệu mang tính biểu tượng, trải dài trên các khắp các lĩnh vực cao cấp như thời trang, đồng hồ - trang sức, đồ da, nước hoa, mỹ phẩm và rượu mạnh.
Một số thương hiệu nổi bật nhất của tập đoàn bao gồm Louis Vuitton, Christian Dior, Bulgari, Givenchy, TAG Heuer, Hublot, Sephora, Tiffany & Co, cùng với các thương hiệu rượu vang và rượu mạnh nổi tiếng như Chandon, Château d'Yquem và Château Cheval Blanc...
Từ xưa đến nay, tỷ phú Bernard Arnault đã chứng tỏ được bản lĩnh và tài năng kinh doanh khi tài tình “lèo lái” LVMH qua nhiều giai đoạn khó khăn, từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đến đại dịch Covid-19. Ông luôn tìm cách điều chỉnh chiến lược để bảo vệ vị thế của tập đoàn, đồng thời không ngừng mở rộng danh mục đầu tư tiềm năng. Gần đây, LVMH đã đẩy mạnh thâm nhập vào các thị trường mới nổi ở châu Phi và Nam Mỹ, nơi tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhu cầu về xa xỉ phẩm.
Bên cạnh yếu tố tài chính, ông Arnault còn chú trọng đến việc bảo tồn nghệ thuật và văn hóa thông qua các thương hiệu của mình. Tập đoàn thường xuyên tổ chức triển lãm nghệ thuật, tài trợ cho các bảo tàng và chương trình tôn vinh di sản văn hóa, thúc đẩy sự gắn kết sâu sắc với cộng đồng toàn cầu.