Doanh nhân Võ Thành Đàng: Đường Quảng Ngãi tăng sức cạnh tranh nhờ chuyển đổi số

Là một trong những nhà máy sản xuất đường lớn nhất Việt Nam, trong những năm qua, Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS) đã tập trung chuyển đổi số mạnh mẽ trong quản trị điều hành cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp tăng hiệu quả, giảm kinh phí, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm...

ong-vo-thanh-dang-4740.jpg
Ông Võ Thành Đàng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi

Trao đổi với Thương Gia, ông Võ Thành Đàng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi cho biết, nhờ chuyển đổi số, ước tính 9 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Đường Quảng Ngãi đạt 1.709 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ.

Trong thời đại công nghiệp 4.0, chuyển đổi số ngày càng được sử dụng nhiều trong những doanh nghiệp, nhà máy để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tại Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi, việc chuyển đổi số được triển khai như thế nào, thưa ông?

Xác định chuyển đổi số là tất yếu và vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, do đó trong thời gian qua, ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi luôn quan tâm và chỉ đạo chặt chẽ không chỉ trong vấn đề đầu tư hạ tầng công nghệ mà còn về con người. Chuyển đổi số được thực hiện ở mọi khía cạnh hoạt động, từ quản lý, sản xuất đến dịch vụ khách hàng nhằm nâng cao hiệu quả và tạo ra giá trị mới.

Theo đó, Đường Quảng Ngãi đã trang bị những thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiến hành chuẩn hóa lại các quy trình, loại bỏ các bước thừa hoặc không hiệu quả. Công ty cũng áp dụng các công nghệ như điện toán đám mây, tự động hóa quá trình, hỗ trợ phân tích dữ liệu; kết nối các thiết bị để thu thập và chia sẻ dữ liệu trong thời gian thực; sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu để đưa ra quyết định nhanh chóng.

Ngoài các yếu tố trên, Đường Quảng Ngãi cũng luôn chú trọng đến việc tổ chức các lớp đào tạo về kỹ năng số giúp nâng cao vai trò của cán bộ công nhân viên trong chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp và của đất nước.

Việc chuyển đổi số vào các công đoạn sản xuất đã giúp công ty tiết kiệm chi phí nhân công, nâng cao hiệu suất, tăng tỷ lệ chính xác của sản phẩm ra sao, thưa ông?

Thời gian qua, các phần mềm quản lý thông minh, robot tự động... được ứng dụng vào trong các công đoạn sản xuất đã giúp Đường Quảng Ngãi giảm đáng kể nhu cầu sử dụng lao động thủ công; giảm thiểu sai sót trong sản xuất, từ đó hạn chế lãng phí nguyên vật liệu và công sức. Việc áp dụng các công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big Data) cũng hỗ trợ công ty tối ưu hóa quá trình sản xuất và nâng cao năng suất.

Công ty cũng đầu tư lắp đặt các hệ thống kiểm tra và giám sát tự động như AI, camera, cảm biến... Thông qua các thiết bị này, chúng tôi dễ dàng phát hiện các lỗi trong quá trình sản xuất với độ chính xác cao hơn so với con người giám sát.

Những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại cho Đường Quảng Ngãi thể hiện rõ nhất khi doanh thu của trong năm 2023 đạt trên 10.000 tỷ đồng – mức cao nhất từ trước đến nay, với lợi nhuận sau thuế ghi nhận ở mức gần 2.200 tỷ đồng, tương ứng tăng 70% so với cùng kỳ, trong khi tổng tài sản chạm mốc 12.000 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2023. Còn trong 9 tháng đầu năm 2024, ước tính lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Đường Quảng Ngãi đạt 1.709 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ.

Đường Quảng Ngãi vừa được vinh danh tại lễ trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam – Vietnam Digital Awards 2024 cho giải pháp “Hệ thống trực tuyến quản lý vùng nguyên liệu, tiếp nhận, thanh toán tiền mía tại nhà máy Đường An Khê”. Giải thưởng cũng là một trong những dẫn chứng cho việc Đường Quảng Ngãi đã chuyển đổi số thành công trên nhiều mặt, thưa ông?

Đúng vậy. Hiện tại, công ty đang là nhà máy sản xuất đường lớn nhất Việt Nam, với diện tích vùng nguyên liệu mía hiện nay >30.000 ha, dự kiến đạt 40.000 ha vào niên vụ 2027-2028. Ước tính sau khi mở rộng, sản lượng mía hàng năm của công ty có thể đạt 2,4->2,5 triệu tấn.

anh-chup-man-hinh-2024-10-16-luc-11737-sa-786.png
Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi luôn xác định chuyển đổi số là tất yếu và vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp

Với quy mô nhà máy và diện tích vùng nguyên liệu như vậy, cho nên đầu năm 2023, lãnh đạo công ty đã chỉ đạo phòng công nghệ thông tin chuẩn hóa các quy trình và xây dựng giải pháp quản lý vùng nguyên liệu, tiếp nhận, thanh toán tiền mía một cách khoa học và chặt chẽ và được triển khai vào vụ ép 2023-2024.

Việc triển khai các ứng dụng nhằm tự động hóa từ khâu cấp phiếu đốn mía, quản lý bến bãi, cấp số thứ tự, tiếp nhận, cân, kiểm tra chất lượng sản phẩm, thanh toán,... vào niên vụ ép 2023-2024 đã đem lại hiệu quả cao, giảm được nhiều chi phí, thời gian, nhân sự cũng như mang lại độ chính xác cao. Ví dụ, nhờ ứng dụng hệ thống trực tuyến quản lý vùng nguyên liệu, tiếp nhận, thanh toán tiền mía, các chủ mía hay lái xe không cần phải mất hàng giờ tại cổng nhà máy để chờ đến lượt vào tiếp nhận như trước, giờ đây họ chỉ cần ở nhà và mở ứng dụng lên xem là biết hiện tại đang tiếp nhận xe nào, khoản bao lâu nữa đến lượt xe mình…

Mặc dù việc chuyển đổi số bước đầu đã mang lại hiệu quả tại Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi, tuy nhiên trong quá trình chuyển đổi số chắc không tránh khỏi những bất cập, thưa ông?

Tôi nghĩ không riêng gì Đường Quảng Ngãi mà các doanh nghiệp trong cả nước cũng có thể gặp nhiều bất cập khi chuyển đổi số. Với Đường Quảng Ngãi, khi áp dụng chuyển đổi số, nhiều nhân viên cảm thấy lo lắng vì sợ quá trình chuyển đổi số sẽ “cướp” mất công việc của mình. Một số nhân viên cũng chưa sử dụng thành thạo các giải pháp công nghệ dẫn đến tâm lý kháng cự, làm chậm tiến trình chuyển đổi.

Chúng tôi còn gặp khó trong việc đào tạo hoặc tuyển dụng những người có khả năng quản lý và triển khai các công nghệ mới, bởi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện nay đang thiếu hụt về nhân lực có kỹ năng số.

Bên cạnh đó, Đường Quảng Ngãi cũng lo ngại vấn đề bảo mật và an ninh mạng vì việc sử dụng kết nối trực tuyến và sử dụng dữ liệu lớn làm tăng nguy cơ bị tấn công và mất an toàn dữ liệu.

Theo ông, để đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển đổi số tại Đường Quảng Ngãi nói riêng và các doanh nghiệp trên cả nước nói chung, trước mắt chúng ta cần phải làm gì?

Theo tôi, để đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp, thứ nhất, cần xây dựng các chiến lược rõ ràng và dài hạn, ưu tiên các lĩnh vực quan trọng.

Thứ hai, có sự ủng hộ từ lãnh đạo doanh nghiệp đồng thời nâng cao nhận thức của toàn nhân viên.

Thứ ba, tăng cường đào tạo nguồn lực có kỹ năng số đồng thời có chính sách thu hút và phát triển nhân tài.

Thứ tư, tăng cường đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật đồng thời tăng cường bảo mật và quản lý dữ liệu.

Thứ năm, tăng cường hợp tác với các đối tác công nghệ để tận dụng kiến thức chuyên môn và giải pháp phù hợp, giúp giảm thiểu rủi ro và tăng cường hiệu quả triển khai công nghệ.

Cuối cùng, phải luôn luôn cải tiến đồng thời đánh giá liên tục quy trình chuyển đổi số.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Kamala Harris: Người phụ nữ da màu quyền lực nhất nước Mỹ

Kamala Harris: Người phụ nữ da màu quyền lực nhất nước Mỹ

Bà Kamala Harris, Phó Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, đã trở thành biểu tượng của sự bình đẳng, công lý và tiến bộ. Trong bối cảnh chính trị hiện nay, bà Harris không chỉ là người kế thừa vị trí của Tổng thống Joe Biden mà còn là niềm hy vọng mới cho tương lai của nước Mỹ…

Soi lương các CFO hàng đầu thế giới

Soi lương các CFO hàng đầu thế giới

Lương trung bình của các Giám đốc Tài chính (CFO) đã tăng gần 8,5% vào 2023 khi các ưu đãi dựa trên cổ phiếu được các tập đoàn sử dụng nhiều hơn để giữ người thay vì một mức lương cứng cụ thể...

Sếp Amazon: Để Việt Nam bước ra toàn cầu cần có kiềng 3 chân

Sếp Amazon: Để Việt Nam bước ra toàn cầu cần có kiềng 3 chân

Để Việt Nam bước ra toàn cầu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới cần kiềng 3 chân: Năng lực sản xuất, dựa trên lợi thế các sản vật, nguyên vật liệu địa phương; kết hợp và thấm nhuần các kỹ năng online để vận hành doanh nghiệp trên môi trường TMĐT và làm thương hiệu...