Nghệ thuật phát hành của cổ phiếu "giá bèo"

Phát hành tăng vốn không dễ, vậy nhưng trên thị trường, vẫn có nhiều doanh nghiệp phát hành thành công với giá cao hơn thị giá.
Nghệ thuật phát hành của cổ phiếu "giá bèo"
 Cổ phiếu rẻ bèo vẫn bán giá 10.000 đồng/CP
Phát hành cổ phiếu là phương thức huy động vốn mà bất kỳ DN nào cũng mong muốn thực hiện được, bởi nguồn vốn từ cổ phiếu là nguồn vốn DN được sử dụng vĩnh viễn, không chịu áp lực trả lãi, trả gốc, kinh doanh có lãi thì chia cổ tức cho nhà đầu tư.
Các DN lên sàn cũng hướng đến mục tiêu gọi vốn mới là hàng đầu, bởi nếu gọi được vốn từ cổ phiếu, DN sẽ có cơ hội đầu tư mở rộng hoạt động, tăng hiệu quả kinh doanh. Quan sát TTCK hiện nay dễ thấy một hiện tượng thú vị: nhiều doanh nghiệp có cổ phiếu đang được giao dịch dưới mệnh giá (10.000 đồng/CP), nhưng đặt ra kế hoạch sẽ phát hành cổ phiếu với giá ít nhất bằng mệnh giá.
Chẳng hạn, CTCP Nông Dược H.A.I (HAI) vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc chào bán gần 117,3 triệu cổ phiếu. Số cổ phần này được phát hành cho cổ đông hiện hữu, chia làm 2 đợt, đợt 1 là hơn 67 triệu cổ phiếu và đợt 2 là gần 50,3 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ phát hành đợt 1 là 7:4 và giá phát hành 10.000 đồng/CP.
Công ty sẽ phát hành ngay sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Điểm đáng chú ý là hiện cổ phiếu HAI có thị giá quanh 4.000 đồng/CP, thấp hơn nhiều so với mức giá chào bán của Công ty. Với mục tiêu huy động vốn để đầu tư mua máy nghiền sàng đá, CTCP Khoáng sản Vinas A Lưới (ALV) cũng vừa thông qua phương án phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược 2 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/CP, trong khi thị giá cổ phiếu này đang ở mức 3.600 đồng/CP (phiên giao dịch ngày 25/10/2016).
Dự kiến, đợt phát hành này sẽ được thực hiện ngay trong quý IV/2016. Tương tự, CTCP Khoáng sản và Đầu tư Visaco (VMI) đang dự kiến phát hành gần 5,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1, với giá 10.000 đồng/CP, cao hơn nhiều so mức thị giá hiện tại khoảng 6.000 đồng/CP.
Theo VMI, nếu việc phát hành thành công, tổng số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán là gần 55 tỷ đồng sẽ được sử dụng cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng các trạm nhà điều hành và trạm lưu động. VMI cũng cho biết, trong trường hợp chào bán không thu đủ số tiền như dự kiến, HĐQT sẽ huy động từ các nguồn khác như vay ngân hàng, vay cá nhân hoặc sử dụng linh hoạt vốn lưu động hiện có để đầu tư các dự án của Công ty…
Nghệ thuật thu xếp phía sau các thông báo phát hành
Khi DN công bố kế hoạch phát hành với mức giá chào bán dự kiến cao hơn nhiều so với thị giá, chắc hẳn sẽ có nhiều nhà đầu tư nghi ngờ vào khả năng thành công của đợt phát hành, rằng “ai lại dại dột mua vào cổ phiếu trong khi có thể mua trên sàn giá rẻ hơn”? Nhưng thực tế cho thấy, nhiều đợt phát hành như vậy, DN vẫn chốt xong như thường!
Chẳng hạn, CTCP Địa ốc Hoàng Quân (HQC), CTCP Bamboo Capital (BCG) đã phát hành tăng vốn thành công với mức giá 10.000 đồng/CP trong khi thị giá thời điểm đó của cổ phiếu chỉ có 6.000 - 7.000 đồng/CP… Mới đây, Tập đoàn FLC (FLC) đã phát hành 180 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 59:20 với giá 10.000 đồng/CP, trong khi thị giá cổ phiếu FLC lúc công bố thông tin phát hành xoay quanh 8.000 đồng/CP…
Theo phân tích của một số chuyên gia tài chính, việc DN phát hành với giá cao hơn thị giá sẽ có “cửa” thành công, khi rơi vào một trong hai tình huống sau: Thứ nhất, DN công bố đợt phát hành kèm theo các dự án đang triển khai, nhà đầu tư kỳ vọng dự án sẽ giúp DN “bật sáng”, tương lai thị giá của cổ phiếu trên thị trường được đẩy lên.
Khi đó, mức giá phát hành mà doanh nghiệp đưa ra trở nên hợp lý. Thứ hai, nếu đến ngày phát hành mà giá trên sàn chỉ loanh quanh vài nghìn đồng một cổ phiếu, nhà đầu tư đại chúng chắc chắn lắc đầu thì một nhóm cá nhân (có thể là người một nhà hoặc được gọi với cái tên bóng bẩy là nhà đầu tư chiến lược) sẽ mua số cổ phiếu DN dự kiến phát hành.
Cũng có khả năng DN chuẩn bị sẵn việc liên kết một nhóm người có tiền để tạm “chốt” thương vụ phát hành và cam kết trả lãi/lợi nhuận cho người bỏ vốn. Khi có vốn mới, thông tin về các dự án triển khai rầm rộ, có thể giúp giá cổ phiếu tăng vượt qua mệnh giá và đó cũng là lúc người mua cổ phiếu giá cao có cơ hội thoát hàng.
Xét ở góc độ pháp luật, khi doanh nghiệp phát hành cho cổ đông hiện hữu, nhưng cổ đông không đăng ký mua, buộc DN phải bán riêng lẻ cho một số nhà đầu tư là không sai. Tuy nhiên, các cổ đông này có mối quan hệ ràng buộc như thế nào với doanh nghiệp để sẵn sàng chi ra số tiền lớn hơn mua trên sàn, có lẽ chỉ có người trong cuộc mới hiểu.

Theo Hải Vân/ĐTCK

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...