Tại sao các nhà hàng sang trọng khắp thế giới thường phục vụ những món ăn có giá đắt đỏ nhưng định lượng lại thường không tương xứng? Đối với người ăn theo hệ đam mê “trọng lượng” thì đây chẳng khác nào “ngược đãi” chiếc bụng đói khi mỗi món chỉ một gắp là hết sạch. Nhưng đây lại chính là điểm tạo nên sự khác biệt giữa một nhà hàng sang trọng và một quán ăn bình dân.
Những bữa ăn trong các nhà hàng hạng sang thường để thưởng thức, "ăn vui" là chính. Ảnh: Hotel Job
1. Mỗi món ăn đều có nguyên liệu đắt tiền
Trước tiên, phần ăn trong các nhà hàng cao cấp thường ít vì giá thành nhập nguyên liệu tương đối cao. Để giữ hình tượng, nhà hàng hạng sang sẽ chỉ lấy nguyên liệu từ những nguồn xa xỉ nhất. Việc làm này tăng chi phí và ảnh hưởng đến giá thực đơn. Để giữ giá không quá cao, họ phục vụ các phần ăn nhỏ hơn. Chẳng hạn như 0,45kg thịt bò Wagyu giá gần 5 triệu đồng và một kg trứng cá muối có giá khoảng gần 23 triệu đồng. Hãy tưởng tượng một món ăn "đóng gói" đầy đủ với những nguyên liệu này và thêm nấm cục trắng của Ý (giá khoảng 17 triệu đồng mỗi kg), giá cả sẽ cao đến thế nào? Do đó, nếu phục vụ phần ăn lớn thì giá thành cũng sẽ đội lên.
Nguyên liệu đầu vào đắt đỏ nên khẩu phần cũng phải ít đi để giá bán hợp lý hơn.
2. Đầu tư vào trải nghiệm
Các nhà hàng đắt tiền đề cao trải nghiệm ăn uống của thực khách. Đồng thời, khách đến những địa chỉ này mong muốn tìm kiếm những hương vị và trải nghiệm độc đáo hơn là để no bụng. Với những khẩu phần ăn nhỏ, họ sẽ được nếm thử nhiều loại đồ ăn khác nhau và có thể cảm nhận cũng như phân biệt được hương vị tươi ngon, tinh tế của từng món.
Những miếng đầu tiên trong bữa ăn luôn có vị ngon nhất. Đó là bởi vị giác của bạn trở nên ít nhạy cảm hơn khi bạn ăn nhiều.
3. Mỗi món ăn là một tác phẩm nghệ thuật của người đầu bếp
Đối với các nhà hàng đắt tiền, kỹ thuật nấu ăn đã phát triển thành sự pha trộn giữa thẩm mỹ, nghệ thuật và thiết kế. Như một tác phẩm nghệ thuật, các phần nhỏ hơn cho phép đầu bếp có đủ không gian trên đĩa để thể hiện tác phẩm nghệ thuật của họ. Món ăn Pháp Gargouillou bao gồm ít nhất 16 loại rau được nấu riêng, sau đó sắp xếp trên đĩa trông như một tác phẩm nghệ thuật có thể gây ấn tượng với bất kỳ thực khách nào.
Chiếc đĩa được sắp xếp như một tác phẩm nghệ thuật và chắc chắn sẽ gây ấn tượng với bất kỳ khách hàng nào nhìn thấy.
4. Thưởng thức được nhiều món hơn
Mặt khác, tại các nhà hàng cao cấp, mỗi bữa ăn sẽ có từ 3-6 món, thậm chí lên đến 30 món. Nếu món nào cũng được phục vụ với kích thước thông thường thì thực khách sẽ không thể trải nghiệm hết được. Còn khi giảm kích thước khẩu phần, sau khi ăn xong bữa chính, khách hàng vẫn có thể gọi tiếp món tráng miệng được.
Phần ăn ít sẽ giúp thực khách thưởng thức được nhiều món hơn.
5. Tạo ấn tượng đẳng cấp
Việc giảm đi khẩu phần ăn cũng được xem là chiêu thức đánh vào tâm lý “của hiếm là của quý” của khách hàng. Nếu là những món có thể ăn bao nhiêu tùy thích hay dễ dàng tìm được ở bất kì đâu thì người ta sẽ không còn xem trọng nó nữa. Và một trong những ý kiến được đưa ra nhiều nhất đó là thực tế, có không ít nhà hàng đang cố tình phục vụ phần ăn nhỏ. Bởi lẽ đây dần trở thành dấu hiệu nhận biết của các nhà hàng hạng sang nên đầu bếp làm vậy để nâng tầm đẳng cấp lên.
Không có gì ngạc nhiên khi được đến nơi sang trọng và thưởng thức một bữa ăn cũng mang lại những cảm xúc tương tự, đặc biệt là khi món ăn chứa một lượng nhỏ nguyên liệu mà chúng ta cho rằng nó có chất lượng hảo hạng.