Nghĩ về “Chiến dịch” mở lối xây cáp treo đầu tiên trên đỉnh Bà Nà

Tuyến cáp treo đầu tiên lên đỉnh Bà Nà được thực hiện chỉ trong 1 năm, đó là một chiến dịch kỷ lục trong mắt các chuyên gia từ đối tác cáp treo của Áo- Dopperlmayr.
Nghĩ về “Chiến dịch” mở lối xây cáp treo đầu tiên trên đỉnh Bà Nà

Câu chuyện về quá trình mở lối xây tuyến cáp số 1, nối liền từ chân núi lên đến đỉnh Núi Chúa, cho đến bây giờ vẫn là những kí ức không thể nào quên đối với anh Vũ Huy Thắng- Cựu Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Cáp treo Bà Nà, “tổng chỉ huy” của “chiến dịch” nổi tiếng khiến đối tác nước ngoài cũng phải ngả mũ thán phục.

Anh còn nhớ mình đã đến với Bà Nà như thế nào không?

Lần đầu tiên, ban lãnh đạo TP Đà Nẵng đưa anh em chúng tôi lên Bà Nà. Tôi nhớ đó là khoảng những ngày tháng 10/2007, khi ấy Bà Nà bắt đầu vào mùa mưa, rất ít khách lên, rất buồn, rất âm u. Lãnh đạo TP có nói rằng “đây là “đứa con gái út” của TP. Đà Nẵng, Đà Nẵng “gả” cho Tập đoàn Sun Group”. Khi chúng tôi lên đến Bà Nà, thấy âm u quá, khung cảnh buồn, thực sự không có ý định đầu tư. Nhưng khi lãnh đạo TP Đà Nẵng nói như vậy, anh Lam (Chủ tịch HĐSL Sun Group Lê Viết Lam-PV) đã chỉ đạo chúng tôi quyết tâm làm dự án này. Anh hỏi chúng tôi: “Làm trong thời gian bao lâu?”. Dù trước đó cũng có kinh nghiệm làm ở Vinpearl rồi, nhưng tôi cũng chưa dám trả lời bao lâu thì xong, và anh em quyết tâm rằng, chỉ trong một năm phải xong.

Khi trao đổi ý này với nhà cung cấp thiết bị cáp treo từ Áo, người ta nói rằng, đây là tuyến cáp treo có thể đạt 2 kỷ lục thế giới về chiều dài, chiều cao. Và nếu làm trong 1 năm, thì là thêm một kỷ lục nữa. Về sau, cáp treo được nhận 2 kỷ lục, nhưng thực ra dưới con mắt của họ, chúng ta đã đạt thêm một kỷ lục nữa về thời gian, tiến độ.

Địa hình của Bà Nà có phải là một thách thức với các anh khi đó? Và các anh làm thế nào để có thể đạt được mục tiêu sau một năm phải hoàn thành?

Thời điểm đó rất khó khăn. Các thiết bị của tuyến cáp được lắp đặt trong rừng, địa hình rừng núi, rừng cây nguyên sinh, mà không được làm đường công vụ, không được chặt cây. Để làm được điều đấy rất khó, nếu ở nước ngoài thì người ta phải dùng trực thăng, nhưng ở Việt Nam chưa có, mà cũng đắt. Cáp treo trên thế giới người ta làm nhiều rồi nhưng làm theo kiểu của người ta, còn cáp treo như ở Bà Nà thì lần đầu được áp dụng.

Và một điều ấn tượng nữa, khi chúng tôi làm cáp treo như vậy, địa hình, cung đường trải dài hơn 5km trong rừng, việc quản lý, trông nom thiết bị rất khó. Tuy nhiên, chúng tôi không hề mất mát gì cả từ con bulong đến sợi dây cáp. Người Đà Nẵng coi đây là tuyến cáp của họ, của Đà Nẵng chứ không phải của riêng Sun Group, chính vì thế họ trông nom, bảo vệ tuyến cáp ấy. Đây là kỷ niệm rất đáng nhớ. Chúng tôi rất cảm kích tấm lòng của người dân Đà Nẵng. Và sau này, ban lãnh đạo đã có chủ trương, cứ là người dân Đà Nẵng-Quảng Nam, có hộ khẩu thì được ưu tiên giảm giá một nửa.

Trong quá trình làm, rất vất vả. Đầu tiên phải tìm giải pháp làm sao vận chuyển được khối thiết bị - vật tư lớn mà không được chặt cây? Chúng tôi đã nghĩ ra cách tự chế đường cáp công vụ và giải pháp này về sau đã được áp dụng ở các nơi khác. Khi đã có giải pháp thì câu chuyện còn lại là triển khai, sức người sức máy mà triển khai thôi.

Để có được sự thành công đó, tiến độ đó, ngoài có chuyên môn sức khỏe, sự đầu tư, còn có yếu tố nữa về con người. Phải có sự tự tin, yêu thiên nhiên, đam mê công việc, có trách nghiệm mới dám làm những công việc như vậy.

Liệu có thể nói thiên nhiên Bà Nà cũng là một phần lý do khiến các anh chinh phục cho bằng được đỉnh hoang vu này?

Tôi không bao giờ quên cái cảm giác của mùa mưa gần đến, Bà Nà hoang vu lắm, toàn sương mù. Nghĩ là khó, chỉ để kinh doanh thì khó, đường sá hiểm trở như vậy. Về sau, khi tôi ở đó rồi, lái xe người ta nói với nhau là “bất đáo Bà Nà phi hảo hán”, nghĩa là chưa lái xe lên được tuyến Bà Nà thì chưa phải hảo hán, bởi đường lên Bà Nà rất hiểm trở. Khó, nhưng khi nhận được sự tin tưởng của UBND TP Đà Nẵng, nhất là người dân Đà Nẵng, Tập đoàn Sun Group đã quyết tâm làm dự án này. Bằng tình yêu thiên nhiên, trách nhiệm thì bây giờ Bà Nà đã được như hôm nay.

Cảnh đẹp ở Bà Nà thì không đâu có. Ví dụ như đêm trăng ở Bà Nà, rất khác biệt với ở thành phố, bình minh ở Bà Nà cũng thế, rất khác biệt. Tiếng chim kêu vượn hót… ở đấy rất nhiều. Mùa xuân, ở Bà Nà có hoa đào chuông rất đặc biệt. Loài hoa chỉ có ở độ cao 1300m trở lên, mỗi bông hoa có 5 cánh, mỗi cánh như có một giọt nước, rất đặc thù, và nó nở giữa màu xanh của núi rừng, đẹp lắm. Có một lần tôi mang cành đào chuông về Hà Nội, nổi bật hẳn so với đào bích ở thủ đô. Có một cái gì đó rất hoang sơ.

Và cũng vì tình yêu đó mà các anh quyết định nhanh chóng phải làm tuyến cáp trong một năm?

Để quyết định làm dự án này chỉ trong 1 tiếng, 1 tiếng thôi đã quyết định rồi, không phải trong 3 năm đâu. Tuy nhiên, chúng tôi có khoảng 3 tháng khảo sát, từ thiết kế tuyến, đo đạc địa hình, khoan khảo sát. Đầu tiên thấy Bà Nà hoang vu nên sợ, càng về sau càng thấy gần gũi và yêu nó, mặc dù nó rất hiểm trở, nguy hiểm, nhất là khi gặp rắn xanh. Có rất nhiều kỷ niệm vui, Bà Nà đẹp như vậy, nhưng cũng có kỷ niệm buồn.

Tôi nhớ có lần đi khảo sát, buổi tối anh em hay mắc võng ở gần suối, ở suối có tảng đá rất to, anh em mắc võng ở đấy. Chúng tôi đi cùng người dẫn đường địa phương, anh ta rất am hiểu Bà Nà. Đang đêm, anh em đang ngủ, anh ta hô: “Chạy, lũ về!”. Sáng hôm sau, quay lại, không còn thấy bát đũa chăn màn…

Khi các anh đặt mục tiêu một năm như vậy, có nhiều nghi ngại không?

Chính đối tác cung cấp thiết bị của Áo cũng nghi ngờ, bởi họ cho rằng không thể đáp ứng được thời gian 1 năm. Nếu làm trong một năm, thì dưới con mắt của họ, mình đạt thêm 1 kỷ lục nữa.

Và khi tôi gọi họ để làm tuyến thứ 2, họ không tin. Tôi nghĩ đây cũng thuộc về tầm nhìn của các lãnh đạo. Các lãnh đạo Sun Group đã thấy tiềm năng Bà Nà, đã quyết tâm đầu tư mạnh mẽ và đạt hiệu quả.

10 năm, không quá dài, nhưng đủ để đổi thay Bà Nà. Là một trong những người đầu tiên đến đỉnh núi Chúa làm cáp treo, cảm xúc trong anh như thế nào khi trở lại mảnh đất này hôm nay?

Tôi rất mừng vì sự phát triển của Bà Nà bây giờ. Nhiều khi mệt mỏi, tôi lại muốn trở về Bà Nà một mình. Đôi khi, chỉ là mua vé đi lên rồi lại đi xuống. Mỗi lần đi lại nhớ kỷ niệm, con người gắn bó với mình. Khi chia tay Bà Nà, tôi có nói vui là, làm ra được dự án cáp treo đấy đã khó, nhưng để duy trì, phát triển, nâng tầm Bà Nà vươn cao thì còn khó hơn. Và tôi rất mừng đến bây giờ nó đã phát triển như thế.

Xin cảm ơn anh!

Có thể bạn quan tâm

AkzoNobel ra mắt sơn ngoại thất siêu cao cấp dành cho các biệt thự

AkzoNobel ra mắt sơn ngoại thất siêu cao cấp dành cho các biệt thự

AkzoNobel vừa chính thức giới thiệu đến người tiêu dùng dòng sơn ngoại thất Dulux Weathershield Royal Shine với tính năng tự làm sạch độc đáo. Đây là dòng sơn sở hữu công nghệ Hybrid Mineral tiên tiến, mang đến giải pháp bảo vệ vượt trội lên tới 12 năm dành cho phân khúc dinh thự cao cấp.

ROX Group xuất sắc nhận “cú đúp” giải thưởng tại APEA 2024

ROX Group xuất sắc nhận “cú đúp” giải thưởng tại APEA 2024

Chiến lược tái định vị thương hiệu ấn tượng cùng nỗ lực khẳng định vị thế trong nước và quốc tế đã giúp ROX Group ghi tên mình vào bảng vàng “Doanh nghiệp xuất sắc châu Á” và “Thương hiệu truyền cảm hứng” của Asia Pacific Enterprise Awards (APEA) 2024...

Tetra Pak kỷ niệm 30 năm thành lập

Tetra Pak kỷ niệm 30 năm thành lập Tetra Pak Việt Nam

Với sứ mệnh "Bảo vệ chất lượng tốt: Thực phẩm, con người và hành tinh", Tetra Pak luôn hướng tới một tương lai bền vững, cung cấp thực phẩm an toàn và chất lượng, thúc đẩy hợp tác trong ngành, và dẫn dắt chuyển đổi bền vững mang lại lợi ích lợi tốt đẹp cho cộng đồng và môi trường.

TNL được vinh danh tại Dot Property Awards Vietnam 2024

TNL được vinh danh tại Dot Property Awards Vietnam 2024

Tại lễ trao giải Dot Property Awards Vietnam 2024, Công ty Cổ phần Đầu tư và Cho thuê Tài sản TNL (TNL Lease Property and Investment JSC) đã được vinh danh trong hạng mục Vietnam’s Best Real Estate Service Firms - Công ty dịch vụ bất động sản tốt nhất Việt Nam...