Theo PGS.TS Phạm Hoàng Lương – Giám đốc Viện KHCN Quốc tế Việt Nam – Nhật Bản; Phó Chủ nhiệm Chương trình KHCN trọng điểm Nhà nước về Nghiên cứu ứng dụng và Phát triển công nghệ Năng lượng, thị trường năng lượng tái tạo trong 2022 gặp một số khó khăn nhưng cũng không thể phủ nhận những tín hiệu tích cực.
Điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2022 đạt 268,4 tỷ kWh, trong đó sản lượng thủy điện tăng 20,8% so với năm 2021 do nước về hồ tốt và việc huy động phát điện phù hợp với quy chế điều hành liên hồ; các nhà máy điện gió, mặt trời đi vào hoạt động ổn định; giá than cao nên EVN điều hành giảm mua điện than. Nhờ đó, sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo (bao gồm cả thủy điện) đã vượt sản lượng nhiệt điện trong năm 2022.
Bên cạnh đó, sản lượng điện từ năng lượng tái tạo đạt trên 129,8 tỷ kWh, bằng 1,24 lần so với sản lượng điện than và trên 96% so với tổng sản lượng điện than và điện khí. Sản lượng điện mặt trời và gió chiếm 12,8% tổng hệ thống.
Năm 2022, các nhà máy điện ngoài EVN đã đóng góp hơn 53% sản lượng điện trong năm.
Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn có những khoảng trống về chính sách, khiến hàng loạt các dự án đã và đang thực hiện, trong đó có những dự án đã đi vào hoạt động đến 15 tháng qua nhưng vẫn chưa có giá, chưa có hợp đồng đàm phán mua bán điện.
Do đó, "Chúng ta cần hoàn thiện quy hoạch điện 8 để tạo điều kiện phát triển cho thị trường", ông Lương nói. Nhà đầu tư rất cần các chính sách cụ thể liên quan tới cơ chế giá điện, đầu tư đấu thầu, hay như quy hoạch ngành biển cụ thể để phát triển điện gió ngoài khơi.
Ngoài ra, cơ chế tài chính, giá FIT cũng chưa làm yên tâm cho các nhà đầu tư, ông Lương cho biết.