Những ngân hàng cắt giảm nhân sự bao gồm Vietinbank, VPBank, ACB, SHB, OCB, NCB, Saigonbank. Trong đó, VPBank và OCB có số nhân viên giảm mạnh nhất năm qua, xấp xỉ 1/5 lượng nhân viên tại ngân hàng mẹ.
Đến cuối năm 2019, tổng số cán bộ, nhân viên ngân hàng mẹ VPBank là 9.436 người, giảm hơn 2.000 người so với đầu năm. Con số cắt giảm bên phía OCB cũng là gần 1/5 nhân sự, với hơn 1.400 người nghỉ việc. Tính riêng 2 nhà băng này, khoảng 3.500 nhân viên đã mất việc năm qua.
Đại diện VPBank lý giải nguyên nhân khiến nhân sự ngân hàng mẹ giảm mạnh năm qua do ngân hàng tập trung phát triển mảng ebank và thực hiện kế hoạch sắp xếp lại nhân sự tại một số bộ phận trọng điểm.
Vị này cho hay, việc đầu tư nhiều vào tự động hóa giúp ngân hàng có cơ sở để giảm bớt số lượng nhân viên, điều này cũng làm giảm bớt chi phí vận hành hàng kỳ.
Vietinbank cắt giảm gần 300 chỉ tiêu, giảm số lượng nhân viên thuộc biên chế ngân hàng mẹ đến cuối năm xuống mức 22.331 người; NCB đã giảm gần 300 người; ACB giảm hơn 200 người; SHB giảm 62 người.
Ngược lại, VIB có tỷ lệ tăng cao nhất với hơn 1.700 nhân sự mới, tương đương tăng 34%. Hiện số lượng nhân viên công tác tại ngân hàng này là gần 7.000 người.
Cũng ghi nhận số lượng nhân viên tăng cao năm qua là TPBank với hơn 1.200 người (tăng 24%). Dù là một trong những ngân hàng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động nhưng nhà băng này vẫn liên tục gia tăng số nhân sự công tác tại ngân hàng mẹ những năm gần đây.
Ngoài ra, lượng nhân viên của VietBank cũng đã 20%; Techcombank tăng 14%; LienVietPostBank tăng 13%; MBBank và SeABank cùng tăng 10%…
Nếu tính theo số người tăng tuyệt đối, Vietcombank là ngân hàng tuyển dụng nhiều nhân viên thứ 2 sau VIB. Nhà băng này đã tuyển thêm 1.696 nhân sự, nâng tổng số cán bộ, nhân viên thuộc biên chế ngân hàng mẹ lên trên 18.400 người vào cuối năm 2019.
Cùng tăng trên 1.000 nhân sự còn có LienVietPostBank, Techcombank, TPBank. Đây cũng là những ngân hàng mở mới nhiều chi nhánh và phòng giao dịch năm qua.
Theo Ts. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV và nhóm nghiên cứu cho rằng, sự thay đổi nhu cầu nhân sự cho thấy, các ngân hàng đang có chính sách điều chỉnh nguồn nhân lực theo hướng tăng nhân lực mảng công nghệ, tư vấn, ra quyết định và giảm nhân lực trong các lĩnh vực tác nghiệp, các lĩnh vực tự động hóa - nơi máy móc có thể làm tốt hơn con người. Trong giai đoạn các ngân hàng đang định hướng lại chiến lược, mô hình kinh doanh, thì tình hình nhân sự sẽ còn biến động mạnh.