Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, sau hơn ba năm triển khai Nghị quyết 19, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta đã có sự cải thiện và tăng hạng đáng kể.
Trong quý III năm nay, nhiều cơ quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết và đạt một số kết quả rõ ràng.
Trong đó, Bộ Công Thương đã thực hiện chuyển 420 mã HS trong tổng số 720 mã HS phải kiểm tra trước thông quan sang giai đoạn sau thông quan.
Tuy nhiên, vấn đề nổi lên trong triển khai Nghị quyết 19 là nhìn chung, các nhiệm vụ về cải cách công tác quản lý và kiểm tra chuyên ngành của các Bộ chưa được quan tâm thực hiện và chưa có sự chuyển biến so với trước.
“Việc kiểm tra chuyên ngành quá mức cần thiết, kiểm tra chồng chéo giữa các cơ quan vẫn đang là gánh nặng và rào cản lớn đối với doanh nghiệp”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Nhiều dự thảo văn bản kiến nghị sửa đổi, bổ sung chưa đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 19 (như yêu cầu về đơn giản hoá thủ tục, áp dụng quản lý rủi ro, quản lý trên cơ sở tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, chuyển sang hậu kiểm, điện tử hoá thủ tục, quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế…).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc tới việc Bộ Y tế đưa ra dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hầu hết các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp không được tiếp thu và nhiều điểm bất cập của Nghị định 38 chưa được sửa đổi, điều chỉnh, nhất là quy định xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP.
Thực tiễn thực thi quy định này cho thấy không có hiệu quả về quản lý nhà nước và gây nhiều khó khăn và tốn kém chi phí cho doanh nghiệp. Hơn nữa, việc ban hành quy định này thiếu căn cứ pháp lý, không phù hợp với thông lệ quốc tế và không có ý nghĩa về hiệu quả quản lý nhà nước.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy định về kiểm dịch thú y đối với sản phẩm động vật là một trong những cản trở, làm tăng chi phí đáng kể của doanh nghiệp. Vấn đề này đã được phản ánh trong nhiều báo cáo, tại nhiều hội thảo. Thực tế cho thấy, tỷ lệ các lô hàng không đạt yêu cầu là rất thấp (dưới 1%), trong khi mức phí kiểm tra chuyên ngành đối với doanh nghiệp ngày càng tăng cao, nhất là phí kiểm dịch thú y.
Một vấn đề khác là đối với hàng hoá phải kiểm tra chất lượng (sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn – hàng hoá nhóm 2 – do các Bộ quản lý chuyên ngành ban hành Danh mục), số lượng hàng hoá nhóm 2 là 478 Nhóm hàng hoá (với hàng nghìn mặt hàng).
Kết quả kiểm tra chuyên ngành nhiều năm liền cho thấy có thể loại một số đáng kể sản phẩm ra khỏi danh mục hàng hoá nhóm 2 trong thẩm quyền quản lý chuyên ngành của Bộ. Chính phủ cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo các Bộ quản lý chuyên ngành rà soát, đề xuất cắt giảm từ 1/3 – 1/2 số sản phẩm hiện đang thuộc danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các Bộ. Tuy nhiên, theo thông tin nhận được cho đến nay, ngoài Bộ Khoa học và Công nghệ đã bắt đầu thực hiện rà soát, hầu hết các Bộ quản lý chuyên ngành khác chưa thực hiện nhiệm vụ này.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiều mặt hàng đang chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định khác nhau, thuộc thẩm quyền của nhiều đơn vị trong cùng một Bộ, hoặc của nhiều Bộ khác nhau. Tỷ lệ mặt hàng phải thực hiện 2 hoặc 3 thủ tục kiểm tra chuyên ngành với các cơ quan quản lý nhà nước khác nhau chiếm khoảng 58%. Tuy nhiên, chưa có động thái nào từ phía các Bộ quản lý chuyên ngành về việc phối hợp để thống nhất một đầu mối kiểm tra, giảm gánh nặng thủ tục cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, ứng dụng công nghệ thông tin trực tuyến trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành rất hạn chế, hầu hết các Bộ vẫn áp dụng hình thức thủ công, giấy tờ trong tiếp nhận và trả kết quả kiểm tra.
Đáng chú ý là Cổng thông tin một cửa quốc gia đã đi vào hoạt động, đến nay 11 Bộ tham gia thực hiện kết nối 39 trong tổng số khoảng 130 thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành, nhưng đa số là các thủ tục không phổ biến, ví dụ Bộ Công Thương tham gia kết nối 6 thủ tục, nhưng trong đó 4 thủ tục rất ít doanh nghiệp thực hiện. vì thế hiệu quả thực hiện qua Cổng thông tin một cửa quốc gia rất thấp.
Trong số các thủ tục đã tham gia kết nối, thủ tục đăng kiểm được đánh giá là có hiệu quả đáng kể nhất.
>> “Bóc mẽ” các điều kiện kinh doanh