Nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay

Các ngân hàng thương mại tiếp tục tung ra một loạt gói vay ưu đãi lãi suất nhằm kích cầu tín dụng, giúp người dân, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...
Nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) vừa thông báo, từ nay đến 31/12/2023, MSB tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 1%/năm so với lãi suất hiện hành dành cho các khách hàng cá nhân đang vay vốn tại MSB.

Đây là lần điều chỉnh thứ 2 trong năm 2023, MSB thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng có dư nợ hiện hữu tại ngân hàng. Đối tượng được hưởng ưu đãi là tất cả khách hàng cá nhân vay có tài sản bảo đảm đang có dư nợ tại MSB, thỏa mãn các điều kiện của chương trình.

Với nhóm khách hàng mới, MSB cũng đẩy mạnh các gói tín dụng cạnh tranh với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay như cho vay kinh doanh, thế chấp linh hoạt, bất động sản… Trong đó, tiêu biểu là gói giải pháp “Cơn lốc kinh doanh” với mức lãi suất hiện tại chỉ 10,5%/năm; vay mua bất động sản chỉ còn 10,99%/năm.

Bên cạnh giảm lãi suất, MSB còn ưu đãi các phí dịch vụ, linh hoạt về thủ tục, hồ sơ vay vốn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay nhanh chóng, kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất và mua sắm, tiêu dùng giai đoạn cuối năm 2023. Đồng thời, MSB chủ động cung cấp các giải pháp thuận ích khác trên môi trường số, giúp khách hàng có thể giao dịch 100% trực tuyến từ việc mở tài khoản đến các tính năng khác một cách dễ dàng, nhanh chóng.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Phó Tổng Giám đốc MSB, Tổng Giám đốc Ngân hàng Bán lẻ cho biết: “Bên cạnh việc thực hiện theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, thông qua các gói hỗ trợ tín dụng, MSB kỳ vọng có thể giúp khách hàng tối ưu chi phí, kịp thời bổ sung nguồn vốn kinh doanh, hiện thực hóa các nhu cầu chi tiêu đồng thời thể hiện mong muốn khách hàng tiếp tục tin tưởng, gắn bó với MSB”.

MSB giảm lãi suất
MSB giảm tiếp 1%/năm lãi suất vay với khách hàng hiện hữu

Trước đó, từ ngày 15/6/2023, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV) chính thức triển khai gói tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản nhà ở thương mại với quy mô 20.000 tỷ đồng.

Chương trình áp dụng đến hết ngày 31/12/2024 hoặc đến khi hết quy mô của gói tín dụng, tùy theo điều kiện nào đến trước. Các chủ đầu tư thực hiện các dự án nhà ở thương mại có phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, có khả năng tiêu thụ tốt và phù hợp với nhu cầu thực tế về nhà ở trên thị trường sẽ được hỗ trợ vay vốn với lãi suất từ 8,5%/năm. Đối với các cá nhân, lãi suất cho vay áp dụng từ 7,8%/năm.

Trước đó, thực hiện hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về triển khai chương trình 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP; BIDV đã triển khai gói tín dụng quy mô 30 nghìn tỷ đồng cho vay với lãi suất thấp hơn từ 1,5-2 điểm phần trăm so với mức thông thường của các ngân hàng.

Đồng thời, kể từ 1/6/2023, BIDV đã tiếp tục giảm lãi suất cho vay tới 0,5%/năm so với lãi suất hiện hành đối với các khoản vay trung và dài hạn hiện hữu và chưa được áp dụng lãi suất cạnh tranh trước đó. Đây là lần thứ 2 trong năm 2023 BIDV thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng có dư nợ hiện hữu tại ngân hàng.

Ngoài ra, ngay từ đầu năm, BIDV đã tiên phong trong việc triển khai các gói tín dụng cạnh tranh với mức lãi suất hỗ trợ lên tới 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí hợp lý.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Quốc Tế (VIB) đã 4 lần giảm lãi vay, các mức giảm từ 0,5-3,5%/năm tùy theo khoản vay và điều kiện khách hàng.

Cụ thể, lãi suất vay bổ sung vốn lưu động cho khách hàng kinh doanh có mức giảm mạnh nhất. Sau các đợt giảm từ đầu năm đến nay, mức lãi suất cho vay kinh doanh tại ngân hàng hiện từ 8%/năm đối với khách hàng cá nhân hoặc chủ doanh nghiệp siêu nhỏ, thường xuyên giao dịch tại VIB.

Đại diện VIB cho biết, mới đây ngân hàng quyết định giảm thêm đến 1%/năm cho khách hàng có khoản vay từ ngày 15/6 - 31/7, áp dụng đồng thời với các chương trình giảm lãi suất khác. Như vậy, khách hàng vay kinh doanh tại VIB trong thời gian này có thể được hưởng mức lãi suất chỉ từ 7%/năm. Ngân hàng cũng thực hiện giảm lãi cho cả khách hàng mới và khách hàng có khoản vay hiện hữu.

Đối với người có nhu cầu vay mua bất động sản, ngân hàng VIB áp dụng giảm thêm 0,5 điểm phần trăm cho các khoản giải ngân mới từ ngày 15/6 - 31/7, giảm đồng thời lãi suất dành cho các khách hàng có khoản vay hiện hữu.

Hay như, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng có lần giảm lãi suất vay thứ 5 kể từ đầu năm 2023. Ngân hàng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ trực tiếp các đối tượng khách hàng, giúp giảm thiểu chi phí để tập trung tái cơ cấu, khôi phục hoạt động kinh doanh. Agribank giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với dư nợ trung dài hạn hiện hữu của khách hàng, thời gian áp dụng từ ngày 15/5/2023 đến hết ngày 30/9/2023.

lãi suất cho vay

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã gửi công điện, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, ứng dụng chuyển đổi số, tăng cường quản lý hiệu quả, giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo…

Qua đó, để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thiết thực, đúng đối tượng nhằm giải quyết khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là về đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng, góp phần kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa lao động giá rẻ và vốn có chi phí thấp, góp phần giảm chi phí, tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa phát triển theo chiều rộng vừa phát triển theo chiều sâu.

Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, lãi suất tiền gửi và cho vay mới có xu hướng giảm dần. Lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7%/năm so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1%/năm so với cuối năm 2022).

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Có thể bạn quan tâm