Các ngân hàng đồng loạt thiết lập mặt bằng lãi suất huy động mới

Sau quyết định mới của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm lãi suất huy động tại hầu hết các kỳ hạn kể từ ngày 19/6...
lãi suất huy động

Theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, kể từ ngày 19/6, lãi suất huy động tối đa mà ngân hàng áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng sẽ chính thức giảm từ mức 5%/năm xuống 4,75%/năm. Còn lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng giảm 0,5 điểm phần trăm các loại lãi suất điều hành quan trọng từ ngày 19/6, như lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ, lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức, lãi suất tái chiết khấu...

Ngay sau khi quyết định này có hiệu lực, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm lãi suất huy động tại hầu hết các kỳ hạn.

Theo khảo sát biểu lãi suất tiết kiệm niêm yết trên website của 30 ngân hàng cho thấy, phần lớn các ngân hàng đều giảm lãi suất tại các kỳ hạn dưới 6 tháng về mức 4,75%/năm. Thậm chí, nhiều ngân hàng còn điều chỉnh giảm xuống dưới mức 4,75%/năm, huy động trong khoảng 3,4%/năm – 4,7%/năm. Bên cạnh các kỳ hạn dưới 6 tháng, nhiều ngân hàng cũng giảm mạnh lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Cụ thể, PVCombank giảm mạnh 0,5 điểm phần trăm lãi suất đối với các kỳ hạn 6 tháng trở lên. Theo đó, kỳ hạn 6 tháng lãi suất còn 7%/năm; kỳ hạn 7 tháng và 8 tháng còn 7,3%/năm. Lãi suất 7,4%/năm hiện đang áp dụng cho kỳ hạn 9 tháng và 10 tháng; 7,5%/năm cho kỳ hạn 11 tháng; 7,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và 7,8%/năm các kỳ hạn trên 12 tháng.

Tương tự, Nam A Bank cũng giảm từ 0,1 - 0,3 điểm phần trăm lãi suất đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Do đó, lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 - 9 tháng còn 7,6%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 - 14 tháng giảm nhẹ 0,1%/năm còn 7,7%/năm. Mức giảm tương tự cũng đã đưa lãi suất tiền gửi các kỳ hạn 15 tháng trở lên về mức 7,5%/năm.

Ngân hàng VPBank cũng giảm 0,3 điểm phần trăm lãi suất huy động ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện mức lãi suất tiền gửi cao nhất mà ngân hàng này áp dụng là 7,3%/năm cho các kỳ hạn 7 - 9 tháng, theo hình thức gửi tiền online.

Bac A Bank giảm lãi suất thêm 0,1 điểm phần trăm ở các kỳ hạn 6 tháng đến 15 tháng. Lãi suất huy động kỳ hạn 6 - 8 tháng tại ngân hàng này là 7,6%/năm. Kỳ hạn 9 - 11 tháng là 7,7%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 7,8%/năm; kỳ hạn 13 - 15 tháng 7,85%/năm. Riêng tiền gửi các kỳ hạn 18 tháng trở lên điều chỉnh giảm 0,2 điểm phần trăm còn 7,9%/năm.

BaoViet Bank cũng vừa giảm lãi suất lần thứ 2 trong tháng. Mức giảm cụ thể lên đến 0,5 điểm phần trăm. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 6 tháng còn 7%/năm; kỳ hạn 7 - 11 tháng còn 7,1%/năm.

Ngân hàng OCB cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động với mức giảm mạnh 0,5 điểm phần trăm. Sau điều chỉnh, mức lãi suất tại kỳ hạn 6 - 9 tháng còn 7,4%/năm; kỳ hạn 12 -15 tháng còn 7,6%/năm; các kỳ hạn từ 18 tháng trở lên được giảm 0,2 điểm phần trăm còn 7,4%/năm.

Mới đây, Viet A Bank cũng giảm lần lãi suất lần thứ hai với mức giảm 0,2 phần trăm tại các kỳ hạn 6 tháng trở lên. Lãi suất kỳ hạn 6 - 11 tháng còn 7,4%/năm; kỳ hạn 12 - 18 tháng 7,6%/năm. Riêng lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng được ngân hàng giảm về mức 4,6%/năm.

Ngân hàng ACB cũng giảm 0,4 – 0,6 điểm phần trăm lãi suất huy động các kỳ hạn dài, đưa mức cao nhất về còn 6,9%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi trên 6 – 12 tháng với số tiền gửi tối thiểu 5 tỷ đồng.

Hiện những ngân hàng có lãi suất cao nhất trên thị trường vẫn là các ngân hàng nhỏ như ABBank, GPBank, OceanBank, SeAbank…với lãi suất niêm yết cao nhất trong khoảng 8%/năm – 8,5%/năm. Chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng nhỏ và ngân hàng lớn hiện nay khá đáng kể. Điển hình như tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất của một số ngân hàng nhỏ là 7,6%/năm - 8,3%/năm, trong khi đó những ngân hàng quốc doanh lớn chỉ 6,3%/năm – 6,8%/năm.

Đối với nhóm ngân hàng quốc doanh, biểu lãi suất huy động áp dụng cho khách hàng cá nhân được điều chỉnh mạnh tay đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng. Trong đó, ngân hàng BIDV, Vietcombank và Vietinbank đồng loạt giảm 0,4 điểm phần trăm lãi suất tại các kỳ hạn dưới 6 tháng.

Cụ thể, lãi suất niêm yết ở hai kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng còn 4,1%/năm; kỳ hạn 3 – 5 tháng còn 4,6%/năm. Tuy nhiên, với kỳ hạn 12 tháng trở lên, các ngân hàng này duy trì giữ nguyên mức lãi suất 6,8%/năm.

Đáng chú ý, Agribank không chỉ giảm sâu các kỳ hạn dưới 6 tháng mà còn giảm 0,3 -0,5 điểm phần trăm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện lãi suất huy động cao nhất mà ngân hàng này niêm yết là 6,3%/năm dành cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Với mức điều chỉnh trên, Agribank hiện có biểu lãi suất huy động thấp nhất hệ thống.

lãi suất huy động
lãi suất huy động

Đây là lần thứ 4 liên tiếp, nhà điều hành tệ hạ lãi suất điều hành kể từ đầu năm đến nay. Lần giảm lãi suất này diễn ra ngay sau chỉ đạo của Chính phủ trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa quyết định không tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp 14/6.

Nêu quan điểm về lần giảm lãi suất này, PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết, đây sẽ là điều kiện thuận lợi giúp mặt bằng lãi suất huy động hạ nhiệt; đồng thời các ngân hàng có thêm dư địa tiết giảm lãi suất cho vay các doanh nghiệp. Như vậy, gánh nặng về lãi vay, khả năng tiếp cận tín dụng... của các doanh nghiệp cũng sẽ được cải thiện. Từ đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại.

Nhấn mạnh rằng lần giảm lãi suất điều hành này có điểm đặc biệt, PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh cho biết, trần lãi suất huy động chỉ giảm 0,25 điểm phần trăm, tức là từ 5%/năm xuống 4,75%/năm thay vì mức giảm 0,5 điểm phần trăm như các mức lãi tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu...

Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng nhận định: "Tôi cho rằng, mức lãi suất huy động có vai trò rất quan trọng vì chúng ta sẽ phải đảm bảo chênh lệch lãi suất đủ lớn giữa tài sản bằng nội tệ với tài sản bằng ngoại tệ để tránh áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại hối. Như vậy, việc chúng ta đưa ra trần lãi suất huy động như vậy đã đủ mức lãi suất hấp dẫn đối với tài sản bằng VND. Từ đó giảm tình trạng đô la hóa, giảm áp lực về cầu ngoại tệ cho thị trường ngoại hối".

Xem thêm

Ngân hàng đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất cho vay

Ngân hàng đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất cho vay

Song song với việc giảm lãi suất huy động, nhiều ngân hàng thương mại đồng thuận giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Mới đây, ngân hàng BIDV đã có thông báo điều chỉnh giảm lãi suất cho vay thêm 0,5%/năm so với lãi suất hiện hành đối với các khoản vay trung và dài hạn...

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...