Việc lựa chọn được dựa trên cơ sở xét chọn và đề xuất của các cơ quan hữu quan, được xét chọn trên cơ sở các tiêu chí do Bộ Công Thương quy định về mức kim ngạch xuất khẩu tối thiểu, về uy tín trong kinh doanh đối với bạn hàng nước ngoài, về việc chấp hành nghĩa vụ đối với Nhà nước trong lĩnh vực hải quan, lĩnh vực thuế, lĩnh vực môi trường,...
Đây là một hoạt động hết sức cần thiết nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng thị trường, đặc biệt là khi Việt Nam đã tham gia vào một loạt các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.
Sau một thời gian đăng tải danh sách sơ tuyển, tiếp thu các ý kiến phản hồi, ngày 24/8/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2250/QĐ-BCT phê duyệt Danh sách “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2019.
Trên cơ sở đề xuất của 55 cơ quan, tổ chức xét chọn, bao gồm các bộ, ngành, Hiệp hội ngành hàng, Sở Công Thương tỉnh, thành phố, Bộ Công Thương đã xét chọn được 268 doanh nghiệp (tương đương với 277 lượt doanh nghiệp theo 25 ngành hàng).
Trong đó, ngành cao su có 22 doanh nghiệp; cà phê có 11 doanh nghiệp; chè các loại 12 doanh nghiệp; thủy sản 38 doanh nghiệp; gạo 26 doanh nghiệp; hạt điều 13 doanh nghiệp, hạt tiêu 15 doanh nghiệp; rau, củ, quả và các sản phẩm từ rau, củ, quả 15 doanh nghiệp; thủ công mỹ nghệ 9 doanh nghiệp; dược thiết bị y tế 6 doanh nghiệp; dệt may 28 doanh nghiệp…
Danh sách gồm nhiều cái tên lớn như Công ty CP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, Công ty CP Camimex trong lĩnh vực thuỷ sản'; Tổng Công ty May Việt Tiến, Công ty CP May Sông Hồng, Tổng Công ty May 10, trong lĩnh vực dệt may; Vinamilk trong xuất khẩu sữa; Công ty Lương thực Tiềng Giang, CTCP Tập đoàn Intimex, Tổng Công ty thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro) trong lĩnh vực gạo...
Chi tiết danh sách được Bộ Công Thương công bố.