Ngành ngân hàng quyết tâm tăng sức hấp thụ vốn cho doanh nghiệp

Mặc dù nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của tổ chức tín dụng, tuy nhiên, tín dụng chỉ mới có tín hiệu tăng trở lại từ tháng 6. Sang đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,3%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022...

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Ngày 22/8/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức hội thảo với chủ đề: “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm”.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, Việt Nam đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn, bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều trở ngại, thách thức, gây áp lực lớn đối với hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì và khôi phục sức khỏe của khu vực doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu. Trong đó, sự suy giảm khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn là vấn đề được đặc biệt quan tâm, cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp, chính sách hiệu quả để tháo gỡ.

Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra loạt chính sách hỗ trợ khá toàn diện, tác động lên cả về phía cung và cầu để hỗ trợ doanh nghiệp. Có thể kể đến các chính sách về miễn, giảm thuế, phí và lệ phí; hỗ trợ về tài chính và tín dụng; thúc đẩy xuất khẩu, và bảo vệ chuỗi cung ứng

Trong dòng chảy chính sách nêu trên, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành nhiều chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, sự an toàn của hệ thống ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt, những nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí thanh toán... đã góp phần hỗ trợ khu vực doanh nghiệp vượt qua các khó khăn, thách thức, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh để từng bước phục hồi.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, mặc dù toàn ngành ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp. Trong đó, nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của tổ chức tín dụng, tuy nhiên, tín dụng chỉ mới có tín hiệu tăng trở lại từ tháng 6. Sang đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,3%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%). Trong khi đó, định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay lên tới 14-15%.

Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất hạn chế - giải quyết vấn đề này sao cho có hiệu quả là một thách thức lớn của ngành ngân hàng.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như hiện nay. Trong khi các nước vẫn đang thắt chặt tiền tệ thì chúng ta giảm lãi suất, nới lỏng tiền tệ. Đến nay nhiều khoản nợ giãn hoãn từ dịch Covid-19 chưa xong, chúng ta lại tiếp tục giãn hoãn cho nhiều khoản nợ khác.

Phó Thống đốc bày tỏ sự băn khoăn: "Cứ 10 năm thì lại rơi vào tình trạng khó khăn. Người ta hay nói phải chăng đó là quy luật. Vậy khó khăn sẽ kéo dài đến bao giờ? Thực tế hiện nay trên thế giới, chưa thấy nước nào tuyên bố hết khó khăn”.

Hiện nay, nếu không tạo điều kiện cho tín dụng thì sẽ khó có tăng trưởng. Nhưng Phó Thống đốc cũng bày tỏ lo ngại, nếu “tháo” điều kiện tăng trưởng tín dụng thì nợ xấu tăng lên, khiến “cục máu đông” nợ xấu vừa mới tạm thời được xử lý lại quay trở lại.

“Nếu nợ xấu tăng, chúng ta lại rơi vào vòng luẩn quẩn, tạo ra ách tắc vốn cho nền kinh tế”, ông Tú đặt vấn đề.

Theo ông Tú, các ngân hàng đang đứng giữa 2 dòng nước, vừa phải đảm bảo an toàn nợ xấu, vừa phải tăng trưởng, chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp cùng nhau vượt qua. Phó Thống đốc đánh giá, các ngân hàng đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ khách hàng. Thực tế, các ngân hàng không thể lỗ, nếu ngân hàng lỗ sẽ dẫn đến đổ vỡ, kéo theo cả hệ thống khó khăn. Ngân hàng rất khác với doanh nghiệp. ngân hàng chỉ lãi ít lãi nhiều, chứ không thể lỗ. Không chỉ Việt Nam mà các nước cũng vậy.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, đề xuất các sáng kiến, giải pháp để giải quyết bài toán về vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, tập trung đi sâu vào các nội dung chính gồm: Đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô, dự báo triển vọng, nhận diện các khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng.

Chia sẻ về các giải pháp, chính sách của các Bộ, ngành trong thời gian qua và quan điểm về việc triển khai hiệu quả các giải pháp góp phần tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp trong thời gian tới. Thảo luận, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thách thức, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, từ cả góc độ cung và cầu của nền kinh tế.

Cụ thể, về phía cầu nổi bật là các giải pháp triển khai các gói hỗ trợ cho người lao động về thuế, tiền thuê nhà, cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội... Về phía cung là các chính sách về lãi suất; phục hồi các kênh huy động vốn bên cạnh vốn tín dụng; phát huy vai trò của các quỹ đầu tư; tiếp tục triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ về thuế, phí, giảm chi phí tuân thủ; đặc biệt nhấn mạnh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với lĩnh vực bất động sản....

Tất cả những đề xuất trên sẽ hướng đến việc hình thành một khung chính sách tổng thể, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...