Chia sẻ tại hội thảo "Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: khó khăn, thách thức và quyết tâm", PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 đang ở mức thấp hơn rất nhiều so với đầu năm trước đây. Tốc độ tăng trưởng trung bình đang chậm lại qua các giai đoạn; đồng thời trong ngắn hạn trở nên biến động hơn.
So sánh số liệu cho thấy, tăng trưởng trong quý 2/2023 cao hơn so với quý 1/2023 nhưng còn ở dưới xa con số trung bình 5 năm của giai đoạn trước Covid-19. Ngoại trừ khu vực nông - lâm - thủy sản, sản xuất ở 2 khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ đều cho thấy dấu hiệu tiêu cực.
Ở góc độ tổng cầu, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm được đóng góp chủ yếu nhờ nhập khẩu giảm mạnh. Trong khi đó, tồn kho của nền kinh tế lại tăng cao (+20% ở ngành chế biến, chế tạo); sản xuất công nghiệp suy giảm; nền tảng hồi phục không chắc chắn. Đối với doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động giảm. Ngược lại, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể lại tăng cao.
Ông Phạm Thế Anh cho rằng, trong bối cảnh sức cầu rất yếu Chính phủ có thể sử dụng một số biện pháp hỗ trợ tổng cầu có chọn lọc nhưng cần kết hợp các chính sách cải thiện tổng cung tiềm năng.
Nêu ra ba động lực từ phía cầu đều đang suy yếu, vị chuyên gia này chỉ rõ, thứ nhất, tổng mức bán lẻ tăng tốt trong quý 1/2023 nhưng chậm lại trong quý 2/2023.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 1 tăng 13,9%; 6 tháng đầu năm tăng 10,9% và 7 tháng đầu năm chỉ tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái cho thấy xu hướng tăng chậm lại.
“Dự kiến trong thời gian tới, tiêu dùng dự kiến sẽ tăng chậm lại do lãi suất cao, thu nhập và tài sản giảm”, ông Phạm Thế Anh nhận định.
Động lực thứ hai là đầu tư công tăng khá, các thành phần đầu tư khác đều yếu. Đầu tư nhà nước tăng tốc nhưng còn thấp so với kế hoạch năm do thiếu động lực, vướng mắc pháp lý hay giá nguyên vật liệu cao.
Đầu tư tư nhân tăng rất chậm do lãi suất cao, khó tiếp cận tín dụng và phát hành trái phiếu/cổ phiếu, và đặc biệt là do niềm tin giảm sút. FDI ổn định, tuy nhiên khó tăng mạnh cho tới khi kinh tế thế giới và xuất khẩu hồi phục.
Động lực cuối cùng là xuất nhập khẩu hàng hóa đang giảm mạnh hơn qua các quý. Trong khi quý 1/2023, xuất khẩu hàng hóa giảm 10% thì sang quý 2/2023 giảm tới 14,2%, trung bình 7 tháng đầu năm giảm 10,3%. Nhập khẩu hàng hóa quý 1 giảm 13,6%; quý 2 giảm 22,3% và trung bình 7 tháng đầu năm giảm 17,4%. Do nhập khẩu giảm sâu hơn xuất khẩu nên 7 tháng đầu năm, cán cân thương mại thặng dư tới 16,5 tỷ USD.
Trong các tháng cuối năm, vị chuyên gia này dự báo xu hướng tiếp tục khó khăn đối với các mặt hàng hàng tiêu dùng không thiết yếu và liên quan đến nhà ở gây rủi ro mất hẳn đơn hàng. Tuy nhiên, có một điểm tích cực là lượng khách du lịch quốc tế đã tăng 7 lần song vẫn chưa thể bằng với giai đoạn trước dịch Covid-19.
Dự báo về khả năng tăng trưởng năm nay, chuyên gia cho biết, tăng trưởng hồi phục nhẹ nhưng ở mức thấp so với điều kiện bình thường và có nguy cơ kéo dài. Khu vực công nghiệp, đặc biệt là sản xuất chế biến chế tạo, chịu ảnh hưởng mạnh nhất.
"Lạm phát có xu hướng giảm nhanh trong nửa đầu năm, tuy nhiên lạm phát cơ bản giảm chậm hơn. Các đối tác thương mại lớn tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cao, ít nhất là trong phần còn lại của năm", ông Thế Anh nói.
Tại Hội thảo, chuyên gia Phạm Thế Anh đã đưa ra một số gợi ý về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó, cần khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân thông qua tiếp tục việc hạ lãi suất cho vay nhằm giảm chi phí vốn; tăng khả năng tiếp cận vốn trên thị trường chứng khoán; kích thích được tiêu dùng nhờ sự hồi phục của thị trường tài sản. Kết hợp sử dụng tín dụng thuế đầu tư (Investment Tax Credit) ngắn hạn.
“Tuy nhiên, cần kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh 10% và tránh nôn nóng hạ lãi suất chính sách dồn dập. Ưu tiên sử dụng các biện pháp tài khóa”, ông Thế Anh khuyến nghị.
Thêm vào đó, trong bối cảnh lạm phát cơ bản giảm chậm, giới hạn về lãi suất thực dương, bất ổn tỷ giá hay chính sách tiền tệ không đạt hiệu quả kích thích đầu tư vì tâm lý doanh nghiệp hiện vẫn hết sức bi quan và sức cầu yếu thì nên ưu tiên sử dụng các biện pháp tài khóa nghịch chu kỳ.
Dù vậy, để có “dư địa” để thực hiện kích thích tài khóa như nợ công giảm và ổn định ở mức vừa phải; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp so với ngân sách nhà nước không quá căng thẳng’ nợ công nước ngoài thấp (14,7% năm 2021 và 12% năm 2023). Lãi suất vay nợ trái phiếu Chính phủ thấp và kỳ hạn trái phiếu Chính phủ lành mạnh.
Một giải pháp khác là tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, tránh dàn trải. Phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu thực. Bổ sung/xây dựng mới các trường học công đáp ứng đủ nhu cầu xã hội. Theo ông Thế Anh đánh giá, đây là chính sách lâu dài, hạn chế tác động phụ.
Đồng thời, kích thích tiêu dùng thông qua trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc. Nâng mức thu nhập chịu thuế/giảm thuế suất thu nhập cá nhân. Giảm VAT hàng thiết yếu nội địa.
“Ưu điểm của chính sách này là đạt hai mục tiêu an sinh xã hội và kích cầu. Hiệu quả do xu hướng tiêu dùng biên cao. Vừa là chính sách tạm thời vừa lâu dài, ít tác động phụ”, chuyên gia Phạm Thế Anh nhìn nhận.