
Trong bối cảnh đời sống hiện đại ngày càng áp lực, nhu cầu được nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe tinh thần và thể chất đang trở thành một xu hướng mạnh mẽ. Nắm bắt xu hướng ấy, cụm từ “du lịch chữa lành” nhanh chóng trở thành “từ khóa vàng” trên thị trường du lịch. Tuy nhiên, đằng sau ánh hào quang của khái niệm đầy hứa hẹn ấy lại đang xuất hiện không ít khoảng tối, khiến nhiều du khách rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”.
TỪ TRÀO LƯU ĐẾN CHIÊU TRÒ
Anh Tuấn, một hướng dẫn viên lâu năm tại Đà Nẵng chứng kiến rõ sự thay đổi trong xu hướng du lịch vài năm trở lại đây. Theo anh, trước kia khách chủ yếu đi du lịch nghỉ dưỡng hoặc chăm sóc sức khỏe theo nghĩa truyền thống. Còn giờ đây, “chữa lành” một cụm từ mang màu sắc tinh thần, tâm linh bỗng chốc trở thành từ khóa được ưa chuộng, đặc biệt trong giới trẻ thành thị.
“Người ta chọn đi rời khỏi thành phố chật chội, khói bụi, kẹt xe để đến với thiên nhiên, tìm lại sự cân bằng trong tâm hồn. Sau chuyến đi, nhiều người cảm thấy nhẹ nhõm, khỏe khoắn hơn, sẵn sàng quay lại guồng quay công việc,” anh Tuấn chia sẻ. Tuy nhiên, theo anh, không ít tour chỉ mang danh “chữa lành” để bắt kịp xu hướng, nhưng bản chất lại chẳng khác gì tour thông thường, thậm chí khiến khách mệt mỏi hơn vì quá đông đúc, ồn ào và thiếu tổ chức.
“Chữa lành không nằm ở chỗ sang trọng hay giá cao, mà ở sự kết nối với thiên nhiên, sự thư thái trong tâm trí. Đó có thể chỉ là một homestay bình dị, một tour đi thăm vườn, tắm hồ, đi rừng… Nhưng giờ người ta cứ gán mác rồi gom khách đi các điểm du lịch đông đúc, xô bồ thì làm sao gọi là chữa lành được?”, anh nói.

Chị Hằng, giám đốc một công ty du lịch tại Quy Nhơn cho biết bản thân chị cũng nhiều lần đau đầu vì khách hàng bị “ảo tưởng” về khái niệm chữa lành. “Tâm trạng, cảm xúc là thứ rất khó đo lường. Có khách đi tour xong cảm thấy được chữa lành, nhưng cũng có người lại không thấy gì. Do vậy, điều quan trọng là cả khách và đơn vị bán tour phải hiểu rõ về chữa lành là gì. Công ty du lịch phải hiểu rõ nhu cầu của khách, thiết kế hành trình riêng biệt và thực tế", chị nói.
Theo chị, để làm được điều đó, không thể chỉ dừng lại ở việc gom khách lẻ rồi đưa họ vào một khu nghỉ dưỡng đẹp, hay thêm vài hoạt động yoga, thiền định là xong, đó là làm ẩu, mang tính lừa đảo. Hiện nay, những đơn vị làm ăn nghiêm túc, chữa lành thực sự họ thường giới hạn số lượng người, kiểm soát kỹ lưỡng từng yếu tố từ không gian đến hoạt động, để đảm bảo không khí yên tĩnh, riêng tư, vốn là điều kiện tiên quyết để “chữa lành” thật sự xảy ra.
Chị Hằng đưa ví dụ, có một khách sạn tại Quy Nhơn, nơi giới hạn chỉ đón 200 khách mỗi lần, mỗi phòng không quá hai người. “Đó là để giữ cho không gian được tĩnh lặng. Còn nếu khách đến rồi vẫn thấy ồn ào, chen chúc, thì tour đó đã thất bại rồi, dù có mang danh gì đi nữa,” chị chia sẻ.
Một thực tế khác cũng khiến chị lo ngại là tình trạng nhiều khách hàng không tìm hiểu kỹ, dễ dàng bị dụ dỗ bởi những lời quảng cáo như “tăng năng lượng tích cực”, “kích hoạt luân xa”, “đánh thức nội tâm”... mà không hiểu rõ bản chất dịch vụ. “Đây là lĩnh vực rất dễ bị lạm dụng yếu tố tâm linh, siêu hình để bán hàng,” chị cảnh báo.
KHÁCH HÀNG TỰ "GẮN PHAO" HAY SẼ BỊ "NHẤN CHÌM"
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã và đang lợi dụng sức hút của cụm từ “du lịch chữa lành” như một công cụ marketing để đánh vào tâm lý khách hàng đang cần nghỉ ngơi, thư giãn sau những tháng ngày áp lực. Tuy nhiên, không phải tour nào gắn mác “chữa lành” cũng thực sự mang lại hiệu quả chữa lành.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, CEO của AZA Travel chia sẻ: “Đúng nghĩa là tour chữa lành thì khách hàng sau khi trải nghiệm phải thấy nhẹ nhàng, thư thái cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhưng hiện nay, có những tour vẫn là kiểu chạy xô, tham quan dồn dập, ở khách sạn xa thiên nhiên, hoạt động nặng tính tiêu dùng hơn là phục hồi. Như vậy không thể gọi là chữa lành.”
Một tour chữa lành thực sự phải có hành trình thư thái, không vội vã, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và hòa mình vào thiên nhiên. Điểm lưu trú lý tưởng thường là các homestay ở vùng quê thanh bình, hay các resort cao cấp nằm gần rừng, núi, biển,... nơi có không khí trong lành và khung cảnh yên bình.
Hoạt động trong tour phải hướng đến việc cân bằng cảm xúc, như thiền, yoga, dưỡng sinh, đi bộ chậm, hay đơn giản chỉ là ngắm cảnh, uống trà, đọc sách. Những điều này giúp cơ thể vận động nhẹ nhàng và tinh thần được thư giãn thực sự.

Vì chưa có quy chuẩn, nên phần lớn trách nhiệm trong việc “chọn mặt gửi vàng” đang được đặt vào tay chính du khách. Ông Đạt thẳng thắn cho rằng, nếu người mua tour chỉ nghe quảng cáo và phó mặc mọi thứ cho công ty du lịch, thì nguy cơ bị lừa là rất cao.
“Trước khi đăng ký tour, khách phải xem kỹ lịch trình: Hành trình ra sao, nơi lưu trú như thế nào, hoạt động có thực sự mang tính trị liệu về tinh thần và sức khỏe không. Nếu lịch trình dày đặc, điểm đến đông đúc, hoạt động không có chiều sâu thì đó không phải là tour chữa lành. Chưa kể có những trường hợp mang danh ‘chữa lành’ nhưng khách đi về còn mệt mỏi, thất vọng hơn”, ông Đạt cảnh báo.
Điều quan trọng là khách hàng cần chủ động tìm hiểu, đọc kỹ thông tin, thậm chí tra cứu về đơn vị tổ chức. Những tour chữa lành đáng tin cậy thường được vận hành bởi các doanh nghiệp có uy tín, có chuyên gia đồng hành, có lộ trình rõ ràng và đảm bảo tính cá nhân hóa, phù hợp với nhu cầu từng nhóm khách.
Vì theo ông Đạt, thực tế hiện nay, trong hệ thống đào tạo và giáo trình chính thống về du lịch, không có một khái niệm khoa học chính thức nào mang tên “du lịch chữa lành”. Những thuật ngữ hiện có như “du lịch nghỉ dưỡng”, “du lịch sinh thái”, hay “du lịch chăm sóc sức khỏe” mới là các hình thức được nghiên cứu và phân loại rõ ràng. “Du lịch chữa lành”, theo ông Đạt, thực chất là sự giao thoa giữa các loại hình trên, kết hợp thêm yếu tố tinh thần, cảm xúc.
Chính sự mơ hồ về khái niệm khiến các cơ quan quản lý lúng túng trong việc kiểm soát, giám sát và xử lý vi phạm. Vì chưa có một khung pháp lý cụ thể nào cho loại hình du lịch này, nên trong trường hợp phát sinh sai phạm, việc xử lý thường chỉ có thể thực hiện chung chung, theo hướng vi phạm hợp đồng hay hành vi lừa đảo, thay vì dựa trên các tiêu chí chuyên biệt.
Như vậy, một thực tế có thể thấy rõ khoảng trống về pháp lý, nhận thức và đạo đức nghề nghiệp đang tạo điều kiện cho tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó” trong lĩnh vực du lịch chữa lành bùng phát.
Dưới lớp vỏ ngôn từ đầy chất thơ như “nạp năng lượng”, “tìm lại bản thân”, “hòa mình với thiên nhiên”, sẽ có những đơn vị lợi dụng lòng tin và sự mong manh trong tâm lý của khách hàng để kinh doanh một cách thiếu trách nhiệm.
Đã đến lúc cần có những quy chuẩn rõ ràng về nội dung, điều kiện tổ chức, giới hạn hoạt động của loại hình du lịch này, cả về mặt chuyên môn lẫn đạo đức hành nghề. Các cơ quan quản lý, hiệp hội nghề nghiệp và chính các doanh nghiệp trong ngành phải cùng ngồi lại để xây dựng một khung tham chiếu chung, tránh để những mầm non tốt đẹp của “du lịch chữa lành” bị biến dạng thành chiêu trò kiếm tiền trên nỗi bất an của con người hiện đại.
"Trong hành trình đi tìm sự chữa lành, điều người ta cần nhất không phải là một tour du lịch đắt tiền hay một chương trình thiền định kéo dài 5 ngày. Thứ họ cần, có khi chỉ là một không gian đúng nghĩa, nơi không ai bắt họ phải “cảm thấy tốt hơn” một cách ép buộc. Nhưng điều đó chỉ có thể đạt được nếu cả người tổ chức lẫn người tham gia đều cùng tỉnh táo, trung thực và hiểu rõ mình đang tìm kiếm điều gì", chị Hằng, giám đốc một công ty du lịch tại Quy Nhơn cho hay.