Những nữ doanh nhân... tỷ đô của Việt Nam

Các nữ doanh nhân Việt không chỉ điều hành giỏi, kiếm tiền xuất sắc... họ đã và đang trở thành nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ (đặc biệt là các bạn nữ) khởi nghiệp.
Những nữ doanh nhân... tỷ đô của Việt Nam

Nhân ngày 8/3, Thương Gia xin chúc cho các nữ doanh nhân dù bận rộn với việc điều hành những doanh nghiệp, tập đoàn lớn vẫn vẹn nguyên sự yêu thương và bao dung của những người phụ nữ Việt.

Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO Vietjet Air:

Sinh năm 1970, bà Nguyễn Thị Phương Thảo trở thành một cái tên thu hút khá nhiều sự quan tâm của dư luận và giới kinh doanh khi tuổi đời còn khá trẻ. Bà Thảo đồng sáng lập và hiện nắm đa số cổ phần của Sovico, tập đoàn sở hữu ngân hàng HD Bank và hãng hàng không giá rẻ quốc tế Vietjet Air, cả hai đều thuộc quyền điều hành của bà Thảo. HD Bank sáp nhập với Ngân hàng TMCP Đại Á Bank năm 2014, và hiện là một trong những ngân hàng TMCP lớn nhất tại Việt Nam, với tổng tài sản lên đến gần 5 tỷ USD, với 10.000 nhân viên làm việc tại 225 chi nhánh và văn phòng trên cả nước.

Năm 2016, HDBank mua lại Công ty Tài chính Việt Société Générale, một công ty tài chính tiêu dùng thuộc sở hữu Société Générale, Pháp. Theo hồ sơ công ty, Vietjet Air được thành lập năm 2007, mục tiêu “trở thành hãng hàng không uy tín và được ưa thích nhất tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á”. 3 cổ đông chính của Vietjet Air là Tập đoàn T&C, Sovico Holdings và HD Bank. Vốn điều lệ ban đầu của hãng là 600 tỷ đồng (tương đương 37.5 triệu USD) nhưng VietJet đến nay đã trở thành hãng hàng không bình dân dành cho mọi người.

Bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2011, VietJet đang sở hữu 47 đường bay ở trong nước và khu vực châu Á. Được định giá 1 tỷ USD, hãng có giá trị vốn hóa lớn hơn cả Asiana Airlines của Hàn Quốc hay Finnair Oyj của Phần Lan. Với kế hoạch IPO hãng hàng không tư nhân duy nhất tại Việt Nam trong tháng 3 này, số tài sản của nữ đại gia Nguyễn Thị Phương Thảo sẽ vượt qua con số 1 tỷ USD, theo Bloomberg Billionnaires Index, điều này giúp bà Thảo trở thành nữ tỷ phú đầu tiên VN.

Bên cạnh VietJet, bà Nguyễn Thị Phương Thảo còn là cổ đông tại 3 resort tại Việt Nam, bao gồm Furama Resort Đà Nẵng, Evason Ana Mandara Nha Trang và An Lam Ninh Vân Bay Villas.

Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nga - chủ tịch SeABank:

Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nga được xem là nữ doanh nhân quyền lực nhất khu vực phía Bắc, hiện bà đang đảm nhận cương vị Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Nam Á (SeA Bank).

Bà Nguyễn Thị Nga hiện đang giữ chức vị trí chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn BRG là tập đoàn đầu tư trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, sân gofl, khu nghỉ dưỡng với hệ thống nhiều công ty con. Bên cạnh đó, bà Nga còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Cổ phần Intimex Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Nga (SeABank) là người phụ nữ giàu có và quyền lực, nhưng hiện bà đang có bao nhiêu tài sản thì không ai biết chính xác. Hiện bà là Chủ tịch của SeABank, ngân hàng thương mại có tài sản 3,6 tỷ USD, trong đó ngân hàng Pháp Société Générale có 20% cổ phần. Ngoài ra Tập đoàn BRG do bà Nguyễn Thị Nga đứng đầu bao gồm các thành viên: sân Golf quốc tế Đảo Vua – Kings’ Island Golf Resort (Sơn Tây, Hà Nội); khu nghỉ dưỡng ven biển và sân Golf Quốc tế Đồ Sơn Seaside Golf Resort (Hải Phòng); khu vui chơi giải trí thể thao và sân Golf quốc tê Legend Hill - Legend Hill Golf Resort (Sóc Sơn, Hà Nội); khách sạn Hilton Hanoi Opera, khách sạn Hilton Garden Inn... Đồng thời bà còn sở hữu 2 khách sạn lớn tại Hà Nội dưới sự quản lý của Hilton Wordwide. Không dừng lại ở đó, người phụ nữ quyền lực này còn là Chủ tịch CTCP Intimex Việt Nam từ năm 2009.

Bà Thái Hương – Tổng giám đốc ngân hàng Bắc Á Bank, chủ tịch tập đoàn TH:

Cái tên Thái Hương vững vàng trong giới thương trường với 2 vai trò kiêm nhiệm quan trọng là tổng giám đốc ngân hàng Bắc Á Bank, và chủ tịch tập đoàn TH True Milk. Ngân hàng Bắc Á Bank được thành lập năm 1994 bởi bà Thái Hương cùng với một số cộng sự khác, khi mới thành lập Bắc Á Bank chỉ có số vốn vỏn vẹn 20 tỷ đồng, dưới sự lãnh đạo của bà Thái Hương Bắc Á Bank đến nay đã có số vốn điều động lên đến 3.000 tỷ đồng, tuy chỉ là một ngân hàng thuộc loại vừa phải nhưng Bắc Á Bank được bà Thái Hương dẫn dắt đã có những bước phát triển vượt bậc.

Được cho là một doanh nhân bản lĩnh, đầy “ngạo mạn” khi dám thách thức tách ra làm kinh doanh thương hiệu sữa của riêng mình, tự nhập khẩu giống bò Newzealand về áp dụng công nghệ Israel ngay trên mảnh đất quê hương Nghệ An, tự chủ trong việc xây dựng nguồn nguyên liệu riêng cung cấp cho sản xuất sữa TH True Milk.

Tập đoàn TH của bà Hương đầu tư 450 triệu USD vào việc nhập khẩu và nuôi bò để sản xuất chế phẩm sữa tươi với công nghệ Israel. Hiện TH True Milk nuôi 40.000 bò sữa trên diện tích 8.100 hecta và có kế hoạch nâng lên 37.000 hecta.

Doanh nhân Mai Kiều Liên – Tổng giám đốc Vinamilk:

“Nữ tướng sữa”, “nữ hoàng ngành sữa” hay “Margaret Thatcher của Việt Nam” là những biệt danh mà thương trường cũng như báo chí dành để gọi bà Mai Kiều Liên, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm nhiệm CEO của công ty sữa hàng đầu Việt Nam – Vinamilk. Từng tốt nghiệp kỹ sư công nghệ chế biến sữa ở Nga, năm 1976 bà Mai Kiều Liên về làm việc, cống hiến tại công ty sữa và cà phê miền Nam, nay là công ty cổ phần sữa Vinamilk. Kể từ 2003, bà Mai Kiều Liên chính thức là người đứng đầu quản lí Vinamilk, đưa thương hiệu sữa Vinamilk trở nên thành công vang dội trong ngành sản xuất sữa, thành cái tên quen thuộc gần gũi với mọi đối tượng khách hàng.

Trong khoảng thời gian 40 năm gắn bó, 20 năm chịu trách nhiệm điều hành Vinamilk, bà Mai Kiều Liên đưa Vinamilk là một trong những doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá thành công nhất tại Việt Nam có vốn hoá lớn thứ 2 thị trường, khoảng 5 tỷ USD (tương đương hơn 100.000 tỷ đồng), tổng doanh thu thực hiện cả năm 2016 của Vinamilk đạt 46.200 tỷ đồng, tương đương hơn 2 tỷ USD. Vì vậy, dù chẳng có con số thống kê nào về tài sản riêng nhưng bà vẫn được vinh danh là nữ doanh nhân tỷ đô.

Lê Hồng Thủy Tiên – Tổng Giám đốc IPP:

Dưới sự điều hành của bà Thủy Tiên, IPP hiện đang nắm giữ trong tay hơn 150 cửa hiệu bán lẻ, đầu tư hai trung tâm thương mại lớn bao gồm Tràng Tiền Plaza (Hà Nội) và Rex Arcade (TP HCM). Nhiều thương hiệu thời trang lớn nằm dưới sự phân phối độc quyền của IPP như Chanel, Salvatore Ferragamo, Burberry, Versace, Paul&Shark… Ngoài ra, IPP còn “lấn sân” sang lĩnh vực ẩm thực và đồ ăn nhanh.

Hiện tại, bà Thủy Tiên đang nắm giữ một ghế trong hội đồng quản trị Sasco (Công ty dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất), khi cuối năm 2014, ba công ty con của IPP đã chi hơn 310 tỷ đồng để mua lại 23,6% cổ phần của Sasco. Bà đang quản lý 25 công ty gắn liền với việc độc quyền phân phối các thương hiệu thời trang cao cấp, doanh thu hàng năm lên tới 500 triệu USD.

Đặc biệt, IPP hiện đang chiếm 80% thị phần bán hàng miễn thuế tại Việt Nam, và là nhà phân phối độc quyền cho nhiều thương hiệu thời trang tại Việt Nam.

Nổi tiếng là một 'người đàn bà thép' vừa cứng rắn nhưng lại rất mềm mỏng trong tập đoàn, Thủy Tiên nhận được nhiều lòng cảm phục từ phía nhân viên, cùng tình cảm tốt đẹp từ phía đối tác, bởi một người đàn bà vừa quyền lực lại rất bản lĩnh và xinh đẹp.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...