Những sự kiện nổi bật năm 2016 của ngành Công Thương

Năm 2016, ngành Công Thương có những hoạt động, sự kiện nổi bật như: thúc đẩy cổ phần hoá DNNN, niêm yết cổ phiếu, vượt tiến độ Nhà máy Thuỷ điện Lai Châu, điều hành giá xăng dầu, các nhà máy nghìn tỷ
Những sự kiện nổi bật năm 2016 của ngành Công Thương

1- Điều hành giá xăng dầu nhịp nhàng theo thị trường

Năm 2016, liên bộ Tài chính – Công thương đã thực hiện việc điều hành giá xăng dầu trong nước theo diễn biến thị trường và bám sát với biến độ giá thế giới. Theo chu kỳ điều chỉnh tăng giá là 15 ngày, tính đến ngày 20/12, giá xăng dầu trong nước đã tăng 13 lần kể từ đầu năm, với mức tăng cao kỷ lục từ 600- 920 đồng/lít (tăng từ 5,5 – 8%).

Theo đó, liên bộ Công Thương - Tài chính cho phép mức tăng tối đa với mặt hàng xăng là 920 đồng/lít. Xăng E5 tăng 800 đồng, dầu diesel tăng 760 đồng/lít và dầu hoả tăng 734 đồng/lít, dầu madut cũng tăng tối đa là 672 đồng/kg. Với những mức tăng trên, xăng A92 sẽ có mức giá mới tối đa là 17.594 đồng/lít. Giá bán lẻ đầu diesel đẩy lên mức 13.433 đồng/lít. Dầu hoả cũng có mức giá mới là 11.943 đồng/lít.  Madut sẽ được bán không cao hơn mức giá 10.634 đồng/kg.

Năm 2016, giá xăng dầu đã tăng 13 lần 

Theo lý giải của Bộ Công Thương, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày vừa qua đã tăng rất mạnh. Trong đó, mức giá bình quân của xăng A92 là 63,451 USD/thùng, dầu diesel là 62,557 USD/thùng, dầu hoả là 63,782 USD/thùng và madut được bán với mức 324,935 USD/tấn. 

Theo công thức tính giá xăng dầu ở Nghị định 83, để giảm bớt mức độ tăng giá, Liên Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp xả quỹ để bù một phần khoảng chênh lệch này từ 250-600 đồng/lít.

Trong khi đó, số lần điều chỉnh giảm giá xăng dầu trong năm 2016 khá ít. Ghi nhận lần giảm giá gần nhất là hôm 19/11/2016 với mức giảm từ 373 – 521 đồng/lít.

2- Thủy điện Lai Châu về đích sớm hơn 1 năm 

Ngày 20/12/2016, tại huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức Lễ Khánh thành công trình Thủy điện Lai Châu. Công trình có tổng mức đầu tư 35.700 tỷ đồng này đã vượt tiến độ và về đích sớm 1 năm so với Nghị quyết của Quốc hội.

Đây là công trình xây dựng cấp đặc biệt, là nhà máy thủy điện lớn thứ ba được xây dựng trên sông Đà, gắn liền với thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình. Theo thiết kế, đập bê tông đầm lăn thủy điện Lai Châu có khối lượng 1.886.000m3; chiều cao đập lớn nhất 137m, tốc độ thi công nâng đập theo chiều cao trung bình trên 20m/tháng, lớn nhất 27,9m/tháng. Đây là một trong những đập có tốc độ nâng đập lớn nhất thế giới.

Nhờ thi công bê tông đầm lăn vượt tiến độ đã tạo điều kiện thi công sớm các hạng mục khác, do đó đã sớm tích nước hồ chứa đem lại hiệu ích phát điện cho Thủy điện Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình.

 Công trình này sẽ sản xuất lượng điện bình quân hàng năm đạt khoảng 4,7 tỷ kWh; chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.

3- Niêm yết cổ phiếu Sabeco và Habeco 

Năm 2016, các doanh nghiệp nhà nước lớn của Bộ Công thương đã tăng tốc cổ phần hoá, IPO và niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Đáng chú ý, hai ông lớn ngành bia là Sabeco và Habeco cùng “rủ” nhau niêm yết trên sàn, tạo sự hưng phấn cho thị trường, thu hút nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Ngày 6/12, Tổng công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã: SAB) chính thức niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) với khối lượng hơn 641 triệu cổ phiếu. Giá tham chiếu phiên đầu là 110.000 đồng/cổ phiếu, nhưng có phiên tăng kỳ lục lên hơn 224.000 đồng/CP. Hiện, cơ cấu cổ đông Sabeco khá cô đặc khi Bộ Công thương nắm giữ 89,59% cổ phần, Heineken nắm giữ 5% cổ phần. 

Ngày 28/10, Habeco chính thức giao dịch trên UpCom với gần 232 triệu cổ phiếu BHN với giá tham chiếu khởi điểm là 39.000 đồng một cổ phần.

Hiện riêng 3 cổ đông lớn đã nắm tới hơn 99% cổ phần của Habeco gồm Bộ Công Thương đại diện cho cổ đông Nhà nước nắm 81,79%, Carlsberg nắm 17,08% và Carlsberg Đông Dương nắm 0,15%. Còn lại cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ 2,26 triệu cổ phiếu của Habeco.

4- Khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến

Bộ Công Thương được cho là đã buông lỏng trong nhiều lĩnh vực. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, điều này có ý đúng nhưng không phải phổ biến, và ông dẫn đánh giá của các thành viên trong Tổ công tác Chính phủ ghi nhận những thành tựu mà ngành Công Thương đã làm được “không phải là nhỏ”.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng nhận định “Sai ở đâu, sửa ở đó, thiếu ở đâu, bổ sung ở đó”, và không chỉ dừng ở kiểm điểm mà tìm ra biện pháp khắc phục.

Ngày 23/12/2016, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chủ trì Lễ khai trương Cổng Dịch vụ công trực tuyến Bộ Công Thương và Dịch vụ công mức độ 4 Dán nhãn năng lượng.

Việc triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến là một cố gắng lớn của các đơn vị thuộc Bộ, nhằm thực hiện cam kết cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ của Bộ Công Thương nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh doanh. Trong đó, Bộ Công Thương cũng nỗ lực giảm thủ tục và rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng được coi là bước đột phá trong việc nâng cao môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

5- Các nhà máy nghìn tỷ thua lỗ, đắp chiếu

Năm 2016, ngành Công Thương bị điểm danh có tới 12 dự án lớn thua lỗ, trong đó có 5 dự án của các công ty thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), 4 dự án của các công ty thuộc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem).

Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội chỉ ra 5 đại dự án của Bộ Công Thương đang thua lỗ lớn gồm: nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất và nhà máy đạm Ninh Bình.

Ngoài ra, 7 nhà máy, dự án khác đang lỗ “khủng”, như: Đạm Hà Bắc lỗ 585 tỷ đồng năm 2015 và năm 2016 lỗ 125 tỷ đồng, 2017 dự kiến mới có lãi song phải đến 2019 mới hi vọng hết lỗ luỹ kế.

Cụ thể, Nhà máy DAP số 2 tại Lào Cai thuộc Vinachem đến hết tháng 6/2016 báo lỗ 281 tỷ đồng, và bị phanh phui nhiều sai phạm liên quan đến gói thầu EPC. Đơn cử, Thanh tra Bộ Xây dựng phát hiện, việc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình còn sai sót, làm tăng tổng mức đầu tư gần 79,9 tỷ đồng.

Công tác đàm phán, ký kết hợp đồng với gói thầu EPC còn một số tồn tại dẫn đến giá một số hạng mục công trình và vật tư, thiết bị trong biểu giá hợp đồng cao hơn so với giá dự phòng. Chính điều này đã làm tăng giá trị hợp đồng hơn 145 tỷ đồng và hơn 2,5 triệu USD… Có sai sót trong nghiệm thu, thanh toán vượt hơn 1,2 triệu USD tiền thuế giá trị gia tăng mua hàng nhập khẩu tại gói thầu EPC.

Còn nhà máy DAP số 1 tại Hải Phòng có nguy cơ đóng cửa vì tính đến 30/09/2016, DDV đang có khoản lỗ lũy kế gần 321 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn gần 1.145 tỷ đồng, giảm 24% so với thời điểm đầu năm. Nợ vay tài chính của DDV đang ở mức 817 tỷ đồng, gồm gần 682 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và gần 135,4 tỷ đồng nợ vay dài hạn.

6- “Thanh lọc” công tác nhân sự

 Sự kiện đáng chú ý năm qua của ngành Công thương là công tác bổ nhiệm, luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo có dấu hiệu sai phạm, lợi ích. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trong buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng ngày 14/11 đã khẳng định: Bộ Công Thương sẽ đi đầu trong tái cơ cấu một cách hiệu quả, đi kèm với đó là cải cách hành chính, thể chế, con người.

Tuyên bố mạnh mẽ được đưa ra sau khi các vấn đề bổ nhiệm nhân sự của Bộ Công ty bị đưa ra mổ xẻ, đánh giá, thanh tra gây xôn xao dư luận. Đáng chú ý là bổ nhiệm, luân chuyển Trịnh Xuân Thanh từ PVC về văn phòng Bộ, rồi về tỉnh Hậu Giang để rồi Trịnh Xuân Thanh xuất cảnh ra nước ngoài sau khi phát lộ nhiều bê bối, sai phạm điều hành khiến cho PVC thua lỗ nghìn tỷ.

Chưa hết, hàng loạt cán bộ, lãnh đạo của Bộ và doanh nghiệp thuộc bộ xin đi nước ngoài chữa bệnh, học tập rồi không trở về, như Vũ Đình Duy, nguyên TGĐ của PVTex Hải Phòng…

Cựu sếp PVC Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn ra nước ngoài 

Vụ bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải, con trai nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng – vào vị trí Phó TGĐ Sabeco cũng gây bức xúc, sau đó ông Hoàng đã bị miễn chức Bộ trưởng, còn ông Hải vừa có đơn rút khỏi HĐQT tổng công ty này.

Những tồn tại trong công tác đề bạt, bổ nhiệm, điều chuyển và quản lý cán bộ của Bộ Công thương đã được chỉ đích danh là “có dấu hiệu lợi ích”.

Hải Hà 

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…