Cá và rau xanh
Người Nhật Bản được mệnh danh là sống thọ nhất nhì thế giới và một trong những bí kíp của họ là ăn nhiều cá, đặc biệt là cá biển. Theo thống kê, người Nhật tiêu thụ gần 10% lượng cá của thế giới, mặc dù dân số của họ chỉ chiếm 2%, tức mỗi người dân Nhật ăn cá gấp 5 lần so với người dân khác trên thế giới.
Người Nhật ăn nhiều cá vì thực phẩm này dồi dào protein, vitamin, các khoáng chất như sắt, kẽm và canxi. Đặc biệt, họ ưu tiên những loại cá chứa nhiều dầu tốt cho trí não như cá hồi, cá ngừ, cá thu và bổ sung nhiều rau xanh trong bữa ăn.
Bữa ăn của người Nhật thường có ít tinh bột, nhiều cá và rau xanh. Người Nhật cũng rất hạn chế ăn tráng miệng bằng món ngọt vì dễ gây béo bụng. Thay vào đó, họ thường ăn tráng miệng bằng trái cây.
Natto
Natto là những hạt đậu nành đã luộc chín được ủ với enzym (Bacillus natto) ở môi trường 40 độ C trong vòng 14-18 giờ để lên men thành những hạt đậu có màu nâu, độ nhờn nhớt cao và bền, có mùi nồng rất khó chịu với người không quen. Theo kinh nghiệm của nhà sản xuất cho biết khi độ nhớt càng cao thì chất lượng món natto càng tốt và vị càng ngọt.
Natto là một trong những loại thực phẩm phổ biến nhất ở Nhật Bản. Natto là thực phẩm lên men rất giàu vitamin B12 và protein, sau khi lên men nó còn làm giảm axit phytic và các thành phần ảnh hưởng đến sự hấp thu chất dinh dưỡng khác trong cơ thể.
Tuy không có tác dụng thần kỳ như người ta đồn thổi như làm tan huyết khối, hạ lipid máu, thông mạch nhưng nghiên cứu dịch tễ học đã phát hiện ra rằng enzym nattokinase có trong natto rất có lợi cho những người mắc bệnh mãn tính, cứ 2-3 ngày ăn natto một lần sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, từ đó giúp kéo dài tuổi thọ.
Rong biển
Người Nhật thích ăn rong biển lạnh bởi nó có vị ngọt rất hấp dẫn. Thực tế, giữa các phân tử glycoprotein trong rong biển có lực hút rất mạnh, đồng thời chúng có thể liên kết với các phân tử đường ở màng tế bào, góp phần tích cực vào việc nuôi dưỡng và thúc đẩy hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Từ hàng nghìn năm trước, rong biển đã xuất hiện trong chế độ ăn uống của người Nhật. Người dân nơi đây gọi chúng là “siêu thực phẩm”nhờ hương vị đậm đà, dồi dào dưỡng chất, ít calo, giàu chất xơ.
Ngoài ra, đối với những người có đường tiêu hóa kém, hay mắc các bệnh về dạ dày thì chất polysaccharid trong rong biển có tác dụng phục hồi niêm mạc mà không gây hại cho đường tiêu hóa, là thức ăn bồi bổ dạ dày rất hiệu quả. Chỉ khi dạ dày khỏe mạnh thì chất dinh dưỡng mới được hấp thụ và tạo nền tảng một cuộc sống trường thọ.
Súp miso
Súp miso rất phổ biến ở Nhật Bản với nguyên liệu chính là củ cải đỏ và trắng, xương cá, gia vị sốt miso, cá tráp biển… Đây là món ăn được coi như “quốc bảo” của người Nhật, nhìn chung hương vị của súp miso rất nhẹ nhàng nhưng lại vô cùng bổ dưỡng. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra những lợi ích tuyệt vời của việc dùng canh Miso thường xuyên như: tăng cường sinh lực, giảm nguy cơ tiểu đường, giảm lượng mỡ trong trong gan và máu, canh Miso còn giúp phòng ngừa bệnh ung thư, mà đặc biệt là bệnh ung thư vú ở phụ nữ.
Vị thanh ngọt đậm đà của Miso hòa quyện cùng cơm trắng dẻo thơm tạo thành một bữa ăn trọn vẹn cho người dân đất nước Mặt Trời mọc.
Súp tương Miso là món chính trong bữa ăn sáng của người Nhật, ăn kèm với cơm, trứng, cá và dưa chua. Các món súp cũng được phục vụ ăn trưa và tối với những hương vị khác lạ hơn. Uống canh Miso là một thói quen lâu đời của người Nhật, trung bình mỗi ngày người Nhật dùng canh Miso ít nhất một lần trong các bữa ăn.
Trà xanh
Người Nhật có thói quen uống trà mỗi ngày, theo nghiên cứu thì trà xanh giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch lên tới 30%. Đây là một nét văn hóa ẩm thực không thể thiếu của người dân xứ sở hoa anh đào. Thức uống này giúp detox cơ thể, tinh thần thoải mái và làm đẹp da. Người Nhật thường uống trà ở nhiệt độ vừa hoặc thấp vì uống trà quá nóng có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư thực quản.
Người Nhật rất chuộng trà xanh, đặc biệt matcha. Loại trà xanh này dạng bột, được nghiền bằng cối đá. Matcha được đánh giá cao bởi chứa các hợp chất chống oxy hóa catechin, có liên quan đến việc chống ung thư, virus và bệnh tim.