Thuận Việt Holding là công ty nằm trong Liên danh CHEC – BCEG – Vietnam Contractors tham gia đấu thầu gói thầu 5.10 nhà ga hành khách tại sân bay Long Thành. Đây là gói thầu có giá trị lớn nhất tại dự án sân bay này.
NỢ THUẾ 2.696 TỶ ĐỒNG
Vào tháng 8/2023, Cục thuế TP.HCM đã công bố danh sách các doanh nghiệp nợ thuế trên địa bàn thành phố, tổng số nợ lên đến hơn 53.000 tỷ đồng. Theo đó, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thuận Việt đứng thứ 2 trong danh sách này, với số tiền là 2.696 tỷ đồng.
Tính đến năm 2022, Thuận Việt Holding có vốn điều lệ là 1.500 tỷ đồng, so với thời điểm thành lập công ty vốn điều lệ đã tăng gấp 30 lần. Tuy nhiên, số tiền vay và thuê tài chính ngắn hạn tại Thuận Việt vẫn ở mức cao, cao hơn cả vốn chủ sở hữu đạt 1.785 tỷ đồng.
Trong tổng số nợ 1.785 tỷ đồng vay nợ, Công ty Thuận Việt đã nợ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn đến 1.494 tỷ đồng và Ngân hàng Thương mại Cố phần Việt Nam Thương Tín (VietBank) 240 tỷ đồng, Ngân hàng TNHH MTV Public Việt Nam 23 tỷ đồng. Còn chi phí lãi vay của công ty này là 15,4 tỷ đồng. Năm 2022, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ Thuận Việt Holding tăng 260 tỷ đồng lên 656 tỷ, tăng 65,7% so với năm 2021.
Hiện nay, doanh nghiệp này có cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Võ Văn Bé sở hữu 95% vốn, tương đương 1.425 tỷ đồng và bà Võ Ngọc Thanh Vân sở hữu 5% vốn, tương đương 75 tỷ đồng. Công ty TNHH xây dựng thương mại Thuận Việt được sáng lập bởi ông Võ Văn Bé cùng vợ là bà Phạm Thị Hồng từ năm 1999 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng.
Được biết, năm 1989, tại trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, ông Võ Văn Bé sinh năm 1964 đã thành lập một đội thi công. Đến năm 1993, ông thành lập doanh nghiệp xây dựng mới với tên gọi Việt Phát, tập trung xây dựng các công trình liên quan đến giáo dục. Sang năm 1999, ông Võ Văn Bé đổi tên thành công ty TNHH Xây Dựng - Thương Mại Thuận Việt.
Năm 2003, Công ty Thuận Việt của ông Bé đã hợp tác với Công ty cổ phần Tập đoàn SSG trong việc triển khai dự án trọng điểm khu dân cư phức hợp Sông Sài Gòn – Saigon Pearl. Đến năm 2009, ông Bé trở thành Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình giao thông 677 thuộc Tổng Công ty Công trình giao thông 6 (Cienco6).
Đáng chú ý, năm 2016, Công ty Thuận Việt tham gia đấu giá cổ phần của Nhà nước tại Cienco6. Tuy nhiên, công ty này đã thất bại trước Công ty Cổ Phần Đồng Phú Hưng, Bình Thuận. Sau đó, ông Võ Văn Bé được bổ nhiệm làm Thành viên HĐQT Công ty Cienco6 dưới sự ủy quyền của cổ đông lớn là bà Phạm Thị Hồng. Hiện tại, ông Bé đang đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, đại diện pháp luật của Cienco6.
TỪNG BỊ PHẠT VÌ BÁN CHUI DỰ ÁN
Không chỉ lùm xùm về việc nợ thuế, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thuận Việt còn từng bị phanh phui do bán chui dự án New City tại Thủ Thiêm và sẵn sàng niêm phong căn hộ của người dân tại dự án này.
Năm 2018, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt, chủ đầu tư dự án New City, phường Bình Khánh, Quận 2, TP.HCM số tiền hơn 108 triệu đồng do nhiều sai phạm trong hoạt động xây dựng và mua bán căn hộ tại dự án này.
Theo quyết định xử phạt, Công ty Thuận Việt đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính như không sử dụng vật liệu xây dựng không nung đối với công trình bắt buộc sử dụng vật liệu sử dụng vật liệu xây dựng không nung; kinh doanh sản phẩm bất động sản không đủ điều kiện, không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định; không báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng để kiểm tra theo quy định đối với công trình phải được cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng kiểm tra trước khi đưa vào sử dụng; thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng công trình không đúng trình tự, thủ tục quy định…
Thanh tra Sở Xây dựng yêu cầu người đại diện pháp luật của Công ty Thuận Việt là ông Võ Văn Bé phải chấp hành quyết định xử phạt.
New City là dự án thuộc chương trình tái định cư 12.500 căn của khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ở thời điểm giữa năm 2018, dù chưa có quyết định chính thức của UBND TP.HCM cho chuyển từ nhà tái định cư sang nhà thương mại, nhưng Công ty Thuận Việt đã bán hơn 1.300 căn hộ cho người dân với mức giá 50 - 60 triệu đồng/m2.
Khách hàng mua căn hộ tại đây, khi tiến hành ký thỏa thuận sẽ đặt cọc ngay 100 triệu đồng, 7 ngày sau nộp tiếp 10% (chưa bao gồm VAT), một tháng sau thanh toán tiếp 20%, đến khi chủ đầu tư gửi thông báo lên ký hợp đồng mua bán là đã thanh toán 30%; khi ký hợp đồng mua bán sẽ thanh toán 65% tiếp theo để nhận nhà.
Tuy nhiên, nhiều khách hàng cho biết họ đã đóng 95% nhưng chưa nhận được nhà. Một điều khuất tất nữa tại dự án này là đến nay ngay cả tiền sử dụng đất dự án vẫn chưa có quyết định đóng từ nhà nước.
Đến đầu năm 2019, công ty này còn thông báo niêm phong căn hộ New City Thủ Thiêm của khách. Theo văn bản thông báo số 24/2019/New City do bà Lưu Thị Bích Chi, Giám đốc Kinh doanh bất động sản ký nêu rõ, Thuận Việt sẽ ngừng cung cấp điện, nước, cùng các dịch vụ có liên quan, niêm phong căn hộ, khóa thẻ từ thang máy của khách hàng đã ký hợp đồng mua bán căn hộ này. Thời gian thực hiện từ 19/2 – 23/2/2019.
Như đã đề cập ở trên, Công ty Thuận Việt là 1 trong 9 doanh nghiệp thuộc Liên danh CHEC – BCEG – Vietnam Contractors tham dự gói thầu 5.10 thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách" thuộc dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc dự án Đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế, sân bay Long Thành giai đoạn 1. Tuy nhiên, Liên danh này đã bị loại do không đủ năng lực.