Dù tỷ lệ tăng không lớn và vẫn nằm dưới 2%, nhưng hướng tăng mở rộng tại nhiều thành viên trong bối cảnh mẫu số tổng dư nợ để tham chiếu mở rộng khá nhanh. Trước đó, trong giai đoạn năm 2016-2018, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu thế giảm dần lần lượt là 2,46%, 1,99% và 1,89%.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, số nợ xấu mới này chủ yếu đến từ việc các ngân hàng ngày càng đẩy mạnh phát triển mảng ngân hàng bán lẻ, mở rộng cho vay cá nhân, tài chính tiêu dùng. Đây vốn là mảng mang về lãi biên cao hơn nhưng lại tiềm ẩn rủi ro cao hơn rất nhiều so với mảng tín dụng truyền thống.
Thống kê sơ bộ tổng giá trị nợ xấu của 25 ngân hàng đang khoảng 86.000 tỷ đồng, tăng khoảng hơn 8% so với cuối 2018 (trong khi tín dụng chỉ tăng hơn 7%). Riêng nhóm Big3 (Vietcombank, BIDV và Vietinbank), con số nợ xấu lên tới trên 41.000 tỷ đồng.
Ngoài việc tăng nợ xấu mới do các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động tín dụng thì cũng có một tỷ trọng nợ xấu do các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được các ngân hàng mua lại.
Cụ thể, từ tháng 10/2013, VAMC bắt đầu mua lại nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đến tháng 9/2015, NHNN đã hoàn thành được yêu cầu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng về mức 3%.
Tuy nhiên, đây không phải là hình thức mua đứt, bán đoạn, mà trách nhiệm xử lý nợ xấu vẫn thuộc về ngân hàng. Và theo cơ chế, khoản nợ xấu đã bán cho VAMC sau 5 năm nếu chưa được xử lý sẽ quay trở về ngân hàng và trả lại trái phiếu đặc biệt cho VAMC.
“Tính đến thời điểm hiện tại, thời hạn 5 năm của các khoản nợ xấu nêu trên đã lần lượt trôi qua, một lượng trái phiếu đặc biệt đã được đáo hạn đồng nghĩa với việc các khoản nợ chưa xử lý được sẽ lần lượt quay về với điểm xuất phát.
Trong khi đó, theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước trong một báo cáo công bố mới đây, thì trong những năm qua, VAMC chưa thực hiện vai trò trong việc mua nợ và xử lý nợ xấu.
Điều này được thể hiện qua việc tổ chức này không thực hiện thẩm định giá mua (giá mua bằng dư nợ trừ dự phòng rủi ro do tổ chức tín dụng tự xác định); không kiểm tra, đánh giá khách hàng vay, tính trung thực, chính xác của hồ sơ, tài liệu và tài sản đảm bảo của khoản nợ...
Bên cạnh đó, VAMC xử lý nợ xấu sau khi mua chủ yếu thông qua việc ủy quyền lại cho các tổ chức tín dụng bán nợ.
Trong khi đó, việc xử lý nợ xấu tồn đọng trước đây theo Nghị quyết 42 vẫn còn gặp những vướng mắc đáng kể. Theo chuyên gia ngân hàng, TS Cấn Văn Lực, thực tế việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 còn nhiều vướng mắc, trong đó vướng mắc lớn nhất vẫn là quyền thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn rất hạn chế, gần như chưa có vụ án nào được áp dụng trong thực tế theo hướng dẫn thủ tục rút gọn. Ngoài ra, còn nhiều vướng mắc trong thủ tục sang tên, chuyển nhượng tài sản đảm bảo, sự thiếu đồng bộ, nhất quán và quyết liệt của các bên tham gia xử lý nợ xấu, sự thiếu vắng của một thị trường mua bán nợ thực sự…
Về các khoản nợ xấu mới, theo phân tích của CTCK VnDirect, khác với trước đây nợ xấu các ngân hàng chủ yếu đến từ các khoản cho vay với mục đích đầu cơ và các hoạt động không phải ngành kinh doanh chính (như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản) và cho vay các khoản đầu tư không hiệu quả của doanh nghiệp quốc doanh.
Hiện tại, nợ xấu sẽ tăng nhiều nhất ở các ngân hàng mở rộng trong mảng bán lẻ, đặc biệt là tài chính tiêu dùng do hoạt động này rủi ro cao.
Thực tế, dù lợi nhuận của các ngân hàng không ngừng đi lên cùng những con số kỷ lục nhưng áp lực nợ xấu cùng đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn đang là vấn đề lớn mà các ngân hàng phải đối mặt. Nếu sa đà vào tăng trưởng tín dụng mà không kiểm soát tốt nợ xấu thì bài toán xử lý nợ xấu sẽ ngốn không ít nguồn lực của nhiều ngân hàng trong những năm tới.
>> Xử lý nợ xấu tiếp tục là mục tiêu “nóng” trong 6 tháng cuối năm